VN nhận thêm đầu tư lớn nếu giảm được tham nhũng

  • Nguyễn Hoàng
  • BBC Tiếng Việt
Chụp lại video,

Việt Nam: Tham nhũng nhiều sẽ mất nhà đầu tư

Chuyên gia Anh nói đầu tư lớn cho hạ tầng có thể đến từ phương Tây nếu VN giảm bớt được tham nhũng.

Hiện nhiều nơi tại Việt Nam đang diễn ra các hội nghị tuyên truyền và tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vốn có hiệu lực từ 1/7/2019.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Brook Horowitz, CEO của IBLF Global, một chuyên gia Anh có kinh nghiệm làm việc với chính quyền tại các nước đông Âu và Trung Quốc về chống tham nhũng cũng cảnh báo về rủi ro đổ tiền vào bất động sản tại Việt Nam.

BBC: Luật Phòng, chống tham nhũng mới có điểm gì đáng chú ý?

Bộ luật đã bổ sung một chương mới về trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là một thay đổi thú vị vì trong quá khứ luật này chỉ tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước. Theo đó, từ nay khu vực kinh tế tư nhân sẽ có những nghĩa vụ mới. Luật mới quy định các doanh nghiệp phải có 'hệ thống kiểm soát nội bộ' và 'bộ quy tắc ứng xử'. Không có nhiều doanh nghiệp biết đến và hiểu khái niệm các thuật ngữ này. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ còn nhiều việc phải làm để giúp các doanh nghiệp hiểu các thuật ngữ trên và thực hiện chúng.

Chính phủ cần tập huấn, hướng dẫn và giúp đỡ các công ty hiểu về nghĩa vụ của họ, Việt Nam chỉ mới bắt đầu thực hiện. Do đó, chúng tôi đang làm việc với VCCI và chính phủ Việt Nam để giúp về mảng này cũng như nâng cao ý thức của các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp và cá nhân tuân thủ và thực thi các điều luật trên thì sẽ mất rất nhiều năm. Chính phủ cần trừng phạt các trường hợp không tuân thủ và có rất nhiều quản lý cấp cao của các doanh nghiệp lớn đã bị truy tố.

BBC: Ông có nhắc đến một số quan chức cấp cao đã bị truy tố vì tội nhận hối lộ hay tham nhũng tại Việt Nam. Ông nghĩ đó có phải là vấn đề khi cơ quan điều tra các vụ này là một bộ phận của chính phủ thay vì một đơn vị độc lập bên ngoài?

Tham nhũng là một vấn đề mang tính chính trị và xã hội cực kỳ nhạy cảm. Ở đâu trên thế giới thì bộ phận truy tố công về tham nhũng cũng được thực hiện bởi cơ quan chính phủ. Đây không phải là điều bất thường. Niềm tin chỉ bị giảm đi khi chính chính phủ hay các cơ quan chính phủ là đối tượng nhận tham nhũng.

ông Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (phải)

Nguồn hình ảnh, BỘ CÔNG AN VN

Chụp lại hình ảnh,

Hai cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông, các ông Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (phải) nhận hơn 3 triệu đô từ ông Phạm Nhật Vũ, theo truyền thông Việt Nam

Ví dụ, cơ quan thuế luôn gây khó dễ cho một doanh nghiệp nhỏ cho đến khi doanh nghiệp này hối lộ các nhân viên thuế để họ nhắm mắt làm ngơ. Những trường hợp như vậy mới thực sự gây tổn hại đến nỗ lực phòng chống tham nhũng. Vì vậy, khi chính phủ ban hành các chính sách phòng chống tham nhũng và thực thi chúng, thì chính phủ cần phải tập trung vào các trường hợp quan chức chính phủ nhận hối lộ và tìm cách khắc phục.

BBC: Ông đã có thời gian làm việc tại các nước Đông Âu, vậy theo ông Việt Nam có thể học hỏi gì từ các nước này về chống tham nhũng?

Tôi đã thực hiện các dự án phóng chống tham nhũng ở Nga và Trung Quốc, và Việt Nam có thể học hỏi được từ hai quốc gia này. Nga đã trải qua một thời gian cải cách khá căng thẳng và đã đạt được một số thành công.

Nga đã thay đổi từ chế độ Cộng sản sang một chế độ mới, do đó vài chục năm là chưa đủ để cải cách cả một hệ thống. Theo tôi, Nga đã đạt được một số thành công nhưng hiện vẫn chỉ ở mức ổn định.

Trung Quốc cũng trải qua một thời kỳ tương tự nhưng Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. Rất nhiều người đã bị bắt giữ vì tham nhũng tại Trung Quốc thời gian gần đây.

Điều quan trọng là công chúng không nên nhầm lẫn giữa tham nhũng và cuộc chiến quyền lực, đảng phái. Việt Nam có thể học hỏi hai quốc gia này bằng cách xem họ đã làm gì để chống tham nhũng, và chọn ra những chính sách tốt nhất phù hợp với mình.

Giới chức Việt Nam kêu gọi đầu tư tại Anh vào hè năm 2019.
Chụp lại hình ảnh,

Giới chức Việt Nam kêu gọi đầu tư tại Anh vào hè năm 2019.

BBC: Tại Nga và Đông Âu, nhiều người đã trở nên giàu có rất nhanh nhờ tư nhân hoá mà Việt Nam gọi là cổ phần hóavà nhiều người đang tìm kẽ hở pháp lý để làm giàu từ quá trình này. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi đã xem xét vấn đề tư nhân hoá ở Nga và các nước Đông Âu trong thời gian làm việc ở đó. Tôi không thấy nơi nào có tư nhân hoá tốt cả. Nếu họ thực hiện tư nhân hoá quá nhanh, sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội nghiêm trọng cho cả một thế hệ. Và nếu tư nhân hoá không diễn ra nhanh chóng thì sẽ không hiệu quả. Không có tư nhân hoá nào lý tưởng cả. Chuyển tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân có vẻ là nguyên nhân gây ra các hành vi yếu kém ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy tôi nghĩ không có cách nào để thực hiện tư nhân hoá một cách đúng đắn cả. Tham nhũng là vấn đề lớn của quá trình tư nhân hoá.

Tuy nhiên, một số quốc gia đã bước sang giai đoạn hai của tư nhân hoá và phát triển khá tốt. Giờ hãy nhìn vào Liên bang Xô Viết cũ và so sánh vị trí của các nước về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) hiện nay so với vài năm trước.

Có một số kết quả khá thú vị, như Estonia, một thành viên của Liên bang Xô Viết, nằm đầu danh sách cũng với các nền kinh tế phương Tây phát triển nhất. Còn Ukraine, mặc dù nhận được rất nhiều sự đầu tư để cải thiện minh bạch và có chính phủ mới, vẫn nằm ở nhóm cuối. Bất ngờ khác là Georgia cũng thuộc nhóm đầu danh sách. Họ thực hiện chính sách chống tham nhũng rất nghiêm túc, ở mọi cấp độ xã hội.

Chính phủ Việt Nam có thể thay đổi cách nhìn của người dân cũng như tạo niềm tin cho người dân về chính phủ. Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết nạn tham nhũng. Tôi không đồng ý với quan điểm rằng tham nhũng là nguyên nhân phá hỏng toàn bộ xã hội và chúng ta không thể vượt qua điều đó. Tại thời điểm này, nhiều người có thể sẽ nghĩ vậy. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều mô hình thành công mà Việt Nam có thể học hỏi để phòng chống tham nhũng.

In this photo taken on June 28, 2019, a worker makes Christmas cards in a factory in Hung Yen. - The European Union and Vietnam on June 30 signed a long-awaited free trade deal that will slash duties on almost all goods as fears grow over mounting global protectionism.

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

VN sẽ nhận thêm đầu tư lớn nếu giảm được tham nhũng (Hình minh họa)

BBC: Tại Việt Nam, nhiều người đã trở nên giàu có nhờ đầu tư và đầu cơ bất động sản. Theo đó, nhiều người khác cũng đổ xô làm giàu bằng cách này. Ông nghĩ xu hướng này có lành mạnh cho nền kinh tế hay không?

Tôi không phải là chuyên gia về đất đai hay đầu tư bất động sản, đặc biệt là tại Việt Nam. Nhưng theo quan sát của tôi ở một số nước khác, khi đầu tư vào bất động sản bạn sẽ có nguy cơ đối mặt với mô hình kim tự tháp (pyramid scheme) - một mô hình kinh doanh không bền vững, nhiều rủi ro.

Thực tế là đã có rất người mất hết tiền bạc vì đầu tư bất động sản. Vì vậy, nếu nhiều người Việt Nam đang làm giàu bằng cách này tôi hy vọng họ đã để dành một ít tiền phòng khi khó khăn. Điều tôi quan tâm là nếu tham nhũng giảm thì xã hội và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi gì? Và câu trả lời là Việt Nam có thể cải thiện chỉ số tham nhũng của mình cũng như chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business Index - EDBI) của Ngân hàng Thế giới.

Tôi nghĩ rằng tham nhũng là nguyên nhân khiến Việt Nam không đạt được vị trí tốt ở các chỉ số trên. Nếu Việt Nam cải thiện được các chỉ số này thì sẽ thu hút thêm đầu tư từ các nước phương Tây. Hiện nay đã có rất nhiều nguồn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng số tiền đầu tư lớn hơn có thể đến từ các dự án cơ sở hạ tầng của các nước phương Tây.

Thường các nhà đầu tư phương Tây muốn đảm bảo rằng tiền đầu tư chỉ dành cho các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, hay hệ thống ngầm. Họ muốn tất cả số tiền sẽ được rót vào chính các dự án chứ không phải túi tiền của một cá nhân nào đó. Theo tôi, Việt Nam hiểu rất rõ rằng chỉ số EDBI và giảm tham nhũng sẽ giúp cải thiện vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và nhận được nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Và chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều người mặc đẹp, nhiều xe đẹp trên đường phố hơn.

Ông Brook Horowitz là CEO của IBLF Global, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp, và tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và phát triển ở các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.