'Tôi không thể quên cô ấy' - Binh lính Myanmar thừa nhận những hành vi tàn bạo

  • Charlotte Attwood, Ko Ko Aung và Rebecca Henschke
  • BBC World Service
A man tries to put out a fire

Các binh sĩ trong quân đội Myanmar đã thừa nhận giết hại, tra tấn và hãm hiếp dân thường trong các cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC. Lần đầu tiên họ đưa ra những tường thuật chi tiết về những vụ vi phạm nhân quyền trên diện rộng mà những binh lính này nói rằng họ được lệnh phải tiến hành.

Cảnh báo: Trong bài viết có những chi tiết về tra tấn và bạo lực tình dục

"Họ ra lệnh cho tôi tra tấn, cướp bóc và giết những người vô tội."

Maung Oo nói rằng anh nghĩ mình đã được tuyển dụng vào quân đội với tư cách là một lính canh.

Nhưng anh là thành viên của một tiểu đoàn đã giết hại những thường dân đang ẩn náu trong một tu viện hồi tháng 5/2022.

"Chúng tôi được lệnh vây bắt tất cả những người đàn ông và bắn chết họ. Điều đáng buồn nhất là chúng tôi đã phải giết người già và một phụ nữ", anh nói.

Lời kể của sáu binh sĩ, bao gồm một hạ sĩ, cùng với một số nạn nhân của họ cung cấp cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về quân đội Myanmar tuyệt vọng để bám lấy quyền lực. Tất cả nhân vật trong bài viết này đã được đổi tên để bảo vệ danh tính của họ.

Những người lính này đã đào ngũ, đang được bảo vệ bởi một đơn vị địa phương của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), một mạng lưới lỏng lẻo của các nhóm dân quân dân sự chiến đấu nhằm khôi phục nền dân chủ.

Quân đội Myanmar đã giành chính quyền từ chính phủ được bầu cử dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trong một cuộc đảo chính vào năm ngoái. Hiện họ đang cố gắng dập tắt những cuộc nổi dậy có vũ trang của dân chúng.

2px presentational grey line

Ngày 20/12/2021, ba chiếc máy bay trực thăng bay vòng quanh ngôi làng Yae Myet ở miền trung Myanmar, thả xuống những người lính được lệnh nổ súng.

Ít nhất năm người khác nhau, nói chuyện độc lập, đã kể với BBC những gì đã xảy ra.

Họ nói rằng quân đội đã chia thành ba nhóm riêng biệt tiến vào, bắn vào đàn ông, phụ nữ và trẻ em một cách bừa bãi.

Hạ sĩ Aung cho biết: "Mệnh lệnh là phải bắn bất cứ người nào bạn nhìn thấy".

Một số người đã trốn ở nơi họ nghĩ là nơi an toàn, nhưng khi những người lính tới gần thì họ "bắt đầu chạy và chúng tôi bắn vào họ", anh kể lại.

Cpl Aung thừa nhận đơn vị của mình đã bắn và chôn xác 5 người đàn ông.

Anh nói: "Chúng tôi cũng đã có lệnh đốt từng ngôi nhà lớn và tươm tất trong làng.

Những người lính diễu hành quanh làng đốt các nhà dân, hét lên: "Đốt! Cháy!"

Cpl Aung đã phóng hỏa bốn ngôi nhà. Những người được phỏng vấn cho biết có khoảng 60 ngôi nhà đã bị đốt cháy, để lại phần lớn ngôi làng trong đống tro tàn.

Your device may not support this visualisation

Hầu hết dân làng đã chạy trốn, nhưng không phải tất cả. Một ngôi nhà ở trung tâm ngôi làng vẫn có người.

Thiha nói với BBC anh đã gia nhập quân đội chỉ năm tháng trước cuộc tấn công. Giống như nhiều người khác, anh được chiêu mộ từ cộng đồng và chưa được đào tạo. Những tân binh này được người dân địa phương gọi là Anghar-Sit-Thar hoặc "lính đánh thuê".

Vào thời điểm đó, anh được trả một mức lương tương đối 200.000 Khat Myanmar (tương đương 100 USD) một tháng. Anh nhớ lại những gì đã xảy ra tại ngôi nhà đó một cách chân thực.

The girl's house
Chụp lại hình ảnh,

Người thân của cô gái cho biết họ rất đau lòng

Thiha nhìn thấy một cô gái vị thành niên bị mắc kẹt sau song sắt trong một ngôi nhà sắp bị thiêu rụi.

"Tôi không thể quên được tiếng la hét của cô gái ấy, tôi vẫn còn nghe thấy bên tai và ghi nhớ trong lòng", anh nói.

Khi Thiha nói lại với đội trưởng của mình thì nhận được trả lời: "Tôi đã bảo cậu giết tất cả những người mà chúng ta thấy". Vì vậy, Thiha bắn pháo sáng vào phòng.

Cpl Aung cũng ở đó và nghe thấy tiếng khóc của cô gái bị thiêu sống.

"Thật đau lòng khi nghe thấy. Chúng tôi nghe thấy giọng của cô gái liên tục trong khoảng 15 phút khi ngôi nhà bị cháy", anh kể lại.

BBC đã tìm đến gia đình cô gái, nói chuyện trước những tàn tích còn lại của ngôi nhà của họ.

Một người thân của cô gái, U Myint cho biết cô bị tâm thần và đã phải ở trong nhà trong khi bố mẹ cô đi làm.

"Cô ấy cố gắng trốn thoát nhưng đã bị họ ngăn lại rồi bị thiêu sống", anh nói.

2px presentational grey line

Cô gái này không phải là người phụ nữ trẻ duy nhất phải chịu đựng dưới bàn tay của những người lính này.

Thiha nói rằng anh ta tham gia quân đội vì tiền nhưng bị sốc bởi những gì anh buộc phải làm và những hành động tàn bạo mà anh đã chứng kiến.

Anh nói về một nhóm phụ nữ trẻ bị họ bắt ở Yae Myet.

Người sĩ quan đưa những cô gái trẻ cho cấp dưới của mình và nói, "Muốn làm gì thì làm", anh ta kể lại. Anh nói rằng những người lính đã cưỡng hiếp các cô gái, nhưng anh không liên quan. Chúng tôi đã tìm ra hai trong số những cô gái này.

Pa Pa và Khin Htwe nói rằng họ đã gặp những người lính trên đường khi cố gắng bỏ chạy. Họ không phải là người dân ở Yae Myet, mà chỉ đến gặp một thợ may ở đó.

Bất chấp sự khăng khăng rằng họ không phải là chiến binh PDF hoặc thậm chí là người địa phương, họ đã bị giam trong một trường học trong ba đêm. Họ nói rằng mỗi đêm, họ liên tục bị lạm dụng tình dục bởi những kẻ bắt giữ say xỉn. "Họ bịt mắt tôi bằng xà rông và đẩy tôi ngã xuống, họ cởi quần áo và cưỡng hiếp tôi", Pa Pa nói. "Tôi hét lên khi họ cưỡng hiếp tôi."

Cô cầu xin những người lính dừng lại nhưng họ đã đánh vào đầu và dùng súng đe dọa cô.

"Chúng tôi phải chấp nhận mà không chống cự vì chúng tôi sợ rằng mình sẽ bị giết", Khin Htwe, run rẩy nói.

Các cô gái quá sợ hãi để nhìn kĩ những kẻ ngược đãi mình nhưng nói nhớ rằng đã nhìn thấy một số người mặc thường phục và một số mặc quân phục.

"Khi họ bắt những phụ nữ trẻ," người lính Thiha nhớ lại, "họ sẽ nói, việc này là bởi vì cô ủng hộ PDF khi họ (cưỡng hiếp) các cô gái."

Ít nhất 10 người chết trong vụ tấn công ở Yae Myet và 8 cô gái được cho là đã bị cưỡng hiếp trong thời gian 3 ngày.

2px presentational grey line

Vụ giết người tàn bạo mà người lính được thuê Maung Oo tham gia xảy ra vào ngày 2/5/2022 tại làng Ohake, cũng thuộc vùng Sagaing.

Lời kể của anh về các thành viên từ Sư đoàn 33 (Sư đoàn bộ binh hạng nhẹ 33) vây bắt và bắn người trong một tu viện khớp với lời khai của nhân chứng và video có nội dung nặng mà BBC thu được ngay sau vụ tấn công.

Đoạn video cho thấy có 9 xác chết xếp thành hàng trong đó có một phụ nữ và một người đàn ông tóc bạc nằm cạnh nhau. Họ đều mặc xà rông và áo phông.

Các dấu hiệu trong cảnh quay cho thấy họ bị bắn từ phía sau và ở cự ly gần.

Vết đạn bắn trên tường một ngôi nhà
Chụp lại hình ảnh,

Vết đạn bắn trên tường một ngôi nhà

Chúng tôi cũng đã nói chuyện với những người dân làng đã chứng kiến sự tàn bạo này. Họ xác định danh tính người phụ nữ trẻ trong video bên cạnh người đàn ông lớn tuổi. Cô ấy được gọi là Ma Moe Moe, đang mang theo đứa con của mình và một chiếc túi đựng những miếng vàng. Cô cầu xin những người lính đừng lấy đồ của cô.

"Bất chấp đứa con mà cô ấy đang mang theo, họ cướp đồ đạc và bắn cô ấy đến chết. Họ cũng xếp (những người đàn ông) thành hàng và bắn từng người một", Hla Hla, người có mặt tại hiện trường nhưng đã được tha cho biết.

Đứa trẻ sống sót và hiện đang được người thân chăm sóc.

Hla Hla cho biết cô đã nghe những người lính khoe khoang qua điện thoại rằng họ đã giết được tám hoặc chín người, rằng giết người rất "ngon" và mô tả đó là "ngày thành công nhất của họ".

Cô kệ họ đã rời làng và hô vang "Chiến thắng! Chiến thắng!"

Một người phụ nữ khác chứng kiến chồng mình bị giết. "Họ bắn vào đùi anh, sau đó họ bắt anh nằm úp mặt xuống và bắn vào mông. Cuối cùng họ bắn vào đầu anh", cô nói.

Cô khẳng định chồng mình không phải là thành viên của PDF. "Anh ấy thực sự là một công nhân dầu cọ mới chập chững kiếm sống theo cách truyền thống. Tôi có một con trai và một con gái, và tôi không biết phải tiếp tục sống như thế nào".

Maung Oo nói rằng anh thấy hối hận về hành động của mình. "Vì vậy, tôi sẽ kể cho bạn biết tất cả. Tôi muốn mọi người biết để tránh rơi vào số phận tương tự".

2px presentational grey line

Tất cả sáu binh sĩ nói chuyện với BBC đều thừa nhận đã đốt nhà và làng mạc trên khắp miền trung Myanmar. Điều này cho thấy đây là một chiến thuật có tổ chức để phá hủy mọi hỗ trợ cho quân kháng chiến.

Việc này diễn ra khi một số người cho rằng quân đội Myamar phải vật lộn để duy trì cuộc nội chiến diễn ra trên nhiều mặt trận.

Your device may not support this visualisation

Myanmar Witness - một nhóm các nhà nghiên cứu theo dõi các vụ vi phạm nhân quyền - đã xác minh hơn 200 báo cáo về các ngôi làng bị đốt cháy theo cách này trong 10 tháng qua.

Họ nói rằng quy mô của các cuộc tấn công đốt phá này đang gia tăng nhanh chóng, với ít nhất 40 cuộc tấn công vào tháng Giêng và tháng Hai, sau đó là ít nhất 66 cuộc tấn công vào tháng Ba và tháng Tư.

Your device may not support this visualisation

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Myanmar sử dụng chính sách thiêu trụi. Chính sách này được báo cáo sử dụng rộng rãi chống lại người Rohingya vào năm 2017 ở tỉnh Rakhine.

Các vùng dân tộc miền núi của Myanmar đã phải đối mặt với những cuộc tấn công kiểu này trong nhiều thập kỷ. Một số chiến binh dân tộc này hiện đang giúp đào tạo và trang bị cho PDF trong cuộc nội chiến chống lại quân đội hiện nay.

Theo Human Rights Watch (Tổ chức theo dõi nhân quyền), văn hóa không bị trừng phạt mà trong đó binh lính được phép cướp bóc và giết người theo ý muốn, đã xảy ra trong nhiều thập kỷ ở Myanmar.

Hiếm khi có người phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo được cho là do quân đội thực hiện.

2px presentational grey line

Nhưng quân đội Myanmar đang ngày càng phải thuê thêm binh lính và dân quân do các cuộc đào tẩu và bị giết bởi PDF.

Khoảng 10.000 người đã đào tẩu khỏi cả quân đội và cảnh sát kể từ cuộc đảo chính năm 2021, theo một nhóm có tên là People's Embrace, được thành lập bởi các cựu quân nhân và cảnh sát.

A house on fire
Chụp lại hình ảnh,

Quân đội đã phá hủy các ngôi làng một cách có hệ thống

"Quân đội đang phải vật lộn để duy trì cuộc nội chiến trên nhiều mặt trận", Michael Martin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.

"Họ đang gặp phải những vấn đề về nhân sự cả trong cấp bậc sĩ quan và binh lính nhập ngũ, đó là thương vong nặng nề, vấn đề tuyển dụng, vấn đề nhận thiết bị và vật tư và điều này được phản ánh bởi thực tế là họ dường như đang mất đi lãnh thổ hoặc quyền kiểm soát lãnh thổ ở các vùng khác nhau trên đất nước. "

Vùng Magway và Sagaing (nơi xảy ra các vụ việc trên) từng là những nơi tuyển quân lịch sử của Myanmar.

Nhưng những người trẻ ở đây chọn tham gia các nhóm PDF thay vì quân đội.

Cpl Aung nói rõ về lý do tại sao anh chọn đào tẩu: "Nếu tôi nghĩ quân đội sẽ giành chiến thắng trong dài hạn, tôi đã không đổi phe về với nhân dân."

Anh ta nói rằng binh lính không dám rời khỏi căn cứ một mình vì họ lo lắng sẽ bị giết bởi PDF.

"Bất cứ nơi nào chúng tôi đi, chúng tôi chỉ có thể đi thành hàng quân đội. Không ai có thể nói rằng chúng tôi đang thống trị".

2px presentational grey line

BBC đã đưa các cáo buộc trong cuộc điều tra này lên Tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của quân đội Myanmar. Trong một tuyên bố, ông Zaw Min Tun phủ nhận rằng quân đội đã nhắm vào dân thường. Ông cho biết cả hai cuộc không kích được trích dẫn ở đây đều là các mục tiêu hợp pháp và những kẻ bị giết là "khủng bố".

Ông Zaw Min Tun phủ nhận quân đội đã đốt những ngôi làng và nói rằng chính những người PDF đang thực hiện các cuộc tấn công đốt phá.

Khó có thể nói cuộc nội chiến này có thể kết thúc như thế nào và khi nào nhưng có vẻ như hàng triệu thường dân Myanmar sẽ bị tổn hại.

Và càng mất nhiều thời gian để tìm được bình yên, những phụ nữ như nạn nhân bị hiếp dâm Khin Htwe sẽ càng dễ bị bạo hành.

Cô nói rằng mình không còn muốn sống sau những gì đã xảy ra và nghĩ tới việc tự sát.

Cô ấy đã không thể nói với vị hôn phu của mình về những gì đã xảy ra.

Đồ họa của Aghnia Adzkia, Arvin Supriyadi và Davies Surya