Ý kiến luật sư nói vụ Hà Văn Nam 'cần lãnh đạo cấp cao cứu xét'

  • LS Ngô Ngọc Trai
  • Gửi đến BBC từ Hà Nội
Hà Văn Nam

Nguồn hình ảnh, Hà Văn Nam/Facebook

Hà Văn Nam sinh năm 1981, quê ở thành phố Thái Bình, thường trú tại Hà Nội và được biết đến là người có nhiều hoạt động sôi nổi phản đối việc thu phí mà anh cho là bất hợp lý của các Trạm BOT.

Chiều ngày 31/12/2018 Hà Văn Nam cùng một số người dân sống gần Trạm thu phí BOT Phả Lại đã đến tìm gặp chất vấn nhân viên và giám đốc trạm thu phí vì sao không miễn giảm phí cho người dân địa phương giống như thông lệ những nơi khác.

Người dân địa phương phản ánh rằng mỗi ngày họ đi lại mấy lượt đều phải trả phí rất tốn kém và như thế là sai trái không chấp nhận được, đưa đón con đi học cũng bị thu phí, có người chấp nhận gửi xe ô tô xa nhà để khỏi đi lại mất phí.

Vì việc làm này công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh sau đó đã khởi tố bắt giam một số người dân và Hà Văn Nam vì tội 'Gây rối trật tự công cộng'.

Trước khi Nam bị bắt giam còn xảy ra sự việc, ngày 28/01/2019 khi đang ngồi uống nước tại một quát nước gần nhà thì bị một số người mặc thường phụcđi xe ô tô đến bắt lên xe ô tô đưa đi.

Sau khi bị trùm mặt và đánh đập gây thương tích, bầm dập, gẫy hai xương sườn thì anh Nam được thả xuống địa phận huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội.

Hà Văn Nam sau đó đã gửi đơn tố giác tội phạm về các hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích gửi đến công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội yêu cầu điều tra xác minh xem nhóm người đó là ai, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.

Sau đó Hà Văn Nam bị công an huyện Quế Võ bắt giam, kể từ khi bị bắt vào ngày 5/4 đến nay đã hơn hai tuần nhưng gia đình vẫn chưa được gặp.

Hà Văn Nam

Nguồn hình ảnh, Hà Văn Nam/Facebook

Mặc dù theo Luật thi hành tạm giữ tạm giam đang có hiệu lực thì người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ, và thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm gặp thân nhân.

Nhưng thực tế việc thăm gặp lại do cơ quan tiến hành điều tra quyết định. Điều tra viên nói với gia đình rằng sẽ cho gặp nhưng chưa phải bây giờ.

Và khả năng là họ tác động với trại giam để chỉ cho gia đình thăm gặp vào thời gian cuối của thời hạn 30 ngày, nhằm tạo thêm áp lực cho bị can phải hợp tác khai báo trong khi điều tra.

Gửi đơn xin cứu xét

Gia đình đã mời tôi làm luật sư bào chữa cho Hà Văn Nam tại các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm.

Hôm 19/3 luật sư đã soạn một lá đơn gửi đến các lãnh đạo nhà nước gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị cứu xét cho trường hợp Hà Văn Nam.

Trong đơn đã chỉ ra rằng, chính sách về các dự án đầu tư xây dựng chuyển giao (gọi tắt là BOT) là hợp lý đúng đắn trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp cần thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài xã hội để xây dựng các công trình cầu đường.

Nhưng do quản lý giám sát lỏng lẻo hoặc có sự dễ dãi thông đồng trục lợi của ngành quản lý cho nên nhiều dự án BOT giao thông còn tồn tại nhiều sai trái.

Các tồn tại vi phạm phổ biến như nâng khống chi phí dự án BOT để kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn; Triển khai dự án BOT trên cung đường độc đạo buộc người dân phải đi không có sự lựa chọn nào khác như một sự cưỡng buộc.

Giao thông ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Linh Pham/Getty

Chụp lại hình ảnh, LS Ngô Ngọc Trai: "Do quản lý giám sát lỏng lẻo hoặc có sự dễ dãi thông đồng trục lợi của ngành quản lý, nhiều dự án BOT giao thông còn tồn tại nhiều sai trái". (Hình minh họa)

Hay như việc thực hiện dự án BOT ở một nơi nhưng đặt trạm thu phí một nẻo để hoàn vốn có sự cấp phép của cấp chính quyền; Thu tiền phí thực hiện theo phương pháp thủ công lạc hậu nhằm gian dối về mức phí thu được trên thực tế; Mật độ các dự án BOT và trạm thu phí dày đặc nhằm bào mòn túi tiền của người dân và doanh nghiệp.

Những sai trái trong vấn đề BOT giao thông là có thật và bản thân Chính phủ cũng đang yêu cầu rà soát tháo gỡ những tồn tại bất cập trong các dự án BOT giao thông.

Trước thực trạng như vậy thì việc làm của Hà Văn Nam là có thể thông cảm được.

Việc làm của Hà Văn Nam cũng gián tiếp biểu đạt ý nguyện của một số lượng đông đảo người dân và doanh nghiệp đang chịu đựng gánh nặng về những khoản phí BOT.

Nhận thấy bản chất đằng sau một vụ án là những vấn đề thuộc về bất cập chính sách lớn, có ảnh hưởng sâu rộng, cho nên tôi thấy các lãnh đạo nhà nước cũng cần có trách nhiệm.

Đề nghị được tại ngoại hầu tra

Đơn xin cứu xét nêu rằng, cơ quan điều tra công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang làm rõ xem hành vi có cấu thành tội phạm hay không.

Nhưng với tính chất chuyên chế trấn áp như thường thấy thì luật sư lo ngại rằng rồi họ sẽ vẫn kết tội Hà Văn Nam.

Địa phương họ có thể nhận thức rằng việc trấn áp mạnh tay chính là cách bày tỏ với cấp trên rằng họ đang làm tốt công việc giữ an ninh trật tự.

Song ở cấp lãnh đạo trên cao thì tôi tin rằng có sự tân tiến hơn về nhận thức, có tầm nhìn bao quát, thấy được vấn đề thực trạng xung quanh các dự án BOT giao thông, và hiểu được nguyên lý vận hành của các xung động đời sống xã hội.

BOT Phả lại giảm phí

Nguồn hình ảnh, Facebook Ngo Ngoc Trai

Chụp lại hình ảnh, Văn bản thông báo giảm 100% phí dịch vụ cho phương tiện ở BOT Phả Lại

Cũng mới đây, ngày 08/3/2019, Công ty Cổ phần BOT Phả Lại đã có văn bản thông báo giảm 100% phí dịch vụ cho các phương tiện của người dân hai địa phương nơi đặt trạm thu phí giống như thông lệ nhiều nơi đã thực hiện.

Hai nơi được giảm 100% phí là xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và phường Phả Lại thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Điều đó gián tiếp cho thấy tính chính đáng trong việc làm của Hà Văn Nam.

Từ những lẽ trên, đơn xin cứu xét đã đề nghị các lãnh đạo nhà nước có ý kiến chỉ đạo với Cơ quan điều tra Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho phép tại ngoại hầu tra đối với Hà Văn Nam.

Và tôi yêu cầu họ xử lý với một tinh thần nhân đạo khoan dung công bằng nhất cho trường hợp này.

Bài thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư ở Hà Nội.