Biden nêu vấn đề can thiệp bầu cử trong điện đàm đầu tiên với Putin

Vladimir Putin and Joe Biden

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo lãnh đạo Nga Vladimir Putin về việc can thiệp bầu cử trong cuộc gọi đầu tiên với tư cách là người đương nhiệm, Nhà Trắng đưa thông báo.

Cuộc đối thoại giữa hai lãnh đạo bao gồm thảo luận về các cuộc biểu tình của phe đối lập ở Nga và gia hạn thỏa thuận vũ khí hạt nhân còn lại cuối cùng của Nga và Mỹ.

Ông Putin chúc mừng tân tổng thống Mỹ thắng cử, theo một tuyên bố của Nga.

Chụp lại video, Vì sao TT Putin nhúng xuống nước băng giá?

Đôi bên đều nói rằng họ đồng ý duy trì liên lạc trong tương lai.

Cựu Tổng thống Trump đôi lúc lại giảm nhẹ lập trường cứng rắn của chính chính quyền Mỹ về Nga và bị cáo buộc là quá nể trọng ông Putin.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Barack Obama - thời mà ông Biden đảm đương vị trí phó tổng thống - cũng bị chỉ trích vì thất bại trong việc kiềm hãm Điện Kremlin khi nước này sáp nhập Crimea, xâm lược miền đông Ukraine và dùng vũ lực với Syria.

Nhà Trắng và Điện Kremlin nói gì về cuộc gọi?

"Tổng thống Biden nói rõ rằng Mỹ sẽ kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trước các hành động của Nga gây tổn hại cho chúng tôi hoặc cho các đồng minh", một văn bản của Mỹ cho hay.

Một bản tin của Nhà Trắng về cuộc gọi chiều thứ Ba cho thấy hai tổng thống cũng đã thảo luận về cuộc tấn công mạng quy mô lớn được gọi là SolarWinds, vốn được đổ tội lên Moscow, nói rằng Điện Kremlin đã treo thưởng cho các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan và vụ đầu độc nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny.

Bản tin của Điện Kremlin không đề cập đến bất kỳ điểm xích mích nào mà Nhà Trắng công bố rằng ông Biden đã nêu ra. Ông Biden trong quá khứ từng gọi Putin là ''côn đồ KGB.''

Giới chức Nga nói rằng ông Putin đã "lưu ý rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ đáp ứng được lợi ích của cả hai nước và - ghi nhận trách nhiệm đặc biệt của họ trong việc duy trì an ninh và ổn định trên thế giới - của toàn bộ cộng đồng quốc tế".

"Trên tổng thể, cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo Nga và Mỹ thẳng thắn và thiết thực," thông cáo của Điện Kremlin cho biết thêm.

Hai nhà lãnh đạo dường như đã chốt một thỏa thuận gia hạn New Start, một thỏa thuận nhằm hạn chế số lượng đầu đạn, tên lửa và bệ phóng trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ-Nga từ thời Obama.

Thỏa thuận sẽ hết thời hạn vào tháng tới và ông Trump đã từ chối ký kết gia hạn.

2px presentational grey line

Biden không muốn đối đầu

BBC

Joe Biden đã tỏ ra có thể cứng rắn hơn với Putin so với Tổng thống Donald Trump, người từ chối đối đầu với Kremlin và gây ra hoài nghi về sự can thiệp của Nga vào bầu cử 2016.

Về vấn đề đó, ông Biden đã dứt khóat cho thấy sự khác biệt với ông Trump khi nói với ông Putin rằng ông biết Nga đã tìm cách can thiệp vào cả hai cuộc bầu cử 2016 và 2020. Ông cũng cảnh báo Tổng thống Nga rằng Mỹ sẵn sàng tự vệ trước gián điệp mạng và bất kỳ cuộc tấn công nào khác.

Bất chấp cách tiếp cận trong tinh thần hòa giải của ông Trump, Điện Kremlin không hưởng được lợi lộc gì từ nhiệm kỳ tổng thống của ông, vì chính quyền ông Trump trừng phạt Nga rất nặng nề từ các vấn đề Ukraine đến các cuộc tấn công người bất đồng chính kiến. Joe Biden và nhóm chính sách đối ngoại của ông sẽ có quan điểm thẳng thắn về nhân quyền và ý định của ông Putin ở châu Âu.

Nhưng đôi bên không muốn một cuộc đối đầu.

Thay vào đó, họ hy vọng có thể hợp tác với nhau khi có thể. Trên tinh thần đó, hai vị tổng thống đã đồng lòng hợp tác để hoàn thành việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí NewStart mới trước khi nó hết thời hạn vào tháng tới.

2px presentational grey line

Biden làm gì nữa ngày hôm nay?

Cuộc gọi với Điện Kremlin xảy ra cùng lúc với việc Antony Blinken, người được đề cử vị trí ngoại trưởng, được Thượng viện phê chuẩn với số phiếu 78-22.

Ông Biden sau đó đã xuất hiện tại Nhà Trắng để ký bốn lệnh hành pháp nhằm giải quyết cái mà ông gọi là phân biệt chủng tộc có hệ thống của Mỹ.

"Đây là thời điểm để hành động và để hành động vì đây là điều mà các giá trị cốt lõi của đất nước thúc giục chúng ta phải làm. Tôi tin rằng đại đa số các đảng viên Dân chủ, Cộng hòa và Độc lập cùng chia sẻ những giá trị này và muốn chúng ta thi hành", ông Biden nói.

Tổng thống đã chỉ đạo Bộ Tư pháp không gia hạn hợp đồng với các nhà điều hành trại tù tư nhân, cho dù những người ủng hộ lưu ý lệnh này không bao gồm các trung tâm giam giữ người nhập cư do tư nhân điều hành.

Ông Biden cũng chỉ đạo Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị có các bước xóa bỏ phân biệt chủng tộc khỏi chính sách nhà ở.

Chụp lại video, Tin giả và trò cân não: Có phải Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ?

Theo tờ Washington Post, bộ này sẽ khôi phục quy tắc năm 2013 để ngăn việc lĩnh vực bất động sản yêu cầu người thuê nhà phải trải qua bước kiểm tra lý lịch phạm tội hoặc sử dụng trí thông minh nhân tạo để dự báo mức độ tín nhiệm.

Các lệnh mới cũng tái cam kết chính phủ Mỹ tôn trọng chủ quyền của các bộ lạc. Đây không được coi là một sự thay đổi đáng kể so với chính sách liên bang hiện tại, nhưng một số quan chức người Mỹ bản địa nói sự phản đối của họ đối với các quyết định về đất công đã bị phớt lờ dưới chính quyền Trump.

Ông Biden cũng đã ký một chỉ thị phủ bỏ sự phân biệt đối xử liên quan đến dịch virus corona với các cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris được tiêm liều vaccine virus corona thứ hai tại cơ quan y tế liên bang ở Washington DC, bà nói: "Tôi muốn kêu gọi mọi người hãy tiêm vaccine khi đến phiên các bạn."

Bà Harris bị chỉ trích trong chiến dịch tranh cử năm ngoái sau khi bà bày tỏ sự nghi ngờ về tính an toàn của bất kỳ loại vaccine nào mà có thể được phát triển dưới thời ông Trump. Loại vaccine Moderna mà bà được tiêm hôm thứ Ba đã được các quan chức y tế của cựu tổng thống đảng Cộng hòa phê duyệt.