Liệu thuốc tiêm tránh thai đầu tiên cho nam giới sẽ hiệu quả?

A research assistant prepares a syringe inside a pharmacy glovebox at the reversible inhibition of sperm under guidance (RISUG) male contraceptive treatment research and development laboratory at Indian Institute of Technology (IIT) Kharagpur in Kharagpur, West Bengal, India, on Feb. 16, 2017.

Nguồn hình ảnh, BLOOMBERG/ Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thuốc tránh thai tiêm một lần dành cho nam giới có thể có hiệu quả trong 13 năm

Từ trước đến nay, chỉ có hai giải pháp tránh thai cho nam giới.

Một là đeo bao cao su, hai là phẫu thuật triệt sản hay còn gọi là thắt ống dẫn tinh để cắt hoặc bịt kín hai ống mang tinh trùng đến dương vật.

Trong khi đó thuốc tránh thai nam và gel tránh thai vẫn đang được nghiên cứu.

Nhưng Ấn Độ cho biết họ sẽ sớm ra mắt thuốc tiêm ngừa thai cho nam giới đầu tiên trên thế giới. Liệu đây có thể là biện pháp tránh thai nam thành công không?

Được phát minh bởi Sujoy Guha, một kỹ sư y sinh học tại Delhi, 78 tuổi, loại thuốc này sẽ được tiêm vào ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn đến dương vật sau khi được gây tê. Các nhà nghiên cứu tuyên bố, biện pháp tránh thai này không có nội tiết tố, và tác dụng có thể kéo dài trong 13 năm.

Sau nhiều năm thử nghiệm trên người, loại thuốc có tên Risug đã sẵn sàng. Nó là một loại gel làm vô hiệu hoá tinh trùng. Sau đó, nếu cần khôi phục lại khả năng sinh sản thì cần tiêm một loại thuốc thứ hai làm hòa tan gel, hy vọng sẽ đảo ngược tác dụng ban đầu. Tuy nhiên loại thuốc thứ hai này vẫn chưa được thử nghiệm trên người, mặc dù đã được thử nghiệm trên động vật.

sperm

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Và, giống như các phương pháp tránh thai không có lớp rào cản, tiêm thuốc ngừa thai sẽ không thể giúp tránh khỏi các bệnh lây lan qua đường tình dục.

"Đây sẽ là một biện pháp tránh thai đẳng cấp thế giới dành cho nam giới. Nó an toàn, hiệu quả và lâu dài. Chúng tôi hy vọng nó sẽ được cấp phép để sản xuất trong tương lai rất gần," RS Sharma, một nhà sinh học sinh sản tại Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ, vốn cũng là nơi nghiên cứu chính của loại thuốc này.

Nhưng các câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là một biện pháp tránh thai có thể đảo ngược.

Một số nhà khoa học cho biết Risug thực sự là một sự thay thế cho việc cắt bỏ ống dẫn tinh, điều mà các nhà nghiên cứu Ấn Độ không hoàn toàn phủ nhận.

"Khía cạnh tránh thai của thuốc vẫn cần được đánh giá bằng các nghiên cứu về khả năng đảo ngược. Hiện tại nó có vẻ giống như một phương pháp triệt sản. Sự đảo ngược là cần thiết để cho phép thuốc trở thành một biện pháp tránh thai," Michael Skinner, một nhà sinh học sinh sản tại Đại học bang Washington nói.

Bác sĩ Guha đồng ý. "Chúng tôi không tuyên bố đã đạt được sự đảo ngược ở thời điểm hiện tại, mặc dù tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm ở người. Hiện tại, thuốc được xem là một cải tiến trong việc thắt ống dẫn tinh. Nó sẽ gây ít tổn thương hơn cho nam giới và sẽ không có chấn thương vùng bị phẫu thuật," ông nói.

Đầu năm nay, Tiến sĩ Sharma đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng của thuốc. Khoảng 139 người đàn ông đã kết hôn, dưới 41 tuổi và có ít nhất hai con, được tiêm thuốc và được theo dõi trong sáu tháng.

Sujoy Guha

Nguồn hình ảnh, Bloomberg/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sujoy Guha đã nghiên cứu loại thuốc này từ 1978

Vợ của 133 người đàn ông đã không có thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Theo kết quả, loại thuốc này không có tác dụng đối với sáu người đàn ông còn lại do sự cố "rò rỉ" từ ống tiêm hoặc các ống tinh bị rách, theo kết quả.

Nhưng đối với một số nhà nghiên cứu như Stephanie Page, giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Washington, tỷ lệ thất bại có vẻ mờ nhạt này là rất đáng kể.

"Điều đó có thể không khác gì so với việc phẫu thuật thắt ống dẫn tinh về mặt tác dụng phụ và tỷ lệ thất bại. Cần nhiều dữ liệu hơn," Giáo sư Page nói.