Minh-Ly de Reboul: 'Em nghỉ học thứ Sáu để chống biến đổi khí hậu'

Biến đổi khí hậu, học sinh, giới trẻ, biểu tình
Chụp lại hình ảnh, (Từ trái qua) Boss Woraumponkul, Manon Hufschmid, Piyush Saraf, Minh-Ly De Rebal cùng các thông điệp chống biến đổi khí hậu

Chiến dịch chống biến đổi khí hậu do Greta Thunberg, 17 tuổi, người Thụy Điển - người vừa được đề cử Nobel Hòa Bình - khởi xướng, nhanh chóng được giới trẻ toàn cầu đón nhận.

Hôm thứ Sáu 15/3, khoảng 60 học sinh các trường quốc tế ở Bangkok đã nghỉ học để tham gia hưởng ứng chiến dịch.

BBC Tiếng Việt có cuộc trao đổi với bốn học sinh đang học lớp 12, cùng lứa tuổi 17, tham gia biểu tình từ trường quốc tế St Andrews, Bangkok.

'Mong mang lại thay đổi'

Minh-Ly de Reboul, mẹ người Việt và bố người Pháp, sống ở Thái Lan từ năm 2012, cho biết em đang chọn Môi Trường và Art (Hội Họa) làm 2 môn chính để chuẩn bị thi vào đại học.

Minh-Ly cho biết em luôn ý thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nhưng ảnh hưởng của môi trường đến với em rõ nét hơn trong chuyến về thăm Việt Nam vừa rồi với các bạn cùng trường.

"Trong thời gian một ngày ở Hà Nội em có thể ngửi thấy mùi khói xe ở đó, rất khó thở," Minh-Ly De Reboul nói.

Em cho biết thêm "chuyến đi trên sông Mekong cho em thấy nạn khai thác cát, có thể là nguyên nhân gây sạt lở, xói mòn."

Giải thích lý do tham gia biểu tình, Minh-Ly nói ''em thấy mình có trách nhiệm phải tiếp tay làm một cái gì đó."

Piyush Saraf, người Ấn Độ, cho hay:

"Khi nghe tin về Chiến dịch biểu tình chống biến đổi khí hậu của học sinh toàn cầu, em nhận ra rằng mình cần hành động để mang lại sự thay đổi, dù là nhỏ bé, hoặc sẽ chẳng có ai làm điều gì cả. Do đó mà tôi và bạn tôi đã quyết định tham gia."

Trong khi đó, Boss Woraumponkul, người Thái Lan, nói em đã bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của mình từ năm ngoái, sau khi xem một video về thảm họa ô nhiễm rác thải nhựa ở biển.

Bây giờ đi đâu Boss Woraumponkul cũng mang theo bình đựng nước, thay vì mua các chai nước dùng một lần.

"Em cũng mang theo túi riêng để mua đồ trong siêu thị, thay vì dùng túi nilon. Em hy vọng rằng làm như vậy, em có thể đóng góp phần nhỏ bé, khuyến khích mọi người thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần," Boss nói.

Minh-Ly De Reboul nói hiện tại em chưa ngay lập tức có kế hoạch hoạt động vì môi trường Việt Nam nhưng tham gia các hoạt động tại Bangkok đã truyền cảm hứng và đem lại cho em ý tưởng trong tương lai.

"Có thể em sẽ bắt đầu nghĩ tới việc kết nối với các bạn trẻ Việt Nam để cùng cải thiện môi trường nơi đây."

Viết thư cho Thủ tướng Thái Lan

Một trong các hoạt động gây chú ý của nhóm 60 học sinh biểu tình chống biến đổi khí hậu hôm 15/3 là viết thư gửi Thủ tướng Thái Lan nhằm thúc giục chính phủ có các hành động tích cực để cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Manon Hufschmid, lai hai dòng máu Đức-Thụy Sỹ, nói với BBC Tiếng Việt:

"Đây là hoạt động của tổ chức Grin International cùng với một nhóm học sinh. Họ tổ chức biểu tình trước các tòa nhà của chính phủ. Một học sinh trong nhóm viết thư gửi tới Thủ tướng Thái Lan, và bạn ấy đã đọc bức thư trong cuộc biểu tình hôm đó, trước sự ủng hộ của các bạn. Sau đó thì bạn này cùng với một đại diện của Grin International đã được gặp các quan chức chính phủ. Tôi cũng nghe nói họ sẽ gặp quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hai tuần tới. Hy vọng là họ sẽ ra được một kế hoạch để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động vì môi trường trong tương lai."

Về lý do chỉ có 60 học sinh tham biểu tình, Piyush Saraf cho rằng có thể do việc biểu tình như vậy không phổ biến tại Thái Lan do luật pháp và văn hóa. Ngoài ra còn do quy định tại các trường công thường ngặt nghèo hơn các trường quốc tế.

"Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều bạn học sinh Thái Lan tham gia vào các hoạt động như vậy," Piyush Saraf nói.

'Thầy cô thầm lặng ủng hộ'

Bốn học sinh trường quốc tế St Andrews cũng cho hay để tham gia biểu tình hôm thứ Sáu 13/3, các em đã 'nhận được sự ủng hộ thầm lặng của thầy cô giáo'.

"Khi hỏi ý kiến thầy cô trong lớp thì chúng em được biết là không thể do quy định của trường. Nhưng chúng em quyết định vẫn nghỉ, vì hiểu rằng thầy cô hiểu ý nghĩa của hoạt động này và thầm lặng ủng hộ, nhưng vì quy định nên họ không thể chính thức cho phép nghỉ học."

"Chúng em không bị khiển trách gì sau việc biểu tình hôm thứ Sáu. Còn bố mẹ em ban đầu có đôi chút lo lắng nhưng sau đó cho phép đi, vì họ nhận thấy rằng mấu chốt của cuộc biểu tình này là ôn hòa, chúng tôi không chống đối chính phủ." Piyush Saraf nói.

Manon Hufschmid thì cho hay ban đầu em hơi lo là cảnh sát sẽ can thiệp cuộc biểu tình, nhưng cuối cùng mọi việc đều ổn.

"Cảnh sát có đến hôm biểu tình. Nhưng họ không làm gì cả." Manon Hufschmid nói.

Theo Manon Hufschmid, trước đó, cô cùng một nhóm bạn trường quốc tế St Andrews đã phối hợp cùng một số tổ chức môi trường để có nhiều hoạt động, như tổ chức các cuộc hội thảo cho học sinh để nâng cao nhận thức về hiểm họa rác thải nhựa dùng một lần.

"Mới đây, trường chúng em vừa khởi động sáng kiến Idea for Future, với các sáng kiến để giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. Hi vọng sẽ có kết quả tốt," Manon Hufschmid nói.

Biến đổi khí hậu, học sinh, giới trẻ, biểu tình

Nguồn hình ảnh, Grin Green International

Chụp lại hình ảnh, Các học sinh Việt Nam và Thái Lan tham gia biểu tình chống biến đổi khí hậu hôm 15/3

Chống rác thải nhựa ở Thái Lan

Vì chúng ta là những người sẽ kế thừa mảnh đất này, chúng ta hành động để yêu cầu chính phủ cùng chúng ta giải quyết vấn đề," Thiti Usanakul, 17 tuổi, một trong các thủ lĩnh của Grin International tại Bangkok, nói với Reuters.

"Chúng tôi đang thúc đẩy thay đổi về văn hóa ở Thái Lan. Chúng tôi tin rằng để cấm đồ nhựa dùng một lần, cần phải thay đổi suy nghĩ của mọi người. Và để làm vậy cần thông qua chiến dịch và các sự kiện," Thiti Usanakul,nói với phóng viên tờ Bangkok Post.

Các học sinh Thái đã phát đi các thông điệp như "chống ô nhiễm nhựa" vào 15/3.

Nhóm còn hoàn thành con đường làm bằng nhựa tái chế dài 220 m tại Trung tâm Siam như một sáng kiến nhằm giảm thiểu và tái sử dụng rác nhựa tại Thái Lan.

Theo Reuters, Thái Lan là một trong những nước đứng đầu về ô nhiễm rác thải nhựa.

Biến đổi khí hậu, học sinh, giới trẻ, biểu tình

Nguồn hình ảnh, Grin Green International

Chụp lại hình ảnh, Diễn thuyết về chống ô nhiễm nhựa
Biến đổi khí hậu, học sinh, giới trẻ, biểu tình

Nguồn hình ảnh, SOPA Images

Chụp lại hình ảnh, Hàng trăm ngàn học sinh từ hơn 100 quốc gia đã nghỉ học để biểu tình phản đối biến đổi khí hậu hôm 15/3

Học sinh hơn 100 nước tham gia

Hàng trăm ngàn học sinh ở hơn 100 nước trên thế giới đã đồng loạt nghỉ học hôm thứ Sáu 15/3 để biểu tình kêu gọi lãnh đạo nước họ có hành động chống biến đổi khí hậu, theo Reuters.

Ở châu Âu, học sinh biểu tình tại các thủ đô Paris, Madrid, Rome, Brussels và các thành phố khác, gọi đó là "Thứ Sáu vì tương lai".

Tại Mỹ, hàng ngàn học sinh tập trung tại Washington và hô vang "Hành động vì khí hậu ngay lập tức!"

Các cuộc biểu tình của học sinh toàn cầu bắt đầu từ tháng 8/2018, khi cô bé 16 tuổi người Thuỵ Điển Greta Thunberg, người vừa được đề cử Nobel Hòa Bình, đã nghỉ học vào mỗi thứ Sáu để phản đối việc các nhà lãnh đạo không có hành động tích cực nào để chống biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu, học sinh, giới trẻ, biểu tình

Nguồn hình ảnh, Grin Green International

Chụp lại hình ảnh, Một buổi hoạt động của các học sinh Thái Lan nhằm chống biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu, học sinh, giới trẻ, biểu tình

Nguồn hình ảnh, Grin Green International

Chụp lại hình ảnh, Đồ nhựa dùng một lần là một trong các vấn đề khó giải quyết ở Thái Lan

Greta Thunberg đã tới toà nhà Quốc hội Thuỵ Điển vào mỗi thứ Sáu để biểu tình. Hành động này của cô bé đã truyền cảm hứng cho các học sinh khác ở Thụy Điển, sau đó lan rộng toàn cầu.

Greta Thunberg cũng có một bài phát biểu đáng chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ đầu năm nay, và trước đó, tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc.

Greta Thunberg nói cô sẽ không dừng lại cho đến khi Thụy Điển ký Hiệp định Paris với mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này.

Các khẩu hiệu được học sinh khắp thế giới mang theo trong ngày biểu tình 15/3 gồm:

"Tương lai nằm trong tay chúng ta", "Giáo dục quan trọng nhưng biến đổi khí hậu còn quan trọng hơn."

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres viết trên Twitter hôm 15/3:

"Các bạn trẻ có thể thay đổi thế giới. Các bạn hiểu rằng mình đang chạy đua vì tương lai; cam kết và hoạt động của các bạn khiến chúng tôi tự tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng."

Các nhà khoa học cho rằng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm tăng khí nhà kính, khiến nhiệt độ trái đất nóng lên, kéo theo nước biển dâng, hạn hán và bức xạ nhiệt.

Các bài liên quan: