Quốc hội Venezuela và Mỹ tăng áp lực lên Maduro

Venezuela

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Chính quyền Trump đang cân nhắc việc công nhận nhà lãnh đạo Quốc hội Venezuela Juan Guaido là tổng thống chính danh của nước này

Quốc hội do phe đối lập Venezuela điều hành tuyên bố Tổng thống Nicolas Maduro là "kẻ tiếm quyền" hôm 15/1 trong lúc chính phủ Mỹ cho thấy sự hậu thuẫn phe đối lập.

Theo Reuters, chính quyền Donald Trump đang cân nhắc việc công nhận nhà lãnh đạo Quốc hội Venezuela Juan Guaido là tổng thống chính danh của nước này, nguồn tin cho hay.

Các trợ lý Nhà Trắng đang cân nhắc một động thái như vậy trong danh sách các lựa chọn được chuẩn bị cho Trump để đáp lại những diễn tiến mới nhất tại Venezuela nhưng quyết định cuối cùng chưa được đưa ra.

Maduro nhậm chức nhiệm kỳ hai vào ngày 10/1 trong bối cảnh bị nhiều chỉ trích rằng sự lãnh đạo của ông không chính đáng do cuộc bầu cử năm 2018 bị quốc tế coi là gian lận và các nước phủ nhận chính phủ của ông.

Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Mỹ Latinh nói rằng Maduro đã trở thành một nhà độc tài và các chính sách thất bại của ông này đã khiến Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, không có dấu hiệu phục hồi trước mắt.

Trong khi đó, ông Maduro cáo buộc rằng "cuộc chiến kinh tế" do Hoa Kỳ dẫn dắt nhằm loại bỏ ông khỏi quyền lực.

Hôm 15/1, Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence gọi điện cho ông Guaido để bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Quốc hội với tư cách là "cơ quan dân chủ hợp pháp duy nhất ở nước này", một quan chức Nhà Trắng nói.

Venezuela

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong buổi lễ sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai

Hôm 13/1, Chính phủ Venezuela tuyên bố giành chiến thắng ngoại giao trong một cuộc tranh cãi ngoại giao với các nước Mỹ Latinh về tranh chấp biên giới với Guyana, trong khi phớt lờ chỉ trích nhiệm kỳ hai của Tổng thống Nicolas Maduro.

Ông Maduro cảnh báo các thành viên của nhóm Lima "về các biện pháp ngoại giao" sau khi họ tuyên bố vào ngày 4/1 rằng sẽ không công nhận nhiệm kỳ thứ hai của ông vì cuộc bầu cử Venezuela 2018 không tự do và công bằng.

Tuyên bố, được các quốc gia bao gồm Brazil, Argentina và Colombia ký kết, cũng bày tỏ lo ngại rằng Venezuela đã vi phạm chủ quyền của Guyana, bằng cách ngăn một con tàu thay mặt cho Exxon Mobil Corp thực hiện thăm dò dầu khí ngoài khơi.

Trong cuộc họp báo hôm 12/1, Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza cho biết rằng 10/12 chính phủ đã ký tuyên bố làm rõ lập trường của họ về vụ tranh chấp Guyana.

Ông bày tỏ hy vọng rằng hai quốc gia còn lại - Paraguay và Canada - sẽ theo gương của các thành viên khác. Paraguay cắt quan hệ ngoại giao với Venezuela hôm 10/1.

Arreaza đã không đề cập đến quan điểm của nhóm Lima về tính chính danh của ông Maduro, người đã tuyên thệ hôm 10/1, ngoại trừ việc bác bỏ tuyên bố hôm 4/1 của nhóm này là "can thiệp thô bỉ" vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.

Cuộc bầu cử năm 2018 của Venezuela đã bị phe đối lập tẩy chay và bị quốc tế lên án gian lận. Ông Maduro bảo lưu quan điểm cuộc bầu cử công bằng và các nhà lãnh đạo phe đối lập không tham gia vì biết rằng họ sẽ nắm chắc phần thua.

Vài ngày trước, Thẩm phán Tòa án tối cao Venezuela Christian Zerpa trốn sang Mỹ để phản đối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Maduro.

Và ông cáo buộc Tổng thống Maduro đã thao túng tòa án tối cao.

Đáp lại, tòa án này cho biết ông Zerpa đang chạy trốn các cáo buộc quấy rối tình dục.

Các đảng đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 2018 gọi đó là cuộc bầu cử giả hiệu.

Ông Zerpa từng là một đồng minh quan trọng của ông Maduro, soạn đánh giá ​pháp lý quan trọng vào năm 2016 để chứng thực cho quyết định tước bỏ quyền lực của quốc hội của tổng thống.

Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đã mất quyền kiểm soát cơ quan lập pháp trước phe đối lập trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu năm đó.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn với kênh EVTV của Miami hôm 6/1, ông Zerpa gọi Tòa án tối cao là "phần phụ của nhánh hành pháp" và nói rằng tổng thống sẽ chỉ đạo các thẩm phán trong một số vụ án nhất định.

Ông nói rằng ông đã không công khai chỉ trích kết quả bầu cử năm 2018 để đảm bảo ông và gia đình có thể trốn sang Mỹ an toàn.

Ông Maduro chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 10/1.

Đến nay, 14 quốc gia triệu hồi đại sứ khỏi thủ đô Caracas để phản đối kết quả của cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5/2018 và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới với Venezuela.

Venezuela

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Hàng triệu người Venezuela tháo chạy khỏi đất nước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn

Hồi tháng 12/2018, Venezuela đón hai phi cơ ném bom chiến lược của Nga như một cách tăng cường hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để phá thế bị cấm vận do Hoa Kỳ áp đặt.

Thông tin Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm 10/12 cho hay không chỉ có hai phi cơ TU-160 thuộc loại máy bay ném bom chở được vũ khí nguyên tử, Nga còn cho sang Venezuela một máy bay vận tải An-124 và một phi cơ tầm xa Il-62.

Các máy bay này đều đã đáp xuống sân bay Maiquetia gần Caracas, để chuẩn bị diễn tập quân sự cùng nước chủ nhà Nam Mỹ.

Thông cáo báo chí của chính phủ Venezuela nói đây là bằng chứng của "hợp tác đa diện giữa Nga và Venezuela, được khởi xướng từ thời (cố) Tổng thống, Tổng tư lệnh Hugo Chavez".

Tướng Vladimir Padrino Lopez, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela đón đoàn phi công, sỹ quan Nga chừng 100 người và nói các chuyến bay này "không gây sợ hãi cho ai cả", nhằm trấn an các nước láng giềng Nam Mỹ.