09/12/2019 06:32 GMT+7

Ai cầm tay bác sĩ kê 'phiếu tư vấn'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Ba ngày trước, chị P.T.H. ở Hà Nội đã đến Bệnh viện Da liễu T.Ư khám chứng viêm da. Chị H. cho biết chị bị dị ứng thời tiết theo đợt, thỉnh thoảng lại phải vào viện.

Ai cầm tay bác sĩ kê phiếu tư vấn - Ảnh 1.

Các “phiếu tư vấn” những sản phẩm hỗ trợ - Ảnh: L.ANH

"Lần trước cách đây khoảng nửa năm bác sĩ kê cho tôi thuốc, dưỡng da, dưỡng môi, sữa tắm và viên uống đẹp da. Tôi chỉ mua nửa đơn thôi vì thấy nhiều loại trong đơn không phải là thuốc" - chị H. cho biết. Tuy nhiên lần này trong đơn thuốc và "phiếu tư vấn" kèm theo, bác sĩ kê đến 6 sản phẩm. 

"Nhưng vì tên khoa học quá nên tôi không phát hiện ra đó là sản phẩm hỗ trợ. Cuối cùng mua hết cả 6 loại gần 2 triệu đồng, kết quả tiền thuốc chỉ có 200.000 đồng, còn lại toàn là chi tiền cho các loại kem bôi, thuốc uống chống sạm, làm khỏe da, tránh rụng tóc" - chị H. cho biết.

Một tiền gà, ba tiền thóc

Theo chị H., trước đây thuốc và các sản phẩm hỗ trợ đều kê chung trong 1 đơn thuốc, vì hay đi bệnh viện nên chị H. chỉ chọn mua 30% hay mua nửa đơn. Lần này tuy bác sĩ kê đơn và phiếu tư vấn riêng rẽ, nhưng bác sĩ kê đơn không nói rõ sản phẩm nào là thuốc, sản phẩm nào bổ trợ, tác dụng ra sao, tên các sản phẩm trong đơn đều có vẻ "khoa học" nên chị không hiểu đó là sản phẩm gì và đã mua toàn bộ theo hướng dẫn của bác sĩ.

"Nào ngờ sau này về hỏi kỹ những người có chuyên môn thì chỉ 1/6 loại tôi đã mua là thuốc, 5 loại còn lại là những loại kê thêm. Những loại kem dưỡng, viên uống thì hằng ngày mình đều đã dùng nhưng là sản phẩm khác và tác dụng tương tự, nếu bác sĩ nói rõ thì rất nhiều người bệnh sẽ không mất tiền oan" - chị H. bức xúc cho biết.

Tình trạng "một tiền gà, ba tiền thóc" như kể trên không chỉ ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu T.Ư. Khoảng tháng 4-2019, chị N.T.T.H. được phẫu thuật khối u tại Bệnh viện K. Một ngày người thân chị H. được cô điều dưỡng giao cho một "phiếu tư vấn", trong đó ghi sơ sài một sản phẩm Alle... và dặn ra cổng bệnh viện mua, cùng với 1 loại vật tư phục vụ điều trị nhưng không ghi trong phiếu.

"Tôi đã trả tiền mua cả vật tư và sản phẩm Alle..., nhưng vẫn cẩn thận hỏi thêm nhân viên nhà thuốc Alle... là gì thì được hướng dẫn đó là vitamin. Tôi đã ngưng mua loại vitamin này vì giá lên tới 1,6 triệu đồng/hộp, trong khi loại vật tư dùng cho trị bệnh chỉ có 400.000 đồng"- anh L. (thân nhân chị H.) phàn nàn.

Cùng mua thuốc với anh L. có một bà cụ 77 tuổi, vừa được phẫu thuật ung thư vú. Bệnh nhân cũng cầm "phiếu tư vấn" có ghi 2 hộp Vita... giá 540.000 đồng/hộp. Điều đáng kể là trong các "phiếu tư vấn" này không quy định chức danh nào mới được tư vấn, chỉ ghi chung chung là "người tư vấn", nên trong phiếu hướng dẫn gửi cho cụ bà 77 tuổi, người "tư vấn sản phẩm" lại khác người ký tên.

Phiếu tư vấn "lách" quy chế kê đơn?

Và mặc dù không quy định chức danh của "người tư vấn", nhưng các phiếu tư vấn này lại được lưu hành trong bệnh viện, trở thành một dạng tương tự như đơn thuốc. 

Vì người bệnh đi bệnh viện vốn dĩ rất chú ý tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Họ cũng chẳng biết đâu là thuốc, đâu là sản phẩm bổ trợ, đâu là sản phẩm điều trị chính cho bệnh của mình. Khi được bác sĩ hay y tá giao đơn thuốc và phiếu tư vấn, họ cứ thế đi mua. Trong khi không tự nhiên sản phẩm đến tay người bệnh. 

Một đại diện của nhà nhập khẩu thực phẩm chức năng chia sẻ họ rất muốn bán sản phẩm do công ty nhập khẩu vào bệnh viện. "Nhưng khổ nỗi nếu vào thì mất 30% hoa hồng, giá sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao"- vị này cho biết.

Trước năm 2008, thuốc và thực phẩm chức năng được kê chung trong 1 đơn, tình trạng lẫn lộn không rõ ràng ảnh hưởng tới túi tiền người bệnh. Trong các quy chế kê đơn sau này, Bộ Y tế đã cấm kê thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc vào đơn thuốc. 

Sau đó thì phát sinh tình trạng "lách đơn thuốc", kê vào "phiếu tư vấn" la liệt các sản phẩm bổ trợ nhưng không hề hướng dẫn cụ thể cho người bệnh đâu là thuốc, đâu là bổ trợ, thậm chí đâu là mỹ phẩm. Chỉ khi đã bỏ tiền ra mua hàng, người bệnh mới ngã ngửa, bởi trong đó có cả... sáp dưỡng môi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho hay Bộ Y tế căn cứ quy chế kê đơn để nhắc nhở các bệnh viện.

Tuy nhiên rất cần một cuộc thanh tra, làm rõ tình trạng đưa nhiều sản phẩm không phải là thuốc chữa bệnh vào các phiếu tư vấn lưu hành trong bệnh viện.

Bởi trước đây khi thuốc và các sản phẩm bổ trợ còn để chung trong một đơn, bác sĩ điều trị chịu trách nhiệm.

Giờ thì quả là khó kiểm soát. Hiện đã có lan truyền những con số về "hoa hồng" để những sản phẩm bổ trợ ấy đến được tay người bệnh.

Bác sĩ ​kê toa thực phẩm chức năng cho bệnh nhân là sai Bác sĩ ​kê toa thực phẩm chức năng cho bệnh nhân là sai

TTO - Sở Y tế TP.HCM kết luận việc bác sĩ A.G.T (Bệnh viện Q.5) kê toa thực phẩm chức năng cho bệnh nhân là sai.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên