Nhiều chùa nhận cúng dường Momo nhưng cung cấp lại cho Phật tử điều gì?

  • Luật sư Đặng Đình Mạnh
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Phật tử Việt Nam đi lễ Chùa trong thời dịch Covid-19

Cúng dường tam bảo được hiểu là việc cung cấp nguồn tiền bạc, vật dụng, thực phẩm... để nuôi dưỡng các bậc tôn kính như chư tăng, hoặc tôn tạo, tu sửa, trang bị vật chất cho cơ sở tôn giáo Phật giáo.

Theo đó, cúng dường giúp duy trì, truyền giữ những đạo lý tốt đẹp làm người mà tam bảo gồm ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng đã truyền dạy lại cho chúng sinh.

Về đạo lý xã hội, bằng việc cúng dường tam bảo, người cúng dường vốn thu hoạch được những lợi ích qua việc được truyền dạy đạo lý tốt đẹp làm người, nên thực hiện nghĩa vụ lương tâm "Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để đền đáp lại.

Với ý nghĩa đó, về pháp lý, việc cúng dường tam bảo là một hành vi ưng thuận kết ước Khế Ước Tặng Cho Tài Sản, là một loại khế ước đơn phương. Vì lẽ, khế ước chỉ phát sinh nghĩa vụ ở một bên mà thôi. Trong đó, bên cho là người cúng dường và bên nhận là đại diện cơ sở tôn giáo.

Nghĩa vụ chỉ phát sinh đơn phương ở bên cho (tức bên cúng dường) là phải giao tài sản cho bên còn lại. Hành vi giao nhận tài sản có thể trực tiếp trao tay, ghi vào sổ công đức hoặc phát hành chứng chỉ, chứng nhận công đức hay đặt tài sản cho vào thùng công đức (tức thùng phước sương).

Là một khế ước đơn phương, nên bên nhận tài sản không có bất kỳ nghĩa vụ gì phải thi hành để đối ứng cho đối tác cả.

Tiến xa hơn một bước đến 'khế ước song phương'

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, FB Mạnh Đặng

Chụp lại hình ảnh, Một áp phích quảng cáo cho ứng dụng cúng dường

Đến đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến xa hơn một bước so với các vị truyền đạo hoặc tiền nhiệm, tiền bối của mình từ non 10 thế kỷ trước khi đưa ra phát kiến cúng dường tam bảo online qua mạng internet, nhờ vào ứng dụng công nghệ banking Momo.

Không đặt vấn đề đạo lý tín ngưỡng về phát kiến đầy tính lý tài và thực dụng ấy nhưng việc áp dụng phát kiến sẽ phát sinh vấn đề pháp lý làm thay đổi hoàn toàn bản chất lành mạnh, tốt đẹp của việc cúng dường tam bảo.

Thật vậy, để khuyến khích cho phát kiến cúng dường tam bảo qua mạng bằng ứng dụng Momo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt bảng thông tin tại cơ sở tôn giáo với những hứa hẹn về quyền lợi mà người cúng dường tam bảo sẽ được hưởng khi cúng dường. Cụ thể là:

- "Cúng dường tam bảo, TẤT BÌNH AN"; và :

- "Quét mã cúng dường, ĐẦU NĂM MAY MẮN"

Theo đó, phần chữ in lớn là các quyền lợi mà Giáo hội Phật giáo hứa hẹn cho những người cúng dường tam bảo.

Như thế, từ bản chất của một khế ước đơn phương. Giáo hội Phật giáo đã thừa nhận việc cúng dường tam bảo qua ứng dụng Momo đã trở thành một khế ước song phương.

Trong đó, bên cúng dường không tặng cho tài sản một cách vô tư (không yêu cầu lợi ích) mà có yêu cầu lợi ích rất cụ thể, gồm : "BÌNH AN" và "ĐẦU NĂM MAY MẮN".

Lợi ích bên này là nghĩa vụ bên kia. Thế nên, cơ sở tôn giáo nhận tài sản cúng dường đã bị ràng buộc nghĩa vụ đối ứng mà mình đã hứa hẹn với đối tác, là cung cấp sự "BÌNH AN" và "MAY MẮN".

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một người đàn ông đi lễ ở một ngôi chùa tại Sài Gòn

Có thể nhận thấy ngay, "BÌNH AN" và "MAY MẮN" đều là những nghĩa vụ được hứa hẹn một cách hoang đường. Nếu đạt được cũng chỉ là sự ngẫu nhiên đầy tính may rủi và hầu như, Giáo hội Phật Giáo khó mà có thể chứng minh được về công đóng góp của mình trong kết quả ấy!

Nói khác, Giáo hội Phật giáo đã hứa hẹn một cách chắc chắn về nghĩa vụ hoàn toàn nằm ngoài khả năng đáp ứng của họ.

Hậu quả pháp lý và điều tệ hại nhất có thể là gì?

Theo chúng tôi, ở đây có hậu quả pháp lý như sau: Khế ước hứa hẹn nghĩa vụ nằm ngoài khả năng đáp ứng là khế ước vô hiệu. Vì lẽ, theo nguyên tắc, không ai có thể cam kết một quyền lợi mà mình không sở hữu. Người cúng dường hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu cơ sở tôn giáo hoàn trả khoản cúng dường vì khế ước vô hiệu.

Nhưng điều tệ nhất là qua việc Giáo hội Phật giáo hứa hẹn cho người cúng dường được "BÌNH AN" và "MAY MẮN" đã làm mất đi ý nghĩa lành mạnh, tốt đẹp của việc cúng dường tam bảo. Theo đó, thay vì cúng dường là cách để chúng sinh giúp duy trì tam bảo, duy trì, xiển dương giáo lý nhà Phật vào cuộc sống, thì bây giờ, lại biến tướng thành cuộc mua bán, đổi chác tiền bạc để mua "BÌNH AN" và "MAY MẮN".

Nếu biết, thời gian qua, nhiều ngôi chùa lớn ngật ngưỡng được lập không phục vụ mục đích tu hành mà thuần túy chỉ là cơ sở kinh doanh mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng.

Họ thu lợi nhuận như một cơ sở kinh doanh, nhưng mặt khác, với tư cách cơ sở tôn giáo, họ lại lẩn tránh được các khoản thuế, trong đó, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều đáng nói, các cơ sở kinh doanh tôn giáo này đều là thành viên của Giáo hội Phật Giáo.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Phật tử đi lễ tại một ngôi chùa ở Hà Nội

Lúc này, Giáo hội Phật giáo, thay vì hướng thiện, dẫn duyên, xiển dương giáo lý tốt đẹp của Phật pháp vào cuộc sống, giúp giữ gìn đạo đức xã hội và làm gương, lại đang hành xử thực dụng giữa lúc xã hội khó khăn vì kinh tế do Covid.

Thế nên, cho dù chùa chiền được xây dựng nhiều hơn, to hơn, nguy nga hơn, nhưng nhìn vào đấy, liệu công chúng có nhận ra Phật tính?

Thay vì niệm Nam mô, thật chẳng khác gì có những người còn đang niệm cả Mô mô (Momo). Vào lúc này, tôi tin rằng chính họ đang là rào cản giữa công chúng đến với Phật pháp.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.