Việt Nam: 'Dư luận viên' tung hoành trên Facebook đã tới cấp huyện?

Một nội dung trong kế hoạch tuyên truyền của Ban Tổ chức Trung Ương là xây dựng đội ngũ 'chống diễn biến hòa bình' trên mạng
Chụp lại hình ảnh, Một nội dung trong kế hoạch tuyên truyền của Ban Tổ chức Trung Ương là xây dựng đội ngũ 'chống diễn biến hòa bình' trên mạng

Một hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam được tăng cường gần đây là tác chiến mạng.

Báo chí nhà nước gọi họ là "Lực lượng 47", và không ngừng mở rộng ở tất cả các cấp, nay đến cấp huyện.

Theo cách tổ chức quốc phòng toàn dân ở Việt Nam, các tỉnh, thành phố đều có "lực lượng vũ trang" nhưng Lực lượng 47 hoạt động theo phương thức mới.

Họ được tổ chức, được trang bị "vũ khí tác chiến", được đào tạo, được hưởng lương, và có được đào tạo "cách khai thác, sử dụng máy tính ảo thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng; đăng ký tài khoản, quy trình báo cáo vi phạm bài viết trên Facebook.

Ngoài ra, họ còn lập "nhóm bí mật" để trao đổi, thống nhất thông tin; cách viết tin, bài và kỹ năng đấu tranh của "Lực lượng 47" trên không gian mạng", theo bài "Bộ CHQS tỉnh tập huấn hoạt động "Lực lượng 47", trên trang của báo Quảng Ninh hôm 09/03 vừa qua.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã "xây dựng, duy trì tốt 24 trang diễn đàn/21 đầu mối".

Còn ở địa phương khác, tính đến 01/2021, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đã tổ chức được 12 tổ "Lực lượng 47", có ở 2 cấp (cấp Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị trực thuộc)3.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên cho biết họ "đã có hàng chục nhóm trên Facebook hoạt động thường xuyên, hiệu quả và gần 7.000 facebook cá nhân tham gia hoạt động cùng Lực lượng 47"4.

Hoạt động 'vũ trang' không bí mật

Một đơn vị quân sự của một tỉnh đã có số lượng lớn như thế, cả nước Việt Nam sẽ bao nhiêu?

Đây là câu hỏi người dùng mạng Facebook ở Việt Nam và nước ngoài quan tâm, vì họ có thể muốn biết là khi trao đổi, thảo luận trên các diễn đàn ở, người đối thoại là người dân bình thường, hay quân nhân.

Tuy thế, các hoạt động này không có gì là bí mật.

Ví dụ báo Thái Nguyên (29/03/2021) nêu luôn cả tên của các nhóm Facebook này:

"Hiện nay, lực lượng đấu tranh trên không gian mạng của Bộ CHQS có các nhóm nổi bật trên Facebook như "ATK Thủ đô gió ngàn" của Bộ CHQS tỉnh, "Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam XHCN" của Ban CHQS huyện Đại Từ, "Cửa ngõ Thủ đô" của Ban CHQS thị xã Phổ Yên, "Phú Bình miền quê ân tình" của Ban CHQS huyện Phú Bình…"

FB

Nguồn hình ảnh, ATK Thu do gio ngan -Facebook

Chụp lại hình ảnh, Một nhóm Facebook của tỉnh Thái Nguyên bác bỏ chỉ trích của Freedom House về việc họ cho là thiếu vắng quyền tự do ở Việt Nam

Sơ kết năm năm của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Trọng, Lâm Đồng cho thấy, "lực lượng" của huyện đã "đăng 6.729 bài, 52.772 lượt chia sẻ, 75.931 bình luận, 4.395.786 cảm xúc trên các nhóm…"

Trong một huyện này có chưa tới 200.000 dân của tỉnh Lâm Đồng, đây là hoạt động khá bận rộn, căn cứ vào số liệu tờ báo tỉnh nêu ra.

Tuy thế, quan sát các nhóm thảo luận này người ta thường không thấy số chia sẻ cao, độ tương tác thấp.

Ví dụ một số bài giống hệt tuyên truyền của báo chí chính thống chỉ ghi nhận 2-3 lượt chia sẻ trên trang Facebook "ATK Thủ đô gió ngàn".

Quy luật của 'tác chiến mạng'

Tuy thế, có thể nói rằng tuy phương tiện 'tác chiến' trên mạng là mới mẻ, mục tiêu của các trang, nhóm này lại bám sát báo chí truyền thống, tập trung vào lịch sinh hoạt chính trị 'mặt đất'.

Đó là các dịp Đại hội Đảng các cấp, tuyên truyền các ngày lễ truyền thống, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội...

Họ "bám sát các hoạt động thông tin trên không gian mạng, khi phát hiện có tin, bài, ảnh, video clip nội dung xấu độc, theo chỉ đạo, định hướng của cấp trên…"

"Nội dung chủ yếu là bày tỏ chính kiến của mình trên cơ sở bảo vệ và trung thành, kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lập luận, dẫn chứng, phản bác các quan điểm sai trái, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị", theo báo Phú Thọ.

Về cơ bản, tác chiến của dư luận viên trên mạng xã hội là để hỗ trợ cho hoạt động mà báo chí chính thống không làm được hoặc chưa làm được.

Đó là "phản bác các quan điểm sai trái", theo lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói trên báo Tuổi Trẻ về 10 nghìn thành viên lực lượng này khi ông làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam hồi 2017.

Sau kỳ Đại hội Đảng CS vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa lên làm trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dấu hiệu cho thấy hoạt động của các đơn vị ông phụ trách trước đó, hẳn phải được bộ máy chính trị VN đánh giá cao.

Bài trên QĐND (05/02/2021) ca ngợi “các chiến binh mạng” mặc quân phục ở VN có “tinh thần làm việc say mê, “cháy” hết mình vì công việc, ngày đêm “ăn ngủ với máy tính”.

Dấu hiệu thế nào và hiệu quả đến đâu?

FB

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Một cách bình luận đơn tuyến, không đi vào vấn đề mà nhắm vào người đăng bài

Quan sát hoạt động của các trang tiếng Việt ở nước ngoài, người ta thấy có nhiều bình luận có thể là của lực lượng trên vì mang tính đồng loại, cùng nội dung, không phản ánh văn phong cá nhân.

Cùng một nội dung, báo chí nước ngoài thường hứng chịu bình luận có tính công kích hơn các đồng nghiệp trong nước.

Một số bài trên Facebook của BBC News Tiếng Việt thường nhận được bình luận có thể của dư luận viên bởi có dấu hiệu:

  • Tập trung bình luận và tập trung tương tác ca ngợi các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội… liên quan đến chủ trương của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.
  • Áp đảo tức khắc bằng số lượng bình luận bảo vệ chế độ, chính sách của đảng cộng sản, chính phủ và quan chức Việt Nam.
  • Áp đảo tức khắc bằng cách mắng mỏ, thậm chí chửi bới, nhằm hạ thấp người viết chứ không đi vào tranh luận.
  • Tương tác cao nhất cho những bình luận có lợi cho các nhìn của quan điểm cộng sản.
  • Họ làm bằng cách phản hồi và bấm các nút thể hiện cảm xúc, có khi lên tới hàng ngàn lượt thích một bình luận.

Vì tập trung số lượng lớn tương tác, các bình luận của họ thường "nổi" lên trên cùng.

Các bình luận có tính chất đánh lạc hướng, tấn công cá nhân thường được gán cho lực lượng này.

Ví dụ khi có bài về chủ đề 30/04/1975 lập tức cách gọi VNCH là 'đu càng', xuất hiện ngay, hoặc khẩu hiệu 'Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm' được dán nhanh vào dưới dòng trạng thái.

Họ thường trực, bất kể giờ giấc, như chính tờ Quân đội Nhân dân nói, là "ăn ngủ trên mạng".

Lịch làm việc bất thường này khiến xảy ra hiện tượng "trực đêm": nếu nhiều người tập trung bình luận vào giữa đêm, thời điểm rất ít người lên mạng, thì người ta có thể nghi rằng đây là dư luận viên.

Vì người dùng mạng Facebook bình thường sinh hoạt theo lịch hàng ngày, ít ai túc trực suốt đêm để sẵn sàng "đấu khẩu" với những người ở nước ngoài, theo múi giờ khác VN.

Độc giả cũng có thể bắt gặp nhiều danh khoản không rõ danh tính.

Tìm hiểu sâu hơn có thể gặp những danh khoản không có hoặc rất ít tương tác trên trang cá nhân của chính họ.

Trước khi mạng xã hội vào Việt Nam, nhà nước đã có hàng ngàn báo, đài. Khi đó Việt Nam chỉ có truyền thông nhà nước. Phải chăng vì thế, lúc đó không có dư luận viên?

Nay, quan chức Việt Nam xác nhận lực lượng 47 có hơn 10.000 dư luận viên là hạt nhân từ cuối năm 2017.

Nhưng đến nay, qua báo chí chính thống, việc tổ chức lực lượng này đến cấp huyện, chắc hẳn phải tăng thêm nhân lực, và ngân sách.

Ảnh minh họa

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam có số dân dùng Facebook cao tại châu Á - 45 triệu tính đến 2019, theo trang Statista

Hiệu quả của các công tác này đến đâu còn là chuyện phải bàn và tùy cách nhìn, nhưng điều dễ thấy là môi trường mạng xã hội tiếng Việt có sự biến đổi bởi ngôn ngữ của dư luận viên hoặc những người "chơi Facebook" theo phong cách đặc thù này.

Xem thêm: