AFF Cup: Nghĩ về bóng đá và ước vọng tuổi trẻ Việt Nam

  • Vũ Thăng Long
  • Gửi tới BBC từ California
Sài Gòn

Nguồn hình ảnh, Culture Club/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Sài Gòn sau 1954 - hình tư liệu

Ban ngày bên Mỹ vặn được YouTube xem buổi tối Saigon, ngồi trầm ngâm hàng giờ bên ly cà phê sữa giống như các lần ngồi ở quán Continental, nơi nổi tiếng của những lần họp mặt bạn bè xưa, tôi ngỡ ngàng xem từng đoàn xe máy phóng chung quanh Nhà hát Thành phố của những người trẻ tuổi bây giờ.

Họ đang diễn hành, la hét ầm ĩ, ngay cả vài cô ăn mặc thiếu vải nhún nhảy tự nhiên trên băng sau của những chiếc xe máy đắt tiền hiệu SH hay Honda kiểu mới nhất, ăn mừng trận bóng tròn bán kết lượt về thắng Phi luật Tân, để sửa soạn trận chung kết với Malaysia tuần tới mong tái chiếm cúp vàng đã chờ từ 10 năm nay, sau lần đoạt cúp Suzuki năm 2008.

Họ hét to "Việt nam vô địch" như thể hiện ý chí chiến thắng đó giống các nhóm khán giả đông đảo thường la to mỗi lần có mặt trên những sân vận động.

Nhóm đua xe đông quá và dường như tạo thành sức sống mãnh liệt cho cái thành phố quá tải của đất nước được mệnh danh là "non trẻ" này khi tuổi trung bình của các nhóm trẻ chỉ là 24 tuổi.

Những người trẻ bay lượn trong phố đêm trên những "mô tô bay" như biểu hiện của tự do, của văn minh còn được tìm thấy cho tuổi trẻ của mình trong đất nước đó.

Đội tuyển Việt Nam

Nguồn hình ảnh, YE AUNG THU

Chụp lại hình ảnh, Đội tuyển Việt Nam đang chơi cực kỳ thăng hoa tại AFF Cup 2018

Tôi chợt hiểu tại sao họ thường "đi bão, xuống đường" tràn ngập với những rừng cờ đỏ, băng rôn hay tô son vẽ mặt đậm màu quốc kỳ để chào mừng một trận đá bóng chung kết SEA Game hay Cúp vô địch Đông Nam Á thắng "kẻ địch truyền kiếp" thường là đội bóng Thái Lan, và tuần tới là đội Malaysia.

Bên trên những chiếc xe máy tốc độ giúp cái hừng khí ngắn ngủi chợt tìm thấy, lòng yêu nước được dịp tỏ rõ qua những sự kiện thể thao.

Đam mê còn lại đó cùng những ly bia đầy giúp họ xóa đi cái vô cảm hàng ngày với những vấn đề lớn hơn của xã hội, và bớt đi cái mặc cảm thiếu trách nhiệm với một đất nước tụt hậu thua kém láng giềng.

Tôi ngồi xa cả nửa trái đất mà cũng được hưởng cái thú ngồi quán café quen Sài Gòn, thả hồn vào một số ý nghĩ cũ.

Từ lâu với nhiều kỷ niệm êm đẹp của thời mới lớn ở Sài Gòn, tôi ấp ủ cho mình ý nghĩ sẽ viết một quyển bút ký nhỏ đã có tựa đề chọn sẵn từ nhiều năm "Sài gòn Như Một Tình Nhân".

Và quyển đó phải được bắt đầu từ những ý nghĩ vụn như hôm nay.

Tôi thành thật mến mộ những tác giả chỉ hơn mình 5-10 tuổi, viết lại những chuyện thuộc loại "Đêm Trước" một biến cố lớn nào đó, tường thuật đầy đủ bối cảnh VN thời chiến tranh, chẳng hạn trước ngày 30/4 một năm nào, và nói hộ hết tâm tư của cả một thế hệ thanh niên ngày đó. Và cho mình tìm lại niềm tự hào của một thuở thiếu niên, đã ôm ấp bao lý tưởng mộng mị phục vụ đất nước.

Đọc xong vài quyển sách gợi chuyện cũ, tưởng như được rũ sạch nỗi ấm ức cái "hội chứng Việt Nam" (Vietnam syndrome) từ lâu về một đất nước phú cường văn minh phải có trong giấc mơ.

Thật sự từ trên 40 năm nay, sau khi du học tuổi 18 rồi ra trường, sống và đi làm nhiều nơi vẫn chưa tỉnh hay ra khỏi được "NÓ", chưa giải tỏa được cái ấm ức của một "giấc mơ không trọn vẹn", của một thời thanh niên đầy nhiệt huyết tự tin mà suốt đời vẫn chưa tìm thấy chốn "dung thân" để phục vụ lý tưởng tuổi nhỏ.

Đã từng về sống lại ở thành phố này suốt 12 năm, lúc tóc đã hoa râm, rút cục đã chỉ mang lại nỗi u hoài cố tìm khoảng thời gian đã mất, tìm về khoảng không gian cũ, tìm về cái lý tưởng một thời nung nấu.

Trong những năm tháng đó, nhìn lại hàng ngày thấy rõ sự phồn thịnh hơn của xã hội về vật chất so với những ngày tuổi trẻ miền Nam của tôi, nhưng tôi vẫn tò mò tìm hiểu nơi đám người tuổi trẻ hiện nay, xem họ có chia sẻ cái "phần hồn ngày xưa" của đám anh em chúng tôi lớn lên trong cùng thành phố này.

Những ý nghĩ bên tách cà phê làm sống lại hình ảnh những con đường phố thân yêu vắng hơn thuở tôi còn cắp sách đi học cấp 2 và 3 (trung học đệ nhất và đệ nhị cấp ngày trước), gò lưng mỗi ngày trên chiếc mobylette vàng của một thằng học trò lớp Đệ nhất (lớp 12 bây giờ) phóng từ ngôi nhà đường Duy Tân, qua trường Luật, qua khu Bàn cờ lên Ngã Sáu, rồi qua nhà thờ Cha Tam đến ngôi trường trung học Chu Văn An thân yêu, học hành đôi chữ cũng có nhưng phần lớn là những ngày "bát học" đi làm báo trường dịp Tết hay tham gia các hoạt động văn nghệ học trò.

Rồi những ngày mới lớn học đòi lớp đàn anh tập ra ngồi uống cà phê phin ở Givral, Brodard hay La Pagode, hóng nghe "chuyện người lớn" và những lời đồn thổi về chính trị của "Radio Catinat" bàn về các thay đổi trong Chính phủ hay diễn tiến cuộc chiến tàn phá hàng ngày, những dàn xếp của thời cuộc chính trị miền Nam, và sau cùng là những lo âu thi cử có thể quyết định chuyện phải rời hẳn ghế học đường để nhập ngũ.

Đó là những ngày lưu dấu kỷ niệm đậm đà nhất của tuổi thanh niên mới lớn ở miền Nam.

Chúng tôi lớn lên trong khung cảnh của một xã hội rối loạn, nhưng may mắn còn được hấp thụ một nền giáo dục mang tiếng "từ chương" (lý thuyết) nhưng vẫn có một giá trị tối thiểu nào đó được chứng tỏ sau này lúc đàn chim non miền Nam chúng tôi tốt nghiệp trung học, bay ra khắp các chân trời thế giới đã ghi lại nhiều thành tích trong các trường đại học Âu Mỹ.

Chúng tôi còn may mắn lớn lên trong một nền lễ giáo cổ truyền Việt Nam còn sót lại, tôn trọng các giá trị gia đình cao đẹp từ ngàn xưa, những tin yêu vào tình đời tình người vẫn còn mạnh mẽ.

Nhất là thời kỳ "vàng son" 1955-63 của nền Đệ nhất Cộng hòa trong thanh bình thịnh vượng của một VNCH dân chủ tương đối.

Đáng nói nhất là đám thiếu niên tuổi 15-16 thuở chúng tôi đã manh nha một lòng yêu nước mãnh liệt, muốn góp tay xây dựng một đất nước phú cường bằng sự chăm chỉ học hành trau dồi kiến thức, mơ tưởng đến một nền kinh tế hùng mạnh, một xã hội ấm no công bằng. Chúng tôi chỉ có ý nghĩ đơn giản như đại đa số thanh thiếu niên trong các nước Á châu khác lúc ấy, là sẽ cố gắng học hành hay làm việc để xây dựng đất nước bằng một nền kinh tế vững chắc.

Nhưng sau này trưởng thành, chúng tôi nhận ra rất sớm là chúng tôi chưa từng có một đất nước yên bình như Singapore hay Hàn Quốc để có thể đóng góp xây dựng đất nước qua ý nghĩ đơn giản đó. Thực tế phức tạp và khó khăn của miền Nam VN những năm 1960 đã đòi hỏi tuổi trẻ chúng tôi nhiều hơn thế!

Sau 30/4/1975, chúng tôi đã phải thành thật nhìn nhận một giả thử căn bản sai lầm cho tuổi trẻ của mình. Sống trong một ngôi nhà đổ nát bị mưa dột triền miên, việc sửa chữa đáng nhẽ phải khởi đầu từ mái nhà và những cột chống.

Các cố gắng vá víu những chỗ hở nhỏ hay che dột tạm thời là một thái độ tiêu cực, và trách nhiệm đã được thấy rõ cho lứa tuổi chúng tôi ở lúc cuối của một xã hội tan rã vào tháng 4/1975.

Tuy nhiên, những ý nghĩ vụn này cũng tạo dịp cho tôi sống lại những tự hào của một thời tuổi trẻ trong thành phố Sài gòn với lý tưởng mộng mị muốn phục vụ một Việt Nam hùng mạnh tương lai, rồi ra đi du học mong trau dồi kiến thức với tâm huyết hừng hực của một thanh niên tuổi 20, và sau này lúc ra đời làm việc, ở nhiều nơi trên thế giới trong nhiều năm tháng, vẫn mang trái tim tuổi 30 dù mái tóc đã điểm sương.

Vẫn bừng lên sức sống với giấc mơ xưa: Biết đâu sẽ có một ngày?

Nhân xem hình ảnh các thanh thiếu niên Saigon tràn ra đường mừng hội tuyển bóng tròn xứ nhà thắng Philippines hôm 6/12 để vào chung kết với Malaysia trong mong chờ mang về chiếc cúp AFF Suzuki 2018 lần nữa, tôi thấy mình có bổn phận của một người tuổi 20 từ thành phố này hơn bốn mươi năm trước, nói lại với lớp tuổi 20 ngày hôm nay những tâm tình của chúng tôi ngày trước và chia sẻ một "giấc mơ chưa mất", cũng như truyền tay cho các bạn bó đuốc phải được tiếp tục, không bao giờ tắt cho một Vận Hội Mới Việt Nam.

Là chúng tôi ngày xưa đã không phô diễn sức sống tuổi trẻ hay hành xử tự do bằng những buổi đua xe máy nguy hiểm, hay diễn tả trầm cảm thất vọng do những tiêu cực hay bất cập trong xã hội bằng những điếu cần sa hay thuốc lắc.

AFF CUp

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Liệu đội Việt Nam có đem về chiếc cúp AFF Cup như thời điểm 10 năm về trước

Ngày xưa khoảng năm 1966-67, Việt Nam cũng đã từng đoạt cúp bóng tròn Merdeka (vô địch Đông Nam Á) tổ chức ở Malaysia, tôi cũng đã có cảm giác chiến thắng tuyệt vời như các bạn bây giờ nhưng chỉ biết tỏ lòng yêu nước đơn giản bằng la hét trò chuyện với bạn bè quanh ly cà phê đá, chứ không có được những cuộc xuống đường "đi bão" ban đêm hay với bia rượu tràn ly sau mỗi trận đá thắng của đội tuyển Việt Nam. Nhưng vẫn nhớ lại được hoàn toàn các cảm giác ngọt ngào của lòng yêu nước tràn dâng cùng nhóm bạn bè thân ái.

Phải chăng chúng ta cần đóng góp nhiều hơn bằng sự học hay việc làm đơn giản hàng ngày, bằng những trau dồi kiến thức mà không chỉ vị bằng cấp, hay bằng tài trí cho một Việt Nam phát triển và dân chủ mai hậu, và nhất là bớt đi lòng vô cảm như hiện tại với xã hội và đất nước?

Trong tình trạng phức tạp của thế giới hiện tại với những tham vọng bành trướng trực chờ, sự chậm tiến tụt hậu về kinh tế cũng nhục nhã không kém việc mất chủ quyền nếu tuổi trẻ chúng ta không ý thức và sửa soạn đầy đủ từ bây giờ.

Bài thể hiện quan điểm của ông Vũ Thăng Long từ California, Hoa Kỳ.

Xem thêm các tin về bóng đá: