18/06/2019 18:33 GMT+7

Để khai thác cát trái phép kéo dài, lãnh đạo phải mất chức

QUANG KHẢI - MAI HƯƠNG
QUANG KHẢI - MAI HƯƠNG

TTO - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất như vậy tại buổi họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu chiều 18-6.

Để khai thác cát trái phép kéo dài, lãnh đạo phải mất chức - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 Chính phủ chiều 18-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Buổi họp sơ kết trên do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng các thành viên Chính phủ như Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng…

Ông Nhân cho hay ĐBSCL không chỉ có hạ tầng giao thông yếu kém mà còn đối mặt với nhiều vấn đề sụt lún, suy thoái nguồn nước ngầm, sạt lở bờ sông, bờ biển. Một trong những nguyên nhân do tình trạng khai thác cát quá mức.

Vì vậy, ông Nhân đề xuất Thủ tướng có cơ chế khen thưởng cũng như xử lý nghiêm vấn nạn này. 

Theo đó, ông Nhân kiến nghị địa phương nào chấm dứt được tình trạng khai thác cát trái phép thì được khen thưởng. Ngược lại lãnh đạo địa phương nào để tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài thì bị mất chức.

Để có nguồn nguyên liệu xây dựng thay thế cát dự kiến rất lớn trong tương lai, ông Nhân cũng đề nghị các bộ ngành sớm công bố chuẩn xỉ than tại các nhà máy nhiệt điện cũng như công nghệ xử lý vật liệu này thành vật liệu xây dựng. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hạn chế việc khai thác nước ngầm và có kế hoạch trám lấp giếng khoan.

Đề cập đến việc đầu tư hạ tầng giao thông tại ĐBSCL cũng như TP.HCM thời gian qua, ông Nhân cho rằng chưa tương xứng với mức đóng góp về kinh tế của các địa phương này. Vì vậy ông Nhân kiến nghị cần có sự thay đổi tỉ trọng đầu tư này theo mức đóng góp kinh tế. 

Cụ thể, ông Nhân cho rằng mức đóng góp của ĐBSCL và TP.HCM chiếm khoảng 42% GDP cả nước, vì vậy việc đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian tới ở mức 25-35% thay vì 20-25% như thời gian vừa qua.

Để có nguồn lực đầu tư, ông Nhân kiến nghị cho TP được giữ lại 20% trong mức 80% ngân sách đóng góp về trung ương để tập trung cho việc đầu tư giao thông. 

Ngoài ra Chính phủ có thể phát hành trái phiếu chính phủ trong nước, tập trung dành cho đầu tư giao thông. 

Ông Nhân cũng đồng tình với Bộ Giao thông vận tải, cần tập trung đầu tư 9 dự án trọng điểm kết nối TP.HCM và ĐBSCL gồm: 2 tuyến đường vành đai 3 - 4, 3 đường trục dọc (cao tốc TP.HCM -Cần Thơ - Cà Mau; quốc lộ 60 và đường N2, 4 tuyến đường trục ngang là quốc 62, quốc lộ 30 và quốc lộ 80…

QUANG KHẢI - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên