Phát ngôn 'cái lu' của ĐB Hồng Xuân gây phản ứng khôi hài

  • Hoàng Trúc
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP HCM

Ý kiến nói phát ngôn 'cái lu' gây tranh cãi của bà Phan Thị Hồng Xuân cho thấy "sự thiếu chuyên nghiệp của cá nhân và sự dễ dãi của ban tổ chức kỳ họp Hội đồng Nhân dân".

Bà Hồng Xuân

Nguồn hình ảnh, InfoNet

Chụp lại hình ảnh, Tác giả nói bà Hồng Xuân "không có hiểu biết chuyên môn thì không nên phát biểu hoặc phải tìm hiểu, hỏi ý kiến chuyên gia trước"

Kể cả những quán cà phê chuyên bàn về chứng khoán cũng tạm gác các chỉ số để bàn chuyện chống ngập bằng lu do PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất. Câu chuyện thu hút sự bàn tán của dư luận trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, bên bếp ăn và tràn ngập vỉa hè.

Bà Xuân khóa trang Facebook cá nhân sau khi hứng "gạch đá" bằng đủ thứ ngôn từ, từ góp ý mang tính học thuật đến thóa mạ cá nhân.

Câu chuyện chạm đến "phần mềm" nhạy cảm của người dân đó là thành phố ngập và trình độ cán bộ.

Nhiều nguyên nhân gây ngập

Nguyên nhân gây ngập tại TP.Hồ Chí Minh đã được thông tin khá nhiều đó là biến đổi khí hậu dẫn tới lượng mưa lớn, tần suất mưa bất thường; đỉnh triều cao hơn do thủy triều xâm nhập qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông với sức tác động của nước biển dâng.

Tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp sự phát triển, chưa tính hệ thống thoát nước cũ, nhỏ; khắc phục bằng thiết kế mới thì sai lệch các chỉ số, không phù hợp, thiếu đồng bộ.

Sụt lún nền đô thị, cốt nền xây dựng đô thị thấp nên không tạo được độ dốc phù hợp cho việc thoát nước. Ngoài việc lấn chiếm, san lấp trái phép thì sự buông lỏng hoặc tiếp tay trong quản lý cao độ xây dựng dẫn tới hình thành các vùng trũng thấp cục bộ. Chưa tính tới thói quen xấu xí xả rác ra kênh rạch, cửa xả…

Sài Gòn cứ mưa là ngập

Nguồn hình ảnh, VIETNAM NEWS AGENCY

Chụp lại hình ảnh, Sài Gòn cứ mưa là ngập

Chống ngập là ưu tiên trong các chương trình hành động của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, nhưng ngập vẫn hoàn ngập, nguyên nhân chỉ ra cũng nhiều, giải pháp đã triển khai cũng đa dạng nhưng xem ra vẫn chưa đẩy lùi cơ bản việc ngập. Sài Gòn cứ mưa là ngập.

Trong một tham vọng và niềm tin lớn, thành phố đã chi ra 10.000 tỷ đồng cho một công trình chống ngập được coi là cơ bản.

Chúng tôi có mặt ở công trình đó và xem ra nó vẫn còn chưa thể vận hành được.

Tại cống kiểm soát triều Mương Chuối, một trong sáu cống kiểm soát triều, người ta thấy nhiều trụ bêtông sừng sững nhô lên khỏi mặt nước khoảng dưới 10 m, nối tiếp nhau từ bờ bên này sang bờ bên kia.

Các hạng mục chính dưới nước gần như thi công xong, nên chỉ còn vài công nhân đang làm những công việc phụ. Nhưng phía hai bên bờ, nhiều nhà dân trong phạm vi dự án thuộc diện giải tỏa vẫn còn sinh hoạt bình thường. Báo chí trong nước dẫn lời nhà đầu tư Trung Nam cho biết hai bên bờ dự kiến xây dựng trung tâm điều hành dự án cống kiểm soát triều, do công tác giải tỏa đền bù chưa xong nên nhiều hạng mục vẫn phải chờ.

"Với tình hình hiện tại, chúng tôi muốn lắp cửa van nhưng không thể làm được vì khi chặn dòng, phía bờ chưa thi công xong, nước tạo ra áp lực lớn có thể phá hủy nhiều thứ," một nhân viên nhà đầu tư Trung Nam nói.

Trong khi đó, hầu hết người dân ở đây cho biết sẵn sàng di dời, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

"Ai cũng biết đây là công trình chống ngập trọng điểm cho cả thành phố, nhưng chính sách bồi thường cho người dân phải thỏa đáng để chúng tôi còn an cư lạc nghiệp," ông Nguyễn Ngọc Minh, người dân xã Phú Xuân, Nhà Bè, nói với báo Tuổi Trẻ.

Trong một tình cảnh bức xúc như vậy cho cả hai phía chính quyền và người dân thì phát biểu ngớ ngẩn của một đại biểu Hội đồng Nhân dân đã gây nên làn sóng phản đối khôi hài của toàn xã hội.

Bà Phan Thị Hồng Xuân nói rằng, chỉ cần mỗi nhà có một cái lu đựng nước là thành phố giảm ngập, đây là kinh nghiệm dân gian Việt Nam và học tập kinh nghiệm từ Nhật.

'Yếu kém'

Thực tế người Việt ở nông thôn xưa kia chỉ dùng lu chứa nước mưa để uống chứ không phải chống ngập. Trong một nỗ lực có hiệu quả của chính phủ Việt Nam và Bộ Y Tế việc làm này đã hạn chế vì đã có hệ thống cung cấp nước sạch.

Hành động này của chính phủ Việt Nam được sự trợ giúp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn nhằm ngăn ngừa sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết.

Còn người Nhật chưa bao giờ dùng lu để chống ngập mà đó là một hệ thống, chứa, dẫn, điều tiết nước quy mô rất lớn.

Tokyo

Nguồn hình ảnh, TORU YAMANAKA

Chụp lại hình ảnh, Hầm chứa nước ngầm khổng lồ ở Tokyo: sâu 18 mét, diện tích 14 nghìn mét vuông để chống lụt và chuẩn bị cho Olympics Tokyo 2020

Việc phát biểu khinh suất của cán bộ công chức hay đại biểu nhân dân đã bộc lộ 'cốt nền" văn hóa của họ và những bằng cấp hào nhoáng đã bị rơi xuống bởi chính những phát biểu ngớ ngẫn, khinh xuất này.

Chống ngập luật cho một siêu đô thị trong chế độ bán nhật triều (trong một chu kỳ triều có hai lần triều lên và hai lần triều xuống) như TP Hồ Chí Minh là một vấn đề kỹ thuật mà không phải đại biểu nào cũng có thể nắm cơ bản.

Lẽ ra nếu đại biểu Hội đồng Nhân dân không có hiểu biết chuyên môn thì không nên phát biểu hoặc phải tìm hiểu, hỏi ý kiến chuyên gia chứ phát biểu khinh suất, rồi đe dùng Luật An ninh mạng đe nẹt người dân như cách của bà Xuân thì quả là một yếu kém kép.

Sự thiếu chuyên nghiệp trong các phiên thảo luận, phát biểu tại hội trường như trường hợp bà Phan Thị Hồng Xuân cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của cá nhân và sự dễ dãi của ban tổ chức kỳ họp.

ngập

Nguồn hình ảnh, InfoNet

Chụp lại hình ảnh, TP Hồ Chí Minh thường có các phố bị lụt

Xem thêm về Sài Gòn: