VN 'học được' gì từ TQ trong giải quyết ô nhiễm không khí?

  • David Nguyễn
  • Gửi tới BBC từ London
TQ

Nguồn hình ảnh, Barcroft Media

Chụp lại hình ảnh, Trung Quốc bị ô nhiễm không khí rất nặng vì công nghiệp hóa nhanh chóng

Sau hơn ba thập kỷ, Trung Quốc từ một quốc gia nghèo nay đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Nhưng để đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ, Trung Quốc phải trả cái giá không nhỏ là nạn ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm hạt mịn PM2.5 (loại hạt có trong không khí ảnh hưởng sức khoẻ con người), đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở các vùng trọng điểm kinh tế của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, đồng bằng sông Dương Tử và lưu vực sông Châu Giang.

Điều này đã tác động xấu đến sức khỏe người dân và môi trường sinh thái.

Theo nghiên cứu trên Journal of Cleaner Production, đầu năm 2013, ô nhiễm khói mù độc hại nghiêm trọng và khéo dài cả tháng đã xảy ra ở trung, bắc và đông Trung Quốc.

Ô nhiễm ở đây bị cho là có mức cao về nồng độ PM2.5, đạt mức kỷ lục, bao phủ hơn 1,3 triệu km2 và ảnh hưởng đến khoảng 800 triệu dân.

Để cải thiện chất lượng không khí bị giảm ô nhiễm nặng, tháng 9 năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động về phòng chống ô nhiễm không khí.

Kế hoạch hành động có vai trò là hướng dẫn để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia.

Mục tiêu của kế hoạch này là vào năm 2017, nồng độ PM10 sẽ giảm ít nhất 10% so với mức 2012 ở khu vực đô thị Trung Quốc và nồng độ PM2.5 sẽ giảm 25%, 20% và 15% ở Bắc Kinh, Thiên Tân, lưu vực Dương Tử và Châu Giang.

TQ

Nguồn hình ảnh, SOPA Images

Chụp lại hình ảnh, Xem App trên máy di động để kiểm tra mức ô nhiễm ở Thượng Hải

10 biện pháp làm sạch không khí

Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch hành động xác định các biện pháp chính:

  • tái cơ cấu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sạch;
  • chuyển đổi công nghệ theo hướng sạch đối với những ngành gây ô nhiễm;
  • tăng cường tiết kiệm sử dụng năng lượng, dùng năng lượng thân thiện với môi trường;
  • cải cách hệ thống pháp luật và quy định liên quan đến bảo vệ và kiểm soát môi trường;
  • thiết lập cơ chế điều phối khu vực liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị và môi trường;
  • thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo và hệ thống ứng phó khẩn cấp và đối phó khi không khí bị ô nhiễm nặng;
  • làm rõ trách nhiệm của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội và huy động công chúng tham gia bảo vệ môi trường.

Điều đáng chú ý là kế hoạch hành động yêu cầu nồng độ PM2.5 trung bình ở Bắc Kinh phải nằm dưới 60 µg/m³.

Giải pháp riêng cho thủ đô

Dựa trên kế hoạch hành động cấp quốc gia, chính quyền thành phố Bắc Kinh, nơi chịu ảnh hướng lớn do nạn ô nhiễm khí thải, đưa ra kế hoạch hành động chi tiết.

Bắc Kinh tập trung vào sáu hướng chính:

(1) kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, (2) kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, (3) kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, (4) kiểm soát ô nhiễm khói bụi, (5) phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm, và (6) ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.

Bắc Kinh

Nguồn hình ảnh, VCG

Chụp lại hình ảnh, Trời xanh trở lại Bắc Kinh trong một ngày giữa năm 2017

Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông chỉ là 6 triệu vào năm 2017.

Thành phố ủng hộ và thiết lập các hệ thống giao thông xanh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến kích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Để kiểm soát số lượng phương tiện thông qua xổ số biển số, nhà nước tăng mức tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông, yêu cầu kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện giao thông có khả năng gây ô nhiễm thường xuyên, cải thiện chất lượng nhiên liệu, loại bỏ hàng trăm nghìn phương tiện giao thông cũ kỹ, tăng chi phí lái xe ôtô, đưa vào hoạt động phương tiên giao thông sử dụng năng lượng sạch, quản lý xe từ các thành phố khác đến thành phố.

Để kiểm soát ô nhiễm đốt than, chính quyền khuyến kích xây dựng dự án sử dụng khí gas và các nhiên liệu sạch để thay thế sử dụng than, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để sưởi ấm, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công ngiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.

Để ngăn chặn bụi, Bắc Kinh thực hiện để kiểm soát bụi phát ra tại các công trường xây dựng, niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi, tăng cường quét đường hay hút bụi.

Trồng thêm cây xanh

Thành phố đã tăng lượng bao phủ cây xanh tại thành phố và khu vực lân cận lên tới 100 km2.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh phối hợp với tỉnh thành khác thực hiện các thỏa thuận và hành động thống nhất trong kiểm soát nguồn gây ô nhiễm khí, cấu trúc năng lượng, tối ưu hóa các ngành công nghiệp, quản lý phát triển đô thị và ứng phó khẩn cấp trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nặng.

Theo chinadialogue, kế hoạch hành động trên đã giúp Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng cải thiện đáng kể chất lượng không khí, thành phố Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu đề ra, PM2.5 trung bình hàng năm còn là 58 µg/m³ - giảm 35%.

Bằng các biện pháp cụ thể và hành động quyết liệt như trên của chính quyền, ô nhiễm không giá đã được cải thiện đáng kể, bầu trời xanh đã xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác.

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã tới mức nguy ngại

Việt Nam chưa phát triển như Trung Quốc, tuy nhiên ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã cực kỳ nghiêm trọng.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam hôm 17/01/2019, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng gấp nhiều lần.

Ông nói mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh và New Delhi, chủ yếu từ xăng dầu.

Ông nhấn mạnh thêm đây là nguyên nhân dẫn chính tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam.

HN

Nguồn hình ảnh, Linh Pham

Chụp lại hình ảnh, Ô nhiễm đô thị ở VN chủ yếu do khí thải từ xe máy và ô tô

Còn theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm 60.000 người tại Việt Nam chết có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Việt Nam học được gì từ Trung Quốc?

Theo tôi, điều đầu tiên Chính phủ Việt Nam phải nhận thức được rằng tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã rất nghiêm trọng, cần phải hành động ngay.

Tiếp đến, cần xây dựng chương trình hành động cấp quốc gia chống và cải tạo tình trạng môi trường bị ô nhiễm.

Chương trình hành động này cần phải xác định những nguồn nào gây ra ô nhiễm và đặt ra mục tiệu cụ thể cho địa phương, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đang bị ô nhiễm nặng nề nhất, giảm những loại khí độc hại nào và bao nhiêu, để đảm bảo môi trường sinh thái đạt mức tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới.

Theo người viết bài này, cần thêm vào đó kế hoạch hành động này xác định các biện pháp cụ thể ví dụ như:

  • Kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới bằng cách phát triển và khuyến kích người dân sử dụng các phương tin giao thông công cộng
  • Tăng phí sử dụng xe cơ giới, yêu cầu xe cơ giới phải kiểm tra định kỳ
  • Loại bỏ các loại xe cũ gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, các giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân ở Việt Nam chưa hiệu quả do hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Công việc xây hệ thống tàu điện có thể giúp cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường bị chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng không đảm bảo.

Chính phủ và chính quyền hai thành phố cần phải có hành động quyết liệt để sớm đưa hệ thống giao thông công cộng này đưa vào hoạt động, như:

  • Kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễmnhư nói không với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, đối với doanh nghiệp đang gây ô nhiễm yêu cầu những đơn vị này có lộ trình chuyển đổi sang những công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường hoặc yêu cầu đóng cửa.
  • Sử dụng các loại năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho các năng lượng hoá thạch như than đá.
  • Yêu cầu đơn vị xây dựng kiểm soát ô nhiễm khói bụi tại công trường xây dựng, thông qua việc hút bụi rửa đường thường xuyên. Phạt nặng những đơn vị gây ra ô nhiễm khí bụi.
  • Làm rõ trách nhiệm của chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và xã hội và huy động công chúng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
  • Cải cách hệ thống pháp luận và quy định liên quan đến bảo vệ và kiểm soát môi trường.
  • Thiết lập cơ chế điều phối khu vực liên quan đến quy hoạt, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường. Tránh tình trạng phát triển tập trung vào một số địa phương, khiến cho người dân đổ về một vài thành phố lớn dẫn đến quá tải trọng về giao thông.
  • Tăng lượng bao phủ cây xanh tại thành phố và khu vực lân cận.

Nếu chính phủ không có những hành động tức thì và kiên quyết thì nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam sẽ ngày một nghiêm trọng.

Khi đó, mọi mục tiêu nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sẽ không đạt.

Hơn thế nữa, hình ảnh một Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ xuất hiện trong tâm trí của người nước ngoài.

Khi đó, vị thế của Việt Nam sẽ bị giảm sút và kế hoạch biến Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài sẽ không thành.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bạn David Nguyễn từ London.

Xem thêm:

Chụp lại video, Ô nhiễm không khí thực ra là gì?