WhatsApp hạn chế chia sẻ nội dung để chống tin giả gây bạo lực

Geeta (illustration)
Chụp lại hình ảnh, Hình minh họa người dùng WhatsApp ở Ấn Độ

WhatsApp sẽ chỉ cho phép người dùng chia sẻ một tin nhắn nhiều nhất là năm lần để ngăn tình trạng tin giả lan truyền trên ứng dụng này.

Whatsapp, ứng dụng thuộc sở hữu Facebook, đã tung ra chính sách này tại Ấn Độ sáu tháng trước.

Động thái này được đưa ra sau khi xuất hiện tình trạng bạo hành đám đông xảy ra một cách vô cớ bởi những tin giả lan truyền trên nền tảng này.

Cho tới thời điểm hiện tại, người dùng ở một vài nơi vẫn có thể chuyển tiếp tin nhắn tối đa 20 lần trên WhatsApp.

Điều luật mới này của WhatsApp được công bố trong một sự kiện diễn ra tại Jakarta, Indonesia.

Indonesia đang chuẩn bị tổ chức cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng Tư tới đây.

WhatsApp nói với BBC họ đưa ra quyết định này sau khi đã có sự đánh giá "kỹ lưỡng" về kết quả thử nghiệm kéo dài nửa năm trong quốc gia này.

"Mức giới hạn này đã làm giảm đáng kể lượng tin nhắn được chuyển tiếp trên thế giới," một nữ phát ngôn viên cho biết.

"Điều này cũng sẽ giúp WhatsApp tập trung hơn vào tin nhắn riêng tư với những người trong danh bạ cũ."

"Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe phản hồi của người dùng về trải nghiệm của họ, và theo thời gian, tìm thêm những cách giải quyết mới để xử lý những nội dung lan truyền."

Facebook

Nguồn hình ảnh, Anadolu Agency

Chụp lại hình ảnh, Whatsapp là một trong số những ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ Facebook

Tin nhắn tạp

Tối đa 256 người dùng có thể cùng tham gia vào một nhóm WhatsApp.

Do vậy, về mặt lý thuyết, một người dùng giờ đây chỉ có thể chuyển tiếp một tin nhắn tối đa cho 1.280 người khác thay vì con số 5.120 người như trước đây.

Mặc dù vậy, không thể ngăn được những người nhận tin cuối cùng chia sẻ tin nhắn thêm năm lần nữa.

Điều luật giới hạn này xuất hiện vào thời điểm WhatsApp và các dịch vụ khác của Facebook đang xem xét kĩ lưỡng vai trò của họ trong việc lan truyền tin và thông tin sai sự thật trên mạng.

Tuần trước, Facebook đã tuyên bố xóa bỏ 500 trang và tài khoản bị cho là có liên quan đến tin giả tại Trung Âu, Ukraine và những quốc gia Đông Âu khác.

Gần đây, Facebook cũng thông báo rằng họ đã áp dụng một loại hình dịch vụ kiểm tra sự thật tại Anh.

Tuy nhiên, việc WhatsApp áp dụng phương thức mã hóa 'end-to-end encryption' đồng nghĩa tin nhắn chỉ có thể được đọc bởi người gửi và người nhận, từ đó hạn chế khả năng của hãng trong việc phát hiện tin giả.

Nhưng vào cuối năm ngoái, báo chí Ấn Độ đưa tin rằng chính phủ nước này đang xem xét thay đổi luật buộc Facebook phải kiểm soát WhatsApp vì nội dung "bất hợp pháp".

Điều này sẽ thách thức việc sử dụng công nghệ mã hóa này của hãng.

Ứng dụng WhatsApp

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ứng dụng WhatsApp

Xem thêm tin về mạng xã hội: