Mưa lũ miền Trung: Cách tạo nước sạch để sử dụng khi bị cô lập

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Hải Lăng, Quảng Trị đợt lũ năm 2020

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hải Lăng, Quảng Trị đợt lũ năm 2020

Thiếu nước sạch để sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách của những hộ dân vùng lũ. Trong bài viết này, chuyên gia sẽ hướng dẫn cách tạo nước sạch và cách vệ sinh môi trường sau lũ lụt.

Mưa lũ kéo dài ở khu vực các tỉnh miền Trung từ ngày 6/10 tới nay đã làm ít nhất 130 người chết và 18 người mất tích. Chưa kịp ổn định lại tinh thần, người dân phải đối mặt với bão số 9 được chuyên gia cảnh báo là 'cuồng phong cấp 13, giật cấp 15'.

Trước tình hình đó, nhiều đội cứu trợ, các nhóm thiện nguyện đã phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn cho người dân. Theo nhiều đoàn thiện nguyện, người dân vũng lũ đang cần tiếp tế nước sạch để uống và sinh hoạt, đặc biệt là những hộ bị cô lập.

Thiếu nước sạch trầm trọng

Một trưởng nhóm thiện nguyện đang cứu trợ người dân ở Hướng Hóa, Quảng Trị chia sẻ với BBC sáng 26/10:

"Chúng tôi đang giúp bà con tránh bão số 9 bằng việc cứu tế những thứ thiết yếu mà họ không kịp mua. Khi bão vô mà không mua được đồ tích trữ, nhiều người sẽ chịu cảnh chia cắt, đói ăn thêm chục ngày. Có những hộ ở vùng chia cắt bữa giờ, chưa hoàn hồn lại dập thêm bão nữa sẽ không còn sức chống chọi".

Người này cũng cho biết thêm ở các vùng như Quảng Trị, Quảng Bình, nước sạch là thứ thiết yếu nhất hiện nay:

"Nhiều đoàn không có ca nô, thuyền đặc chủng khi tiếp cận các khu vực ngập sâu nên họ không mang theo được nhiều thùng nước cho người dân vì sợ lật thuyền. Nên hiện tại nước sạch là vô cùng quan trọng".

Những thùng nước suối là vô cùng quý giá đối với nhiều hộ dân cần nước sạch trong những ngày này

Nguồn hình ảnh, Lê Thế Nhân

Chụp lại hình ảnh, Đoàn thiện nguyện của Codes Việt Nam đem theo nước suối vào xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình

PGS Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Sức khoẻ môi trường đánh giá:

"Trong lũ lụt, thiếu nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt khi bốn bề ngập nước là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân. Việc cứu trợ nước đóng chai, nước bình cũng hạn chế do việc di chuyển bằng thuyền, cano… cũng khó khăn và nhiều nơi người dân bị nước lũ cô lập".

"Do đó, khi người dân bị cô lập, không tiếp cận được với nước sạch thì việc cứu trợ hoá chất và hướng dẫn bà con cách xử lý nước lũ thành nước sạch để dùng tạm là rất cần thiết. Sau này, để tăng cường năng lực ứng phó, các địa phương cần hướng dẫn các gia đình chủ động chuẩn bị hoá chất xử lý nước như phèn chua, Aquatabs nêu trên", bà Hạnh góp ý.

Nhà báo Lê Phong đang có mặt ở Quảng Trị thông tin trên Facebook: "Nhiều người tâm sự cần nhất là thuốc bôi chân và phụ nữ cần băng vệ sinh. Thông tin cho mọi người biết nước lũ đang xuống giờ ai cũng đang thiếu nước sạch".

Chia sẻ trên Facebook, ông Lê Thế Nhân, chủ tịch của tổ chức Codes Việt Nam nói: "Người dân rất cần nước sạch để uống dù đang chìm ngập trong biển nước".

Cách xử lý nước lũ để dùng cho sinh hoạt

Trao đối với BBC News Tiếng Việt, PGS Trần Thị Tuyết Hạnh nhận định:

"Lũ lụt có tác động lớn đến dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân như làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện.''

''Do đó, người dân không tiếp cận được với nước sạch để cho ăn uống và sinh hoạt. Việc có đủ nước sạch là rất quan trọng giúp cho hoạt động cứu chữa nạn nhân, duy trì các hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng như đảm bảo nhu cầu nước sạch và vệ sinh cho cộng đồng sở tại và ở nơi sơ tán".

Bà Hạnh cho biết với đợt lũ lịch sử đang diễn ra ở miền Trung và nguy cơ người dân phải đổi mặt với bão số 9, điều quan trọng là đảm bảo tối thiểu 15 lít nước sạch/người/ngày cho mục đích ăn uống và sinh hoạt để dự phòng bệnh tật. Chính vì vậy hướng dẫn người dân thực hiện xử lý nước lũ thành nước sạch để sử dụng tạm thời trong thảm hoạ là rất cần thiết trước khi dịch vụ cấp nước sạch hoạt động trở lại sau lũ".

Aquatabs

Nguồn hình ảnh, Aquatabs

Chụp lại hình ảnh, Cách dùng Aquatabs

Chia sẻ cách đơn giản để người dân có thể tạo ra nước sạch trong tình trạng mưa lũ kéo dài, PGS Tuyết Hạnh đưa ra những bước đơn giản như sau:

  • Dùng 1 gam (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn tán nhỏ, hoà vào 1 bát nước rồi đổ dần vào thùng/xô nhựa đựng 20 lít nước lũ, khuấy đều để làm trong nước.
  • Đợi khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy thùng và gạn lấy nước trong ở phía trên.
  • Sau đó, dùng 1 viên Aquatabs cho vào 20 lít nước trong vừa đánh phèn xong và chờ 30 phút để cho viên Aquatabs này tan ra hết để khử khuẩn. Nếu không có viên Aquataps thì dùng 1 viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn cho 25 lít nước.

Bà Hạnh cho biết, chỉ đơn giản vậy là người dân đang bị cô lập trong lũ lụt đã có 1 thùng 20-25 lít nước tương đối sạch đã khử khuẩn để dùng tạm cho ăn uống (cần đun sôi), rửa rau, rửa bát đĩa, đánh răng, rửa mặt và vệ sinh cá nhân.

Tuy nhiên, chuyên gia về sức khỏe môi trường cũng lưu ý đây chỉ là giải pháp tạm thời trong lũ lụt, khi người dân không tiếp cận được với nước máy hay các nguồn nước sạch khác.

Cách đảm bảo nguồn nước sạch sau lụt

Theo Bộ Y tế, trong lũ lụt, nước ngập tràn, cuốn trôi và trộn lẫn tất cả mọi thứ có trên mặt đất như chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, côn trùng, cây cối,… làm nước và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Vì vậy, ngay khi nước rút, cần có các biện pháp xử lý nước và môi trường ngay, đặc biệt đối với các hộ gia đình vẫn sử dụng nước giếng để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trao đổi với BBC, PGS Trần Thị Tuyết Hạnh, người dân có thể làm vệ sinh và khử khuẩn giếng nước với các bước sau:

  • Múc cạn và vét hết bùn dưới giếng, dùng nước giếng dội lên thành giếng nhiều lần cho trôi hết chất bẩn, đất cát, lá cây… bám trên thành giếng và sàn giếng.
  • Sử dụng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước để làm trong nước giếng ngập lụt. Nếu nước rất đục thì dùng tối đa 100g/1m3 nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều xuống giếng nước.
  • Dùng gàu kéo lên xuống khoảng 10 lần. Khi cho phèn chua vào nước đục, phèn tan ra tạo các ion dương. Chờ khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.
  • Sau khi giếng nước đã được đánh phèn làm trong thì tiến hành khử trùng giếng nước. Tuỳ vào thể tích giếng nước bao nhiêu m3 mà dùng lượng Cloramin phù hợp, mỗi thìa canh tương đương khoảng 10g, còn 1 thìa cà phê nhỏ tương đương khoảng 1g Cloramin. Như vậy nếu dùng Cloramin B 25% và giếng nước chứa khoảng 5m3 nước thì cần 50g hoá chất, tương đương 5 thìa canh.
  • Hòa tan lượng hoá chất nói trên vào 1 gàu nước và tưới đều lên giếng. Thả gàu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên xuống nhẹ nhàng khoảng 10 lần. Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng, để khoảng 30 phút là có thể dùng được.
Người dân cần nguồn nước sạch sau lũ để sinh hoạt hàng ngày

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người dân cần nguồn nước sạch sau lũ để sinh hoạt hàng ngày

Chuyên gia về sức khỏe môi trường cũng nhấn mạnh trong và sau lũ là điều kiện các dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh đường ruột, các bệnh ngoài da, các bệnh về mắt và các bệnh phụ khoa…

Trên Facebook cá nhân, linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông ở Quảng Trị, người tham gia công tác thiện nguyện ở địa phương ông cũng kêu gọi: "Bà con vùng lũ đang bị nước bùn ăn chân, làm cho nứt nẻ, đau đơn. Vậy xin quý ân nhân tài trợ tuýp kem bôi da".

Chính vì vậy, ngoài thực phẩm như lương khô, mì tôm, gạo, các tổ chức Codes Việt Nam còn chuẩn bị thêm thuốc trị ghẻ, thuốc nhỏ mắt, cao tràm và men vi sinh cũng như kêu gọi mọi người quyên góp thêm những vật phẩm trên.