27/05/2019 06:12 GMT+7

Hà Nội: chưa tiêm chủng đủ sẽ tiêm bù tại trường

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Năm tháng đầu năm 2019, Hà Nội có trên 1.300 người mắc sởi, cao gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ 2018. Và mặc dù đã vào hè, không phải mùa của bệnh sởi nhưng số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng…

Hà Nội: chưa tiêm chủng đủ sẽ tiêm bù tại trường - Ảnh 1.

Khám cho trẻ trước khi tiêm văcxin 5 trong 1 mới tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) - Ảnh: Thúy Anh

"Năm 2018, tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ mũi ở Hà Nội chỉ đạt 85%. Mũi văcxin 5 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib là mũi có tỉ lệ tiêm đạt thấp hơn các mũi khác, vì thế không chỉ bệnh sởi, các bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu... cũng có nguy cơ gia tăng" - ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, cho biết.

Chưa tiêm chủng sẽ phải tiêm bù

Không chỉ ở Hà Nội, có những địa phương tỉ lệ tiêm văcxin 5 trong 1 chỉ đạt khoảng 1/3 so với kế hoạch. Việc trẻ đến lịch tiêm nhưng chờ văcxin dịch vụ hoặc hoãn, bỏ mũi tiêm khiến tỉ lệ tiêm chủng mũi tiêm này đang đạt thấp nhất trong số các mũi văcxin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong khi đó, dịch bệnh lại xuất hiện ở nhiều địa phương. Trong các tuần gần đây, trung bình mỗi tuần có 1.000 ca sốt phát ban nghi sởi báo về Cục Y tế dự phòng. Số ca sởi dương tính đã lên xấp xỉ 4.000 ca ở 62/63 tỉnh thành cả nước, trong đó có một bé ở Hải Dương tử vong. 

Hà Nội đã ghi nhận bệnh nhân viêm não Nhật Bản đầu tiên trong tháng 5 này và số ca mắc có thể còn tăng, bởi dịch viêm não Nhật Bản còn kéo dài đến tháng 8.

"Chúng tôi đã bàn thảo nhiều biện pháp, cũng đã báo cáo và được thành phố chấp thuận, vấn đề chỉ còn bàn thêm là cách thức thực hiện. 

Dự kiến vào năm học 2019-2020 tới đây, các trạm y tế và các trường sẽ cùng rà soát tình hình tiêm chủng, cháu nào đã tiêm chủng đủ và có xác nhận thông qua sổ tiêm chủng thì xếp vào danh sách riêng, cháu nào chưa tiêm đủ sẽ phải tiêm bù tại trường" - ông Cảm cho biết.

Theo ông Cảm, hiện ở Đức đã có quy định chế tài mức trên 2.000 euro và từ chối cho nhập học các trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ. Mỹ cũng yêu cầu tương tự. Ở Việt Nam, Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm quy định bắt buộc tiêm chủng, nhưng Luật giáo dục lại chưa quy định từ chối nhập học nếu các cháu chưa tiêm chủng đủ. 

"Tuy nhiên, rất cần có chế tài để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đủ, sớm muộn cũng nên có quy định này, chúng tôi rất mong nhưng còn vướng về luật" - ông Cảm đề nghị.

Thêm văcxin 5 trong 1 vào tiêm chủng miễn phí

Mũi văcxin 5 trong 1 là mũi có tỉ lệ tiêm thấp nhất trong thời gian từ cuối năm 2018 đến nay, lý do chính là cha mẹ e ngại phản ứng phụ sau tiêm và một phần là do nhà cung cấp văcxin chưa đảm bảo cung ứng đủ cho Việt Nam, trong khi thông thường mỗi năm Việt Nam cần tới 4 triệu liều văcxin này. 

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã quyết định đưa thêm một văcxin 5 trong 1 mới vào chương trình tiêm chủng miễn phí.

Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giám đốc dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, văcxin 5 trong 1 vừa được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Văcxin này có thành phần, hiệu quả phòng bệnh, lịch tiêm tương tự văcxin Quinvaxem và ComBE Five đã được sử dụng tại Việt Nam. 

Văcxin đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9-2018, được sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010 và được sử dụng để tiêm chủng tại 79 quốc gia (bao gồm Ấn Độ) với tổng số 600 triệu liều.

Trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi, hiện Bộ Y tế đã cung ứng văcxin này cho 6 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Kon Tum tiêm chủng quy mô nhỏ từ tháng 5 đến tháng 7-2019. 

Tại Thừa Thiên Huế đã có 1.280 cháu được tiêm bằng văcxin này và chưa ghi nhận ca phản ứng nặng sau tiêm. Hôm 24-5, tỉnh Hà Nam cũng đã đưa văcxin mới vào tiêm chủng ở quy mô nhỏ.

Đã có những cảnh báo cho thấy nguy cơ dịch bệnh từ việc từ chối tiêm chủng. Những năm tỉ lệ tiêm chủng xuống thấp là những năm dịch bệnh tăng cao. 

Năm 2013, do xảy ra một số phản ứng nặng sau tiêm văcxin Quinvaxem và Bộ Y tế quyết định tạm ngưng sử dụng văcxin này trong hơn 5 tháng. Điều này dẫn tới tỉ lệ tiêm chủng xuống thấp, bao gồm cả tiêm chủng ngừa sởi, khiến dịch sởi gia tăng rất mạnh vào năm 2014 làm trên 140 trẻ tử vong. 

Từ cuối năm 2018 đến nay, văcxin 5 trong 1 mới là ComBE Five cũng liên quan đến một số ca phản ứng sau tiêm và tỉ lệ tiêm chủng lại xuống thấp, dịch lại gia tăng...

Theo phân tích của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về tình hình mắc và tiêm chủng văcxin sởi, xấp xỉ 54% trẻ mắc bệnh chưa tiêm chủng, gần 43% không rõ tiêm hay chưa, chỉ khoảng 3% đã tiêm văcxin.

Trong số ca mắc sởi, xấp xỉ 10% các cháu 9-12 tháng tuổi - lứa tuổi đã được tiêm chủng văcxin sởi, nhóm 1-4 tuổi chiếm xấp xỉ 33% số mắc.

Đáng chú ý, đây cũng là nhóm vừa được tiêm chủng văcxin sởi (theo lịch tiêm) nhưng tỉ lệ mắc bệnh rất cao, chứng tỏ đã có nhiều gia đình bỏ mũi tiêm.

Thêm loại văcxin 5 trong 1 mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng Thêm loại văcxin 5 trong 1 mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

TTO - Sẽ có thêm một văcxin 5 trong 1 mới có thành phần tương tự Quinvaxem và ComBE Five được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ tháng 5-2019, văcxin này sẽ được sử dụng tiêm chủng quy mô nhỏ ở 5 tỉnh thành.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên