Trung Quốc thông báo sẽ diễn tập quân sự ở phía Đông Vịnh Bắc Bộ

Hải quân Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, CHINA NEWS SERVICE

Chụp lại hình ảnh,

Sỹ quan hải quân Trung Quốc hiện diện ở một quân cảng tại Djibouti, trong lúc hải quân TQ có nhiều hoạt động vươn ra quốc tế, khu vực gần đây (Hình minh họa)

Trong thời gian Việt Nam họp Đại hội Đảng Cộng sản và đoàn tàu Mỹ vào Biển Đông, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo về “diễn tập quân sự” và cấm tàu thuyền vào một khu vực phía Đông Vịnh Bắc Bộ.

Trang web tiếng Trung của cơ quan này ghi tọa độ của vùng “huấn luyện quân sự” phía Tây bán đảo Lôi Châu là (1) 21-16.05 Bắc 109-47.47 Đông, (2) 21-13.87 Bắc 109-47.55 Đông, (3) 21-13.38 Bắc 109-36.85 Đông, (4) 21-15.57 Bắc 109-36.38 Đông.

Thông báo ghi ngắn gọn về lệnh “cấm tàu thuyền vào” khu vực “tứ điểm liên tuyến hải vực” này trong thời gian từ 27-30/01/2021 vì lý do hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc nhưng không cho biết thêm chi tiết gì.

Theo BBC Tiếng Trung, mới hôm 25/01/2021, Trung Quốc cử một số tàu hải cảnh ra vùng biển này để tìm kiếm ngư dân gặp nạn.

Trong tháng 12/2020, ba tàu hải cảnh số 0127, 0128, 0129 của Trung Quốc đã có các hoạt động diễn tập gần bờ.

Cũng trong năm 2020, Trung Quốc tiến hành tới 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó chín lần ở Vịnh Bắc Bộ.

Quy mô và sự tham gia của Hải quân Quân Giải phóng trong các lần tập trận này rất khác nhau.

Có những lần Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ Type 075 tham gia, nhưng có những lần chỉ là diễn tập thông thường với tàu hải cảnh.

Bối cảnh an ninh khu vực

Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018

Căn cứ hải quân Trạm Giang của Trung Quốc nằm trên bán đảo Lôi Châu là đồn trú của các tàu chiến mặt nước thuộc Hạm đội Nam Hải, còn tàu ngầm thì đóng ở căn cứ trên đảo Hải Nam.

Cùng thời gian này, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cùng đoàn tàu chiến Hoa Kỳ đã vào Biển Đông (khu vực phía Nam) hôm thứ Bảy tuần qua để bảo vệ nguyên tắc “tự do hàng hải”, theo giới chức Mỹ.

Hãng tin Reuters hôm 26/01 cho hay cả việc Trung Quốc “diễn tập quân sự ở phía Tây vịnh Bắc Bộ” và đoàn chiến hạm Hoa Kỳ vào Biển Đông xảy ra sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, và khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13 họp tại Hà Nội.

Truyền thông Đài Loan hôm 26/01 cũng đăng tải các tin này sau khi có các cuộc xâm nhập đông đảo của không quân Trung Quốc ở vùng quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông.

Tuy thế, trong quá khứ các tuyến hải hàng của tàu chiến Hoa Kỳ và các nước thường chỉ đến gần Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) rồi rẽ về phía Đông Bắc, có thể tới thăm Hong Kong (khi quan hệ Mỹ - Trung còn bình thường), hoặc đi vào Eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh.

Các chính quyền Trump và Biden đều tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Đài Loan dù không công nhận ngoại giao chính thức chính quyền trên hòn đảo này.

Phân định Vịnh Bắc Bộ

Hải quân Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hải quân Trung Quốc trong một đợt tập trận quốc tế hồi tháng 7/2017

Vịnh Bắc Bộ đã được phân định biên giới trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam sau nhiều giai đoạn được quan chức Việt Nam mô tả là khó khăn.

Giai đoạn đầu từ 1974 đến 1978 rồi bị gián đoạn vì chiến tranh Trung – Việt.

Từ 1991 đến 2000, các đoàn hai bên đã làm việc qua hàng chục lần gặp, hội họp và đàm phán cấp chính phủ để đến 25/12/2000, thì Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mới được ký kết, theo ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói với báo chí.

Căn cứ vào Đường trung tuyến phân định Vịnh Bắc Bộ chạy qua 21 điểm, được đăng trên báo Nhân Dân (29/07/2004) và những gì Trung Quốc vừa công bố thì phạm vi 'cấm tàu thuyền' cho hoạt động diễn tập hải quân của phía Trung Quốc nằm về phía Đông của đường phân định này.

Theo các báo Việt Nam, Vịnh Bắc Bộ có diện tích gần 130.000 km2. Chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km, nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng 207 km. Bờ Vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam dài 800 km, phía Trung Quốc gần 700 km.

Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía đông bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương và bờ xa nhất về phía Đông Bắc là bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông.