Anh quy định khác VN thế nào đối với hoạt động từ thiện?

Lũ lụt miền Trung Việt Nam những tuần qua đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lũ lụt miền Trung Việt Nam những tuần qua đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị thay đổi quy định của một nghị định về công tác cứu trợ sau sự kiện 'đại hồng thủy' gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền Trung nước này, và nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện đã tự động vào cuộc, không cần nhà nước chỉ đạo.

Hiện nay, Điều 5, Nghị định 64/2008 ở Việt Nam quy định chỉ một số tổ chức, đơn vị mà đi đầu là Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập Đỏ, và các quỹ xã hội được đăng ký "được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ".

"Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ."

Điều này gây ra nhiều câu hỏi trong dư luận về "độc quyền làm từ thiện" khi mà nhiều tổ chức công do Nhà nước lập ra chưa làm hiệu quả bằng một số cá nhân.

Thủy Tiên, một ca sĩ Việt Nam, đã dùng mạng xã hội quyên góp được con số khổng lồ là 150 tỷ VND cho việc cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt miền Trung.

Cũng có câu hỏi vì sao không để toàn bộ xã hội vào cuộc cùng giúp cho công tác cứu trợ như quy định của các nước khác.

Để giúp trả lời câu hỏi này, BBC News Tiếng Việt giới thiệu hoạt động từ thiện, cứu tế, cứu trợ tại Anh, căn cứ vào Luật Từ thiện (Charities Act 2011) như sau:

Hoạt động cứu trợ thiên tai, cứu trợ nhân đạo theo luật Anh được xác định là thuộc một trong số các hình thức của hoạt động từ thiện (charities), vốn có phạm vi quản lý rất rộng.

Một điểm thu nhận đồ quyên góp tại Manchester hỗ trợ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một điểm thu nhận đồ quyên góp tại Manchester hỗ trợ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Mọi mặt cuộc sống đều cần 'từ thiện' và thiện nguyện

Luật Từ thiện 2011, nâng cao, bổ sung nhiều điều khoản cho phù hợp với hoạt động cứu tế, cứu trợ và từ thiện trong luật 1978, 2006...

Cũng văn bản tại địa chỉ https://www.legislation.gov.uk/ukpga/2011/25 nói rõ thêm về các điều bổ sung 2016 cho luật này.

Tới nay, đây là bộ luật căn bản nhất, toàn diện nhất về từ thiện tại Anh, bao gồm các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ (relief), ủng hộ, khuyến khích (support), gần như trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

Từ một hội nhỏ cấp làng quê, hộ tư tế nhà thờ cho đến Oxfam, quỹ từ thiện và cũng là tổ chức phi chính phủ tầm quốc tế (đã có mặt tại Việt Nam), Anh Quốc có rất nhiều hội đoàn làm từ thiện.

Điều 2 của Charitie Act có định nghĩa thế nào là mục tiêu từ thiện (charitable purpose), liệt kê ra từ hoạt động xóa đói giảm nghèo (relief of poverty); thúc đẩy giáo dục; phát triển tôn giáo; hoạt động y tế và cứu trợ sức khoẻ; thúc đẩy tinh thần công dân, cộng đồng; cho tới các hoạt động văn hóa nghệ thuật, di sản, khoa học và cả hội đoàn thể thao không chuyên nghiệp.

Công tác vì môi trường, bảo vệ quyền lợi động vật, hỗ trợ bình đẳng sắc tộc, chủng tộc, bình đẳng giới... cũng có thể được tổ chức thành việc từ thiện.

Bình đẳng giữa nhà nước và xã hội công dân

Tính chất và hình thức từ thiện tại Anh đảm bảo sự đa dạng của xã hội, không phân biệt đối xử, và hoàn toàn không đặt khối xã hội dân sự đối đầu với nhà nước.

Ví dụ, trong subsection 1 của Điều 2, mục 'm' nói Nhà nước không hề ngăn cản xã hội tổ chức hoạt động từ thiện giúp cho Quân nhân Anh, cảnh sát Hoàng gia, cứu hỏa và dịch vụ xe cứu thương.

Dù Anh giáo là quốc đạo, với Nữ hoàng Elizabeth II là người đứng đầu Giáo hội Anh giáo, nhà nước thừa nhận cả 'phi thần linh' như một thứ tôn giáo có quyền tổ chức từ thiện.

Mục về 'advancement of religion' nêu hai định nghĩa: tôn giáo là đạo thờ thần linh, và tôn giáo là đạo không thờ thần linh nào (a religion which does not involve belief in a god).

Bên cạnh đó, Luật Từ thiện nêu rõ vai trò của các giáo hội tại Anh, Scotland, Bắc Ireland trong hoạt động cứu trợ, từ thiện.

Các hoạt động thiện nguyện (volunteering) và mang tính chất vận động công dân lãnh trách nhiệm cứu trợ không chỉ được khuyến khích mà còn được bảo vệ theo luật và bởi Tòa Thượng thẩm (High Court).

Câu hỏi là có phải ai cũng được làm từ thiện có tổ chức?

Việc đóng góp cho từ thiện luôn là việc bình thường, hợp pháp từ lâu tại Anh.

Trong lịch sử Anh, hoạt động tế bần, cứu trợ dân bị thiên tai, dịch bệnh đã có từ nhiều thế kỷ.

Vua chúa, giáo hội, các hội đoàn hiệp sĩ, tu viện thường đi đầu trong công tác này.

Nhưng từ thế kỷ 17-18, cùng các khó khăn và thách thức gây ra cho xã hội và môi trường từ quá trình công nghiệp hóa, những nhà tế bần, hội thiện nguyện đã có mặt rộng khắp.

Năm 1845, Friedrich Engels, nhà tư bản người Đức (sau thành nhà hoạt động sáng lập chủ nghĩa cộng sản), sang Anh đã ghi nhận các hoạt động từ thiện rộng khắp của kỷ nguyên Victoria.

Tuy ông phê phán đây là chuyện làm từ thiện của 'giới tư sản Ki Tô giáo' (Christian burgeoise), Engels cũng nhìn thấy hoạt động tương tế của công nhân Ireland ở Anh với nhau như một hình thái tổ chức xã hội tương lai.

Tính chất hiện đại của việc này là nó không còn mang tính tôn giáo mà là hoạt động xã hội dân sự bình thường, không cần "chỉ đạo" từ vua chúa, nhà thờ.

Luật Anh nay tuy thế yêu cầu các hoạt động làm từ thiện phải có đăng ký.

Việc đăng ký này giúp chính quyền giám sát hoạt động theo các tiêu chuẩn luật pháp (tránh lạm dụng, lừa đảo), đồng thời công nhận quyền miễn trừ thuế thu nhập với hoạt động từ thiện.

Cùng lúc, hệ thống common law của Anh, Úc, Canada, Mỹ cho phép hoạt động từ thiện tại Anh không cần đăng ký vẫn có thể vận hành.

Khi đó, dù không có đăng ký, họ vẫn được/bị coi là 'charity' theo luật common law.

Vì số đăng ký hội từ thiện (charity number) đi kèm việc khai thuế, và nhà nước hạn chế thu nhập của chính tổ chức và người làm từ thiện.

Tinh thần của luật này là cần đăng ký mọi hoạt động đem lại thu nhập cho tổ chức, cá nhân làm từ thiện nhiều hơn 100 nghìn bảng Anh trong một năm thuế.

Các khoản cao hơn mức đó và được 'miễn thuế thu nhập' sẽ không rơi vào túi người làm từ thiện mà được chuyển lại cho hoạt động từ thiện sau khi Sở Thuế Hoàng gia (HMRC) hoàn lại cho hội đoàn từ hiện ở dạng Gift Aid để làm công tác thiện nguyện.

Theo ông Iain McLintock từ CharityConnect trong một bài hồi 2019 thì chỉ trong năm 2018, cả nước Anh 'tiết kiệm' được 600 triệu bảng tiền Gift Aid - bồi hoàn thuế từ các quỹ từ thiện.

Trong lịch sử Anh, hoạt động tế bần, cứu trợ dân bị thiên tai, dịch bệnh đã có từ nhiều thế kỷ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trong lịch sử Anh, hoạt động tế bần, cứu trợ dân bị thiên tai, dịch bệnh đã có từ nhiều thế kỷ

Làm từ thiện phải hiệu quả và tin vào sức mạnh con người

Nếu như ở Việt Nam, theo Nghị định 64, việc làm từ thiện bị hạn chế trong một số cơ quan đoàn thể công, với tính hiệu quả hiện chưa rõ là cao hay thấp, Anh Quốc đã có các ví dụ vận hành hoạt động vì công ích rất tiết kiện.

Cần nói rằng mọi công ty, cơ quan đoàn thể ở Anh, không nhất thiết phải là hội từ thiện, đều có thể đặt ra phần trăm thu nhập, doanh thu của mình vào mục tiêu từ thiện.

Một cơ quan đóng góp nhiều là National Lottery (Quỹ Xổ số Quốc gia).

Quỹ này có tiếng là hiệu quả trên toàn châu Âu vì chỉ chi đúng 4% doanh thu cho hoạt động của bộ máy, công nhân viên, chi phí quảng cáo etc....

Còn lại, sau khi từ tiền thưởng cho người trúng xổ số thì bỏ cả 95% doanh thu vào 2000 dự án công ích, gồm các hoạt động từ thiện.

Tính từ đầu năm đến 31 tháng 3/2020, National Lottery đóng góp cho từ thiện 948,6 tỷ bảng Anh, bằng 1,27 tỷ USD.

Mặt khác, muốn làm từ thiện tốt cần có niềm tin vào con người.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Chau Doan/Getty

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam là mọt trong những nước được Quỹ Oxfam hỗ trợ, như gia đình cậu bé này ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, với dự án tặng bò hồi 2008

Quỹ Oxfam nói sức mạnh của họ là "trao sức mạnh cho mọi người" (people's empowerment), và tất nhiên là tính giải trình trước pháp luật về công chúng.

Cũng Oxfam đề cao tính bình đẳng, bao dung, không loại trừ ai (inclusiveness) trong công tác của họ.

Bắt đầu từ phong trào cứu tế nạn nói năm 1942 ở Oxford vì thế có tên là Oxford Committee for Famine Relief - OXFAM, tổ chức này nay phục vụ cho gần 20 triệu người trên toàn cầu.

Biến thảm họa thành cơ hội cho việc thiện và xây dựng cộng đồng, cải thiện đời sống xã hội cho tất cả mọi người xét cho cùng chính là cách làm mà Anh Quốc đã trải qua và Việt Nam nhân đại nạn lũ lụt miền Trung 2020 có thể học tập.