Nghị sĩ VN đề xuất công dân VN nộp 'phí chia tay' khi xuất cảnh

Sân bay Nội Bài

Nguồn hình ảnh, ullstein bild

Chụp lại hình ảnh,

Sân bay Nội Bài

Bàn về luật xuất nhập cảnh, đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hưng nêu đề xuất công dân nước này nộp 'phí chia tay' 3-5 USD mỗi khi xuất ngoại.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nêu hai lý do để áp dụng loại phí này.

  • Một là để sử dụng vào một số công việc cho quốc gia, gồm cả đầu tư vào du lịch, và đảm bảo để 'chiến sĩ ở cơ quan biên phòng tươi cười hơn'.
  • Hai là theo ông Hưng, Nhật Bản đã có loại phí này "mà công dân Nhật phải trả" mỗi khi xuất cảnh, đem về cho ngân sách nước họ một năm tới 400 triệu USD.

Ông Nguyễn Quốc Hưng cũng nói cần ghi vào luật là khi ra nước ngoài, công dân Việt Nam "tuân thủ luật pháp nước sở tại, quy định của nhà nước Việt Nam, giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hoá của Việt Nam".

Tiền thu phí chi vào đâu?

Người nêu 'sáng kiến' thu phí này cho hay, ông tính rằng, "số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn".

"Một phần để cho xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân," theo VietnamNet đưa tin này hôm 12/06.

Có đúng là Nhật Bản thu phí công dân họ?

Ý tưởng của ông Nguyễn Quốc Hưng được ông nói là học theo với luật mới của Nhật vừa áp dụng từ 7/1/2019.

Theo đó, mọi hành khách không kể quốc tịch khi ra khỏi Nhật bằng đường biển và hàng không, sẽ phải đóng 1.000 yen (chừng 9 đôla), cứ mỗi lần rời khỏi Nhật.

Nhật Bản nói đây là 'thuế du lịch quốc tế' (international tourist tax) và được tính vào vé hàng không, tàu thủy, áp dụng cho cả người Nhật và nước ngoài từ hai tuổi trở lên.

Có vài ngoại lệ trong luật mới của Nhật, ví dụ những người sau đây thì không phải đóng thuế mới này:

Người quá cảnh và sẽ rời Nhật trong vòng 24 tiếng sau khi đáp xuống sân bay

Phải dừng ở Nhật vì thời tiết

Dưới 2 tuổi

Đại sứ nước ngoài, khách chính thức của nhà nước….

Tù nhân bị trục xuất

Phi hành đoàn

Đô la Mỹ

Nguồn hình ảnh, MOHAMMED HUWAIS

Chụp lại hình ảnh,

Khoản phí 'chia tay' được đề xuất bằng USD

Nước này dự tính sẽ đón 40 triệu du khách vào năm 2020 khi Nhật tổ chức Thế vận hội Tokyo.

Trên thế giới có nhiều nước áp dụng 'phí sân bay' (airport charge) hoặc 'thuế xuất cảnh' (departure tax), nhưng thường được tính luôn vào vé máy bay.

Người ta lập luận rằng các dịch vụ tại phi trường luôn tốn kém hơn giao thông bình thường nên ngành hàng không phải 'gánh vác' các khoản phí này và nộp lại cho công ty quản lý sân bay hoặc cho chính quyền địa phương.

Ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hưng đã nhanh chóng thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam.

Có ý kiến nói chắc vị đại biểu ngày "ngồi rảnh quá nghĩ ra thuế để vặt, mai đi bộ cũng đóng thuế, hít thở cũng đóng thuế, ôm nhau cũng đóng thuế".

Một ý kiến khác nói công dân Việt Nam ở nước ngoài không hề có quyền bầu cử, ứng cử nhưng chính quyền ở Hà Nội lại hay đòi các khoản đóng góp từ họ.

Tăng phí là xu hướng của ngành hàng không?

Theo tổ chức đại diện cho ngành hàng không, International Air Transport Association (IATA), lợi nhuận sau thuế kiếm được từ một hành khách chỉ là 6 USD, không mua nổi một bánh mì Big Mac nếu sống ở Thụy Sĩ.

Đây là dòng tít từ báo cáo mới nhất, mới ra ngày 7/6 của IATA, về kinh tế hàng không toàn cầu.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của toàn bộ ngành hàng không toàn thế giới năm 2019 có thể sẽ là 28 tỉ đôla.

Lợi nhuận không tệ, nhưng chỉ riêng một hãng công nghệ như Google đã lời 30 tỉ đôla năm ngoái.

Theo IATA, các hãng bay sẽ chở 4,5 tỉ hành khách năm 2019 để tạo ra 28 tỉ đôla lợi nhuận sau thuế.

Có nghĩa là, cứ mỗi hành khách thì mang lại 6 đôla lợi nhuận ròng cho hãng bay.

Từ 1/7/2018, mọi hành khách bay ra khỏi sân bay Changi, Singapore phải trả thêm 13,30 đôla Sing - bên cạnh 34 đôla đã đóng lâu nay - để tài trợ cho việc mở rộng sân bay này.

Cần biết rằng chính International Air Transport Association (IATA) đã phản đối thuế "chia tay" của Nhật Bản.

Người phát ngôn của IATA từng nói rằng họ thất vọng khi Nhật vẫn quyết định thi hành thuế mới từ 7/1/2019.

IATA giải thích rằng du lịch hàng không quốc tế "rất nhạy cảm" vì các vụ tăng giá.

Theo IATA, Ireland và Hà Lan trước đó đã phải rút lại các thuế tương tự - Irish Air Transport Tax và Netherlands Air Passenger Departure Tax - vì thấy ảnh hưởng tiêu cực.

Còn tại Malaysia, thuế "chia tay" đã có hiệu lực từ 1/6/2019.

Bất kỳ ai ra khỏi Malaysia bằng hàng không hoặc tàu đi sang Asean sẽ đóng 20 ringgit. Nếu đi sang nước khác, thì họ phải đóng 40 ringgit.

Tại Anh, có thuế Air Passenger Duty được xem là thuế hàng không đường dài cao nhất thế giới.

Cho đến năm 2018, thuế Air Passenger Duty là 78 bảng cho hạng vé thấp nhất bay đường xa, và 156 bảng cho hạng ghế cao hơn như hạng doanh nhân.

Nhưng từ tháng 4/2019, hạng vé cao hơn trả 172 bảng, còn hạng phổ thông vẫn trả 78 bảng.

Tại Úc, kể từ 1995, mọi hành khách rời Úc bằng hàng không hay đường thủy phải trả 55 đôla Úc.

Tại Philippines, mọi công dân Philippines - nhưng miễn cho người nước ngoài - phải đóng Travel Tax khi bay ra khỏi Philippines, giá tương đương 35 đôla Mỹ.

Travel Tax này miễn cho công dân Philippines nhưng sống ở nước ngoài, và cũng miễn cho dân lao động Philippines ở nước ngoài.

Ngoài ra, mọi hành khách - Philippines và nước ngoài - còn phải đóng thêm Thuế sân bay (Airport Terminal Fee), khoảng 17 đôla Mỹ.

Tại Trung Quốc, từ 1/4/2012, mọi hành khách bay nội địa trả 50 tệ cho "quỹ phát triển" và 90 tệ khi bay ra nước ngoài.

Quy định này có hiệu lực, thay thế "phí xây dựng sân bay" có cùng số tiền nhưng được xóa bỏ tại Trung Quốc.