Tuần duyên biển Hoa Kỳ chỉ trích TQ gây hấn và đánh cá trái phép

Thuyền đánh cá tại một làng ven biển ở Biển Đông tháng 11/2019

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thuyền đánh cá tại một làng ven biển ở Biển Đông tháng 11/2019

Hàng nghìn tàu Trung Quốc 'ép buộc và đe dọa các ngư dân đánh cá hợp pháp để ủng hộ các mục tiêu chiến lược hàng hải dài hạn của Đảng Cộng sản Trung Quốc,' theo South China Morning Post.

Lực lượng tuần duyên Mỹ đã có những lời lẽ gay gắt với Trung Quốc, trong một báo cáo mới về việc đánh bắt cá trái phép, kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng đoàn kết chống lại những quốc gia ''săn mồi trên biển'' trong một lời cảnh báo rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh.

Bản báo cáo, được công bố hôm thứ Năm, cũng chỉ trích lực lượng dân quân đánh cá có vũ trang của Trung Quốc, mà một số nghiên cứu nói Bắc Kinh sử dụng để thực thi tuyên bố chủ quyền ở vùng Biển Đông đang có nhiều tranh chấp, bằng cách đưa tàu thuyền tràn ngập vùng biển xung quanh các đảo này, với mục đích đẩy ngư dân và binh lính ra khỏi các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác.

"Lực lượng Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang nhân dân, ước tính gồm hơn 3.000 tàu, luôn có các hành vi gây hấn trên biển cả và vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, để ép buộc và đe dọa các ngư dân hợp pháp, ủng hộ chiến lược hàng hải lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc,'' báo cáo cho biết.

Gần đây, Lực lượng Tuần duyên Bờ biển Hoa Kỳ đã có lập trường ngày càng quyết đoán gần sân nhà của Trung Quốc, thực hiện các cuộc tập trận của chính họ ở Biển Đông và tham gia cùng Hải quân Hoa Kỳ trong các hoạt động tự do hàng hải trên eo biển Đài Loan.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang rạn nứt, báo cáo cho thấy quyết tâm của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ trong việc tăng cường hoạt động chống đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc, ước tính gần đây gồm khoảng 17.000 tàu, hơn 12.000 trong số này hoạt động ở các vùng biển không thuộc Trung Quốc.

Mặc dù tàu Trung Quốc không phải là những tàu duy nhất đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của các nước khác, nhưng một báo cáo tháng 6 của Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại London chỉ ra rằng Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất vào "cuộc khủng hoảng ngư nghiệp toàn cầu" vì đội tàu đánh bắt xa bờ của nước này lớn nhất trên thế giới.

"Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ sẽ làm sáng tỏ hoạt động của những kẻ vi phạm trật tự dựa trên quy tắc quốc tế, vạch trần và quy trách nhiệm cho những kẻ săn mồi nghiêm trọng nhất". Báo cáo này nói.

Vào tháng Hai, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, nói Trung Quốc là "một trong những kẻ phạm tội săn lùng ngư phủ tồi tệ nhất" và là mối đe dọa đối với an ninh lương thực của các quốc gia khác.

"Đây là một thách thức an ninh quốc gia cần một phản ứng rõ ràng,'' Đô đốc Karl Schultz nói.

Báo cáo được công bố hôm thứ Năm cũng được đưa ra với các thuật ngữ tương tự. Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc trong ba "nỗ lực" mà báo cáo cho biết Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ sẽ theo đuổi, nhưng có một nhấn mạnh rõ ràng về hành vi "săn mồi", loại mà Schultz nói rằng Trung Quốc đã phạm tội.

Hôm thứ Năm, ông Schultz xuất hiện trong một cuộc thảo luận được thu hình trước bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, lưu ý vai trò của Mỹ trong việc giúp các nước khác giám sát tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của họ. Ông Schultz chỉ ra một trường hợp vào tháng 7 khi một tàu của Bộ Chỉ huy Phương Nam của Hoa Kỳ đã giúp Ecuador xác định vị trí của một hạm đội Trung Quốc gồm 300 tàu hoạt động ngay bên ngoài vùng biển của Ecuador.

Tuy nhiên, báo cáo không cụ thể loại trừ việc hợp tác với Trung Quốc. Trong lời nói đầu, ông Schultz ca ngợi những nỗ lực của Chiến dịch Lực lượng Bảo vệ Bắc Thái Bình Dương, một nỗ lực thực thi của sáu quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã chống đánh bắt IUU ở Bắc Thái Bình Dương trong 25 năm qua.

"Những nỗ lực tập thể của chúng ta đã thành công rực rỡ trong việc gần như loại bỏ nạn đánh bắt cá trên biển khơi bất hợp pháp ở Bắc Thái Bình Dương,'' ông nói.

Bắc Kinh gần đây đã có những các biện pháp nhằm kiềm chế tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển nước ngoài.

Vào tháng 7, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã cấm các tàu Trung Quốc đánh bắt mực ở một số khu vực của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương để các quần thể cạn kiệt có thời gian phục hồi. Lệnh cấm kéo dài 3 tháng này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc ban hành lệnh cấm các đội tàu đánh cá của họ hoạt động trong vùng biển quốc tế, theo Bộ Nông nghiệp.