16/01/2019 19:33 GMT+7

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Nếu bạn mang sẵn một khái niệm sân khấu truyền thống tới xem vở ‘Sự sống’ bạn sẽ rời khỏi rạp với một mớ những câu hỏi mà câu hỏi lớn nhất là: ‘Thế mà là kịch ư?’

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 1.

Vở kịch được bắt đầu bằng một màn nhày múa tươi vui của các diễn viên bên hai nhạc công Nhật Bản đang trình diễn nhạc cụ truyền thống - Ảnh: T. ĐIỂU

Nhưng nếu bạn thử cởi bỏ mớ định nghĩa cũ kỹ trong đầu mà thả hồn mình vào âm nhạc, hình thể của diễn viên, theo sát những sáng tạo bất ngờ được cài cắm dày đặc trong tác phẩm kịch ngắn này, bạn sẽ được dẫn dắt tới những vùng cảm xúc rất mới mẻ.

Một vở kịch mà đạo diễn hầu như đập bỏ không thương tiếc mọi quy tắc sân khấu truyền thống để xông thẳng vào trái tim của những khán giả đương đại.

'Sự sống' hòa trộn giữa chuyện diễn viên đang tập kịch và câu chuyện kịch mà họ đang tập - Video: T.ĐIỂU

Nếu những luật lệ không làm con người hạnh phúc…

Sự sống do đạo diễn Hiroyuki Muneshige của Nhà hát Kabenika dàn dựng cho các diễn viên của hai nhà hát: Kabenika (Nhật Bản) và Nhà hát Kịch Việt Nam trong vòng 1 tháng qua.

Trước đó, ông đã có 2 tháng luyện tập cho diễn viên về cách biểu đạt thân thể thông qua việc sử dụng kỹ thuật múa; giảng dạy về kịch Noh, kịch Kabuki, kịch hiện đại của Nhật Bản.

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 3.

Đạo cụ duy nhất của vở diễn chỉ là mấy chiếc ghế nhựa - Ảnh: T. ĐIỂU

Sự sống dựa theo nguyên tác truyện cổ Taniko (Vách núi) của Nhật Bản. Vở kịch kể về cậu bé Kawa hiếu thảo. Cậu có một người mẹ đau ốm. Dù hết lòng chăm sóc mẹ nhưng bệnh tình của mẹ không thuyên giảm, cậu đã quyết định xin mẹ theo một người thầy cùng với các môn đồ khác bước vào hành trình lên núi vô cùng vất vả và hiểm nguy để cầu nguyện cho mẹ hết bệnh.

Không may, trên đường thiên lý gian khổ, Kawa bị ốm. Theo luật lệ, những người bị ốm trên đường đi sẽ bị ném xuống núi để không làm ảnh hưởng tới cả đoàn. Cậu bé Kawa ban đầu xin đoàn đưa cậu về nhà với mẹ, cậu nhớ mẹ và không cam lòng chết đi khi mẹ cậu còn bệnh tật ốm yếu nơi quê nhà.

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 4.

Ở 'Sự sống' không phải mỗi diễn viên hóa thân vào một hay vài vai diễn như thông thường, mà có tới 5 diễn viên thay phiên nhau liên tục diễn một vai hoặc diễn cùng lúc - Ảnh: T. ĐIỂU

Khi cả đoàn đã đồng ý phá quy tắc cũ, bỏ cuộc giữa đường để đưa cậu về nhà thì cậu lại hiểu ra quy luật sinh tử ở đời và chấp nhận luật lệ hà khắc. Cậu xin thầy và các đồng môn tuần thủ quy tắc, ném cậu xuống núi và tiếp tục hành trình của mình.

Mọi người làm theo nguyện vọng của Kawa, nhưng sau đó, tất cả cùng cạn kiệt vì nỗi đau buồn trước cái chết của Kawa. Người thầy bỏ cuộc đầu tiên. Cuối cùng, họ quyết định dùng sức mạnh của mình để gọi thần núi về hồi sinh cho Kawa.

Kawa được hồi sinh, còn những nhà tu hành vốn luôn tuân theo một cách nghiêm ngặt các luật lệ hà khắc bỗng nhận ra rằng, nếu những luật lệ không đem tới hạnh phúc cho con người thì nó cũng nên được xóa bỏ.

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 5.

Cảnh Kawa nhận ra quy luật sinh tử và chấp nhận để thầy và các môn đồ khác ném xuống núi theo luật lệ - Ảnh: T. ĐIỂU

Đập phá quy tắc, tại sao không?

Điều đặc biệt là câu chuyện đầy tính nhân văn này được kể bằng ngôn ngữ kịch hoàn toàn mới mẻ với khán giả Việt Nam. Nó thậm chí còn mới mẻ (và lạ lẫm) hơn cả vở kịch theo lối "kịch gián cách" rất khác lạ với khán giả Việt, từng gây "chấn động" làng kịch phía Bắc hơn 4 năm trước của Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe hợp tác dàn dựng - Vòng phấn Kavkaz.

Nếu Vòng phấn Kavkaz vẫn có dàn dựng sân khấu, chuyển cảnh, thay đổi phục trang của diễn viên… thì Sự sống bỏ luôn tất cả những thứ thuộc về kịch này.

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 6.

Kawa bị ném xuống núi - Ảnh: T.ĐIỂU

Sự sống không mang đến câu chuyện kịch dựa theo truyện cổ nọ, mà lại bày biện ra trước mắt khán giả câu chuyện về chính dự án hợp tác kịch giữa hai nhà hát này. Đạo diễn kể cho khán giả chính câu chuyện về buổi tập kịch của diễn viên hai nước để làm vở kịch này.

Thế nên, sân khấu chẳng còn là sân khấu. Theo nghĩa, nó hoàn toàn trống rỗng, không bục bệ, trang trí, đạo cụ duy nhất chỉ là vài chiếc ghế nhựa mà diễn viên thường mang ra sân khấu ngồi như trong các buổi tập kịch của họ. Bởi không dựng bối cảnh, nên chính diễn viên được dùng làm núi non hiểm trở thay cho các bục bệ thường thấy.

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 7.

Người thầy và các môn đệ đau buồn, day dứt trước cái chết của Kawa - Ảnh: T. Điểu

Sự sống cũng không có kéo màn sâu khấu, chỉ có một cảnh xuyên suốt từ đầu đến cuối. Vở diễn hòa trộn giữa chuyện diễn viên đang tập kịch và câu chuyện kịch mà họ đang tập. Chất kết dính chính là âm nhạc của hai nước được kết hợp rất duyên dáng.

Ngoài những thanh âm mới mẻ, hấp dẫn từ hai nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản là cây tiêu và cây đàn dây truyền thống hơi giống đàn tranh của Việt Nam, vở kịch còn đưa vào mấy ca khúc tiếng Việt khiến khán giả bất ngờ và thú vị: Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn), Một nhà (Da LAB), Lòng mẹ (Y Vân).

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 8.

Cảnh Thần Núi phục sinh cho Kawa - Ảnh: T. ĐIỂU

Âm nhạc chắc chắn là một phần quan trọng của tác phẩm sân khấu này. Hai nhạc công Nhật Bản chơi đàn để mở đầu vở kịch.

Trong suốt vở kịch, âm nhạc tràn ngập, khi lắng đọng, khi tươi vui. Và kết thúc vở kịch cũng lại là âm nhạc, hai nhạc công bước ra với bản nhạc tươi vui và tất cả các diễn viên nhảy múa xung quanh tạo thành màn chào tạm biệt khán giả không thể bất ngờ và ấn tượng hơn.

Các quy tắc sân khấu còn bị phá vỡ ở nhiều góc khác. Ở Sự sống không phải mỗi diễn viên hóa thân vào một hay vài vai diễn như thông thường, mà có tới 5 diễn viên cùng vào một vai diễn, họ nối tiếp nhau diễn cùng một vai, trên một sân khấu, thành nhiều vòng tròn diễn xuất.

Đập bỏ mọi quy tắc truyền thống để xông thẳng vào trái tim khán giả - Ảnh 9.

Các ca sĩ đang tập kịch và 'giải lao' bằng ca khúc 'Nối vòng tay lớn' của Trịnh Công Sơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Tất cả những mới mẻ và biến hóa không ngừng này chắc chắn là một thách thức lớn cho thói quen thưởng thức nghệ thuật kịch của khán giả Việt.

Nó buộc khán giả phải xem kịch một cách "nhiệt tình" hơn, phải chủ động nhập cuộc, phải nhún nhảy cùng giai điệu và hình thể của diễn viên, nếu không muốn bị đánh bật ra khỏi vở diễn và… không hiểu gì.

Sân khấu đương đại có lẽ cần những sáng tạo mới mẻ như vở Sự sống thì mới có thể quyến rũ được những khán giả phía Bắc vốn từ lâu đã "tắt lửa lòng" với kịch nghệ.

Kịch rối Nhật Bản "Tình yêu của người con gái bán rau" đến Việt Nam Kịch rối Nhật Bản 'Tình yêu của người con gái bán rau' đến Việt Nam

TTO - Bốn buổi diễn kịch rối Bunraku với trích đoạn kinh điển của vở 'Tình yêu của nguời con gái bán rau' của các nghệ sĩ đến từ thành phố Osaka - Nhật Bản tại TP.HCM và Hà Nội lần này sẽ hoàn toàn miễn phí.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên