Phim Ròm vs. Xích lô và những cái 'án treo' của điện ảnh Việt Nam

  • Lê Hồng Lâm
  • Gửi tới BBC từ Sài Gòn
Ròm

Nguồn hình ảnh, Facebook Trần Dũng Thanh Huy

Một tin vui sáng thứ Bảy (12/10) đến từ Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019 khi Ròm, bộ phim độc lập của Trần Dũng Thanh Huy, dù đang bị một cái "án treo" của Cục Điện ảnh Việt Nam, đã chiến thắng giải cao nhất của hạng mục New Currents tại liên hoan phim, chia giải cùng với một bộ phim Haifa Street của điện ảnh Iraq-Qatar hợp tác.

Trưởng ban giám khảo của hạng mục này, đạo diễn người Anh Mike Figgis (tác giả của bộ phim Leaving Las Vegastừng nhận bốn đề cử Oscar) đã nhận xét về Ròm khá ngắn gọn như sau: "Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong Ròm đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và để lại một cái một cái kết làm thỏa mãn".

Như vậy, bộ phim mất bảy năm tuổi trẻ vật vã của Trần Thanh Huy đã vượt qua "cửa tử" của điện ảnh nước nhà và chiến thắng tại một hạng mục quan trọng và chính danh (chứ không phải bên lề) tại một liên hoan phim quốc tế quan trọng. Trong khi số phận của nó tại quê nhà vẫn chưa được định đoạt.

Hôm xem bản chiếu thử cách đây hơn hai tháng mà Huy tổ chức cho một nhóm nhỏ xem tại Sài Gòn, anh có nói là "bản anh xem này có thể không giống với bản cuối chiếu ở Việt Nam." Lúc đó Huy vẫn nghĩ bộ phim này sẽ lọt qua cửa kiểm duyệt nhưng có thể bị cắt xén nhiều, nên mới tổ chức một buổi chiếu nhỏ cho bản cuối sau 17 lần dựng mà anh có vẻ hài lòng nhất.

Bản phim tôi xem chỉ dài 79 phút, ngắn hơn nhiều so với các bộ phim chiếu rạp ở Việt Nam hiện tại, nhưng vẫn gây một cảm giác căng thẳng, ngột ngạt và đôi lúc rối rắm - đặc biệt ở phần giữa của bộ phim. Phim gây ấn tượng mạnh và khiến tôi liên tưởng ngay đến Xích lô của Trần Anh Hùng, đạo diễn ảnh hưởng nhiều đến Huy và giữ một vai trò quan trọng trong bộ phim dài đầu tay của anh.

Ròm, dù không phải là một bộ phim khốc liệt pha trộn với chất thơ và những ẩn dụ gây bối rối cho người xem như Xích lô nhưng lại có nhiều điểm tương đồng.

Đó đều là hai bộ phim của những kẻ nghèo hèn, vật vã sống và mưu sinh trong một thành phố đông đúc và hỗn tạp, nơi mà những thân phận của những kẻ bên lề càng lúc càng bị đẩy xuống tận cùng dưới đáy xã hội. Ròm và anh lái xích lô trong bộ phim cùng tên đều có gương mặt tăm tối như bước lên từ địa ngục, từ bối cảnh xuất thân, sự quẫn bách quẫy đạp của mưu sinh và dần dần bị đẩy vào bạo lực - không thể khác.

Tôi cũng thấy ở Ròm những hiệu quả về thị giác mà Xích lô đã quá thành công. Máu và mồ hôi, bùn nhơ và nước đọng, khu ổ chuột và cống rãnh hôi hám trở thành những thứ đặc quánh lại, nơi mà hai nhân vật này càng cố ngoi lên thì càng bị lún xuống.

Nhưng Ròm có nhiều điểm khác Xích lô.

Nếu Xích lô của Trần Anh Hùng là một bộ phim do Pháp sản xuất, có kinh phí tới 8 triệu đô, dàn dựng bối cảnh cực kỳ công phu và mời được cả ngôi sao Hong Kong Lương Triều Vỹ cho một vai quan trọng, thì Ròm của Trần Dũng Thanh Huy là một bộ phim độc lập đúng nghĩa với một ê kíp trẻ tuổi và dàn diễn viên chủ yếu nghiệp dư.

Bộ phim theo Huy nói, được quay hơn 80 ngày (điều mà chắc chưa có bộ phim Việt Nam nào dám làm) và như Huy nói: "cả đoàn phim đều ở trong tình trạng ngẫu hứng, có thể quay bất cứ lúc nào và hầu hết đều sử dụng bối cảnh thật".

Nếu nội dung bộ phim đôi lúc gây cảm giác rối rắm và khó hiểu, hiệu quả thị giác mà bộ phim mang lại thực sự "ép phê" mà lâu lắm rồi tôi mới được xem. Những góc máy hiệu quả và gây ấn tượng mạnh, đặc biệt là những cảnh rượt đuổi giữa hai nhân vật Ròm và Phúc (nhân vật đối thủ của cậu ta) trong khu phố ổ chuột chằng chịt (đến mức sống ở Sài Gòn hơn 12 năm mà tôi không hình dung nổi nó nằm ở đâu).

Cho dù một cây bút phê bình quốc tế so sánh Ròm với City of God của Brazil hay Slumdog Millionaire của Anh, nhưng lắm lúc, những cảnh phim trong khu ổ chuột vừa hiện thực vừa "siêu thực" này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim Blade Runner của Ridley Scott, cho dù bộ phim của Scott thiên về "sci-fi" (khoa học giả tưởng) và mô tả một thế giới vị lai, còn Ròm của Huy là một bộ phim về hiện thực của một đất nước thuộc thế giới thứ ba nhiều tăm tối.

Cảnh cuối của bộ phim này - cuộc rượt đuổi điên dại và bạo lực giữa Ròm và Phúc (gần như hai nhân vật này rượt đuổi xuyên suốt cả phim) trên đường phố đông đúc hỗn tạp còn ấn tượng hơn nữa, đặc biệt là tính "bất khả thi" của nó.

Rom

Nguồn hình ảnh, Facebook Trần Dũng Thanh Huy

Chụp lại hình ảnh,

Phim Ròm nhận giải thưởng ở hạng mục New Currents tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019

Ròm, dù phát triển từ bộ phim ngắn 16:30 (ra mắt năm 2012) của Huy nhưng hoàn toàn khác nhau.

Nếu bộ phim ngắn, dù là câu chuyện của một đứa trẻ bán kết quả dò xổ số đường phố, nhưng để lại một cái kết theo hướng "nhân văn". Nhờ thế mà bộ phim ngắn của Huy đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và là cơ hội để đưa cậu đến với Cannes và Hollywood.

Còn với Ròm, sau khoảng thời gian bảy năm vật vã trưởng thành, bộ phim không còn hướng đến một cái kết làm hài lòng giới kiểm duyệt nữa.

Hiện thực trong Ròm khốc liệt tăm tối và gần như không lối thoát cho những thân phận nghèo dưới đáy. Bối cảnh khu phố ổ chuột chờ giải tỏa trong Ròm như chực chờ một mồi lửa để bùng cháy và thiêu rụi tất cả. Bạo lực và cái ác trong Ròm đang chực chờ để bùng phát.

Thế nên, tôi không lạ gì khi đọc đoạn nội dung trong công văn số 637/ĐA-PBP của Cục Điện ảnh về việc phim Ròm "thi chui" Liên hoan Phim Quốc tế Busan 2019:

"Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam."

Chỉ tiếc, họ không đủ dũng khí để nhìn vào hiện thực để thấy những tăm tối, tiêu cực về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam - ở một góc nào đó của thời hiện tại mà bộ phim tái hiện qua góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn trẻ đầy dũng khí hoàn toàn có thật.

Hoặc nữa, đó chỉ là một góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn ngược dòng số đông. Không ai xem City of God mà nghĩ rằng cả đất nước, văn hóa, con người Brazil tăm tối, tiêu cực cả. Không ai xem The Godfather, Goodfellas mà phán xét đất nước Mỹ bị thao túng bởi băng đảng, mafia, bạo lực cả. Cũng như không ai xem xong Parasite mà phán xét một đất nước Hàn Quốc ngày càng bị chia rẽ bởi giàu nghèo cả.

Thế thì đừng trách một nền điện ảnh bị trói trong vòng kim cô an toàn và "không ra được thế giới". Bởi, ra được với thế giới, thậm chí đoạt những giải thưởng cao nhất như Xích lô, như Ròm rồi phải chịu một cái án treo không biết đến bao giờ mới được cởi mà thôi.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từ Sài Gòn.