Liệu Hollywood có phản ánh chân thực về Ấn Độ?

  • Charukesi Ramadurai
  • BBC Culture
Netflix

Nguồn hình ảnh, Netflix

Trong một cảnh nhỏ trong phim mới có tựa đề 'Cọp Trắng' (The White Tiger), được tung ra trên Netflix, doanh nhân con nhà giàu Ashok (do Rajkummar Rao thủ vai) thốt lên với người tài xế của mình, Balram Halwai (Adarsh Gourav đóng), "anh đúng là biết Ấn Độ thực sự đấy".

Hai người họ đang ở một dhaba ở Delhi - một nhà hàng dừng chân nhanh ở địa phương, một trong số hàng trăm cái trải khắp miền bắc Ấn Độ - cắm cúi vào một bữa ăn đơn giản.

Balram hàng ngày ăn những thứ như thế này, thậm chí còn sơ sài hơn. Nhưng Ashok mới trở về từ Mỹ với người vợ Mỹ gốc Ấn đi theo, và anh choáng váng trước những hứa hẹn của thị trường hơn một tỷ dân này đối với ý tưởng kinh doanh mới của anh.

Đối với anh, bữa ăn này là một bước nữa để hiểu được đất nước của mình.

Giống như Ashok, các nhà làm phim phương Tây trong nhiều năm đã cố gắng để thấy và thể hiện 'Ấn Độ thực sự' - hình dung nó là đất nước của những sự tương phản không biết được, đầy rẫy đói nghèo, vô số cơ hội và sự thần bí kỳ lạ.

Và tất nhiên là làn da nâu nữa.

'Cọp Trắng', dựa trên cuốn sách của Aravind Adiga - đã đoạt giải Man Booker năm 2008, có thể đã hay không thể hiện được một Ấn Độ thật, nhưng chắc chắn trong đó có những người Ấn Độ thực sự.

Đối với Hollywood (và điện ảnh Anh), khi mà Peter Sellers đóng Hrundi V Bakshi trong phim 'The Party' (1968) và Huân tước Alec Guinness đóng Giáo sư Godbole trong phim 'A Passage to India' (1984) có thể vẽ mặt thành sạm màu và cố gắng thể hiện như là người Ấn, thì một phim với dàn diễn viên và đoàn làm phim gần như toàn bộ là người Ấn là một bước tiến.

Netflix

Nguồn hình ảnh, Netflix

Đạo diễn người Mỹ gốc Iran Ramin Bahrani làm 'Cọp Trắng' đã cười khi nói về điều này: "Lần đầu tiên trên trường quay, mọi người xung quanh đều trông giống tôi. Mọi người đều có màu da nâu, và điều đó tôi chưa bao giờ thấy trước đây."

Đó là một quyết định có ý thức đối với bộ phim này, vốn được sản xuất ở Mumbai, và với Priyanka Chopra Jonas, có lẽ là diễn viên Ấn Độ nổi bật nhất ở Hollywood hiện nay, trong vai trò là một trong những nhà sản xuất và minh tinh (đóng vai Pinky, vợ Ashok).

Khi chủ đề 'mặt da nâu' nổi lên, Bahrani cũng chỉ ra một phim gần đây hơn đã phạm phải cách làm này: 'The Social Network' (2010), trong đó nhân vật doanh nhân Mỹ gốc Ấn Divya Narendra do Max Minghella, có bố mẹ là người Anh-Trung Quốc, thủ vai.

Tìm diễn viên tài năng Ấn Độ

Điều này không có nghĩa là mọi thứ không hề thay đổi trong mối quan hệ của Hollywood với Ấn Độ; chắc chắn nó đã trở nên cởi mở hơn đối với các tài năng Ấn Độ.

Trong hai thập kỷ qua, một số diễn viên giỏi đã có hành trình dài và khá thành công từ Mumbai đến Los Angeles hoặc London.

Ngoài Chopra Jonas còn có Irffan Khan (The Namesake, Life of Pi, Slumdog Millionaire); Deepika Padukone (XXX: Return of Xander Cage); Anil Kapoor (Slumdog Millionaire, Mission Impossible: Ghost Protocol); Aishwarya Rai Bachchan (Pink Panther 2, Bride and Prejudice) và Amitabh Bachchan (The Great Gatsby). Và các nhân vật họ đóng không nhất thiết phải là người Ấn Độ trong kịch bản.

Tuy nhiên, trong khi đây là điều to tát ở Ấn Độ, những vai diễn này thường chỉ là thoáng qua trên màn ảnh, và có thể ai đóng cũng được.

"Nhưng đó ít nhất là một khởi đầu," Baradwaj Rangan, nhà phê bình và biên tập viên từng đoạt giải thưởng quốc gia làm việc tại website điện ảnh hàng đầu Ấn Độ Film Companion, nói.

"Có lẽ phim [phương Tây] duy nhất trước đó sử dụng nhiều diễn viên và kỹ thuật viên Ấn Độ là Gandhi (1982), nhưng đó là phim Anh hơn là của Hollywood," ông nói thêm.

Aswin Punathambekar, giáo sư nghiên cứu về truyền thông tại Đại học Virginia, và tác giả cuốn 'Từ Bombay đến Bollywood: Sự hình thành ngành truyền thông toàn cầu', nói rằng Anh luôn đi trước Mỹ trong việc tuyển diễn viên gốc Ấn.

"Ngay cả trong một chương trình thi đấu trên truyền hình nổi tiếng như 'The Great British Bake Off', đã có các thí sinh và thậm chí là người chiến thắng đến từ Ấn Độ. Và các diễn viên như Archie Panjabi và Sanjeev Bhaskar - họ đóng các vai chính thống chứ không chỉ là nhân vật Ấn Độ," ông lưu ý.

Thật vậy, đã có lịch sử lâu dài việc các ngôi sao Ấn Độ đóng phim Anh trong hàng thập kỷ, từ Shashi Kapoor trong Merchant Ivory's The Householder (1963) và Shakespeare Wallah (1965) cho đến Saeed Jaffrey trong nhiều vai diễn điện ảnh và truyền hình.

Nhìn từ phía ngược lại thì ngay cả bây giờ, Punathambekar nói, những người Mỹ gốc Ấn quen thuộc trên truyền hình như Padma Lakshmi và Mindy Kaling phải mang gánh nặng đại diện - có nghĩa là "này, quý vị phải cất lên tiếng nói cho tất cả người da nâu chúng ta," ông nói.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Phim Triệu phú khu ổ chuột (2008) cho các hãng phim Hollywood thấy rằng những phim làm kỹ về Ấn Độ sẽ có sức hấp dẫn khán giả toàn cầu

Hơn nữa, trong khi các diễn viên ở Ấn Độ - chủ yếu là điện ảnh tiếng Hindi hay còn gọi là Bollywood - dường như đang ngày càng tìm được các vai dòng chính ở Hollywood, thì cách người Ấn Độ và chính đất nước Ấn Độ được mô tả trong các phim và chương trình truyền hình chính thống của phương Tây vẫn là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Và đó là câu chuyện chủ yếu gây phiền lòng. Trong khi nhân vật Apu trong Simpsons - với 'giọng Ấn' chói tai do nam diễn viên da trắng Hank Azaria lồng tiếng - đã bị chỉ trích dữ dội, khiến Azaria từ chối vai này vào năm ngoái, thì bộ phim sitcom 'The Big Bang Theory' mới đây có anh chàng cù lần Raj Koothrappali với giọng nặng, the thé như vậy để giống như người Ấn Độ đích thực.

Và nếu như thế vẫn là chưa đủ, thì còn có những lần nói cho vui về hôn nhân sắp đặt và những gia đình có hàng tá gia nhân với sự hài hước tinh tế nghe tỉnh cả người.

"Hollywood luôn có các tiếp cận với thế giới bên ngoài như thể những nơi đó là thứ gì đó kỳ lạ," Rangan nói và cho biết khi có phim nói về Ấn Độ hoặc từ Ấn Độ, thì nó có xu hướng nghiêng về điều kỳ lạ.

"Giống như 'Indiana Jones and Temple of Doom' (1984) của đạo diễn Spielberg - lấy bối cảnh ở Ấn Độ nhưng thực tế lại được quay ở Sri Lanka - thể hiện nền văn hóa man rợ của chúng tôi với những người ăn thịt rắn và óc khỉ," ông cười.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Diễn viên Julia Robert trong phim Eat, Pray, Love' (2010)

Ông cũng dẫn ra ví dụ phim 'Eat, Pray, Love' (2010), mà trong đó Ấn Độ đồng nghĩa với tâm linh, phim 'The Best Exotic Marigold Hotel' (2011) về một viện hưu dưỡng dành cho kiều dân Anh ở Jaipur, "đối với chúng ta có vẻ như sến súa kiểu Ấn, nhưng có lẽ với khán giả Anh, có vẻ như giấc mơ Ấn của họ đã thành hiện thực..."

Hiệu ứng 'Triệu phú khu ổ chuột'

Đương nhiên có một phim về Ấn Độ đã gây địa chấn toàn cầu trong những thập kỷ qua: 'Triệu phú khu ổ chuột', bộ phim đoạt giải Oscar (2008).

Rangan tin rằng thành công của nó là do nó kể câu chuyện tích cực phổ biến về người đàn ông nghèo nhưng làm nên nghiệp lớn.

"Tất cả chúng ta đều cổ vũ kèo dưới dù gian khổ đến đâu vẫn chiến thắng. Nếu nó lấy bối cảnh ở giữa châu Phi hoặc vành đai gỉ sét ở Mỹ, miễn là một bối cảnh nghèo nàn, nó sẽ nhận được phản hồi tích cực tương tự," ông nói.

Punathambekar lưu ý rằng 'Triệu phú khu ổ chuột' đã đóng vai trò như bước ngoặt ở chỗ nó cho các hãng phim Hollywood thấy rằng những bộ phim được làm tốt về Ấn Độ với các nhân vật chính người Ấn có thể hợp thị hiếu khán giả toàn cầu và không cần giới hạn ở người Nam Á (trong và ngoài nước Mỹ).

Ông cũng nói rằng phim này mở đường cho sự nổi lên của những gương mặt và giọng nói Nam Á mới ở Mỹ, chẳng hạn như Kaling, Aziz Ansari và giờ là Hasan Minhaj.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng Ấn Độ vẫn còn lâu mới có được vị thế xứng đáng trên truyền hình và điện ảnh phương Tây - và có sự khác biệt rõ giữa cách Hollywood coi Ấn Độ là thị trường phòng vé và Ấn Độ là nguồn tài năng và kịch bản.

"Ấn Độ được coi là đã chín muồi cho các mối quan hệ hợp tác sản xuất và phân phối - đây là một thị trường có giá trị, chỉ sau Trung Quốc. Nhưng về cách kể chuyện, chúng ta còn phải đi một chặng đường dài," ông nói.

Có một điểm quan trọng cần để ý, đó là những phim về Ấn Độ thu hút được sự chú ý của quốc tế, như 'Triệu phú khu ổ chuột' và 'Cọp Trắng', thường là phim chuyển thể từ sách viết bằng tiếng Anh, cũng chủ yếu hướng đến khán giả quốc tế.

Do đó, các mô-típ phổ biến nhất của phim hoặc là định vị Ấn Độ như sự giác ngộ tâm linh, hoặc đắm chìm vào thứ bị miệt thị là lấy nghèo đói để câu khách - hãy nghĩ đến số lượng tiểu thuyết về khu ổ chuột nóng bức ở Mumbai hoặc sự phân chia giai cấp nặng nề ở New Delhi. Không cần phải nói ta cũng biết rằng 'Ấn Độ thực sự' thì rộng lớn hơn nhiều chứ không chỉ bó hẹp trong những chủ đề này.

Trở lại với 'Cọp Trắng', Bahrani nói ông bị nhân vật Balram Halwai thu hút bởi tính hài hước ngang tàng, có tính lật đổ và hoàn toàn không hối hận về bất kỳ hành động nào của anh ta, khi anh ta leo cao lên các nấc thang xã hội, từ tài xế cho đến doanh nhân.

Trong khi đó, nói rộng hơn, ông bị lôi cuốn vào giọng điệu tiểu thuyết. "Nó vui và hài hước, nhưng bên dưới là cơn thịnh nộ âm ỉ mà tôi nghĩ khán giả khắp thế giới có thể cảm nhận được, nhất là nếu họ thấy mệt mỏi và phát ốm vì phải làm tôi tớ cho người khác, hay xã hội và các thế lực kinh tế chống lại họ."

Tuy nhiên, trong khi cốt truyện cố gắng đưa ra cái nhìn yếm thế về hệ thống giai cấp phức tạp của Ấn Độ, nó cũng là triết lý khá đơn giản rằng kẻ giàu là ác còn người nghèo là tốt. Vì vậy, về mặt nào đó, không có gì thực sự thay đổi.

"Tôi chỉ có thể hy vọng rằng người ta sẽ nói nhiều hơn về Ấn Độ và Nam Á do giờ đây bà Kamala Harris đã nổi lên," Punathambekar nói.

Nhưng ông tin rằng những phim như 'Triệu phú khu ổ chuột' và 'Cọp Trắng' là những ngoại lệ hiếm hoi và thị trường phương Tây vẫn chưa sẵn sàng đón nhận những câu chuyện thường ngày của Ấn Độ.

"Giả sử khán giả Mỹ xem những phim này trên Netflix và dựa vào lịch sử xem đó Netflix sẽ đưa ra thêm phim Ấn Độ nữa, họ có thể khám phá thêm nhiều nội dung gần gũi hơn về Ấn Độ. Nhưng tôi không cho là có khả năng họ bỏ tiền ra mua vé vào rạp xem phim như vậy."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.