Trump-Kim 2: Bắc Hàn có thể học gì từ chủ nhà Việt Nam?

Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai sẽ diễn ra tại ở Hà Nội vào cuối tháng Hai

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai sẽ diễn ra tại ở Hà Nội vào cuối tháng Hai

Chỉ một tuần nữa, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp mặt Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần thứ hai và lần này ở Việt Nam.

Cả thế giới sẽ dõi theo các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa của họ, nhưng ông Kim cũng rất có thể sẽ tận dụng cơ hội để quan sát quốc gia chủ nhà, Việt Nam.

Ông Kim rất có thể sẽ thích những gì ông ta thấy ở Việt Nam. Vốn cũng như Bắc Triều Tiên, Việt Nam là một quốc gia Cộng sản độc đảng.

Nhưng kể từ 1986, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất châu Á - Ngân hàng Thế giới cho biết GDP của nước này có thể đạt 6,6% trong năm nay.

Và Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được điều này trong khi vẫn giữ được quyền lực tuyệt đối.

graphic

Hà Nội không cho phép sự tồn tại của các nhóm đối lập, duy trì "sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp" với quân đội và công an. Theo tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế, đã thực hiện một "cuộc đàn áp không ngừng đối với giới bất đồng chính kiến".

Việt Nam xếp ngay trên Bắc Triều Tiên đứng cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2018 của Phóng viên Không Biên giới.

Nhưng việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lớn như vậy chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã đi một chặng đường dài kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam vào năm 1975.

Một nền kinh tế đang bùng nổ và vai trò tương đối nổi bật trên toàn cầu nhưng kèm theo sự kiểm soát xã hội chặt chẽ sẽ rất hấp dẫn đối với ông Kim.

Đánh giá từ các bình luận trên mạng xã hội Việt Nam, hầu hết mọi người tự hào rằng đất nước mình được chọn để tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh.

Trong số đó có nhà kinh tế học Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn của thủ tướng Phan Văn Khải, người đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về sự chuyển đổi của Việt Nam có thể giúp cho Triều Tiên.

Ông đã hai lần gặp gỡ các đại biểu Bắc Triều Tiên và nhận định rằng, dù có sự khác biệt rõ ràng giữa hai nước, "nhưng kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế có thể hữu ích cho Triều Tiên".

Khởi đầu từ nông nghiệp

Câu chuyện thành công của người Việt Nam có thể đã được quảng bá từ lâu là một ví dụ cho một Triều Tiên hiện đang bị cô lập, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy người cha quá cố của Kim Jong-un, Kim Jong-il, đã từng coi trọng ý tưởng này.

Ông Kim Jong-il chưa từng đến thăm Việt Nam.

Nhưng Kim Jong-un đã có dấu hiệu cởi mở hơn để thay đổi.

Phát triển nông nghiệp là một ưu tiên hàng đầu của Bắc Hàn

Nguồn hình ảnh, KCNA

Chụp lại hình ảnh, Phát triển nông nghiệp là một ưu tiên hàng đầu của Bắc Hàn

Kể từ khi Kim Jong-un tiếp quản quyền lực vào 2011, đã có những cải cách hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ, cho phép nông dân giữ một số thứ họ thu hoạch được.

Và vào tháng Tư năm ngoái, ông Kim tuyên bố rằng Triều Tiên đã đạt được thành công công nghệ hạt nhân, giờ đây có thể tập trung vào việc cải thiện mức sống.

Các chuyên gia Việt Nam như ông Lê Đăng Doanh cho biết có một số điểm tương đồng giữa Việt Nam trong giai đoạn đầu chuyển đổi và Bắc Triều Tiên ngày nay.

Giống như Bắc Triều Tiên, Việt Nam biết được tác động của các lệnh cấm vận thương mại.

Mặc dù Việt Nam đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào 1978, nhưng sự chiếm đóng sau đó của Việt Nam ở Campuchia trong 11 năm tiếp theo đã tạo cơ sở cho Hoa Kỳ gây áp lực với IMF và Ngân hàng Thế giới để từ chối viện trợ cho Việt Nam.

Và giống như Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim, Việt Nam bị cô lập và bắt đầu thay đổi với những cải cách cơ sở trong nông nghiệp tập thể.

"Nhờ cải cách, Việt Nam đã từ một nước hàng năm phải nhập hơn 1 triệu tấn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản quan trong trong khu vực," ông Doanh nói.

Hình chân dung của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Hồ Chí Minh tại một trường mẫu giáo hữu nghị Việt Nam-Bắc Hàn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình chân dung của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Hồ Chí Minh tại một trường mẫu giáo hữu nghị Việt Nam-Bắc Hàn

Việt Nam tiếp tục xây dựng luật đầu tư nước ngoài, bình thường hóa mối quan hệ với thế giới và tư nhân hóa nhiều tập đoàn nhà nước.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994, và một năm sau, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean).

Việt Nam trở thành thành viên WTO vào 2007.

Triều Tiên có thể học hỏi từ cách đi thực tiễn, từ từ này, ông Vũ Minh Khương, một học giả người Việt tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.

Ông Khương gợi ý: "Trong chiến lược cải cách, Việt Nam áp dụng phương thức từ từ nhưng thống nhất. Khi Việt Nam thêm tự tin vào khả năng hội nhập thế giới và áp dụng tiến bộ công nghệ, thì Việt Nam cũng có những nỗ lực cải tổ mạnh dạn hơn."

"Lãnh đạo Việt Nam rất quyết tâm ủng hộ những yếu tố lớn giúp một quốc gia phát triển kinh tế thành công, đó là: kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu (tập trung vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài), và phát triển khu vực tư nhân."

Tiến sĩ Vũ Minh Khương chia sẻ thêm rằng cần xác định ba lĩnh vực để tập trung: cơ sở hạ tầng, định chế và vốn con người.

Một tầm nhìn truyền cảm hứng cũng sẽ có ích.

"Việt Nam đã đặt ra tham vọng trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045," ông Khương nói.

"Tầm nhìn này dự kiến sẽ trở thành một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy đất nước tiến lên với tốc độ nhanh chóng trong những năm tới."

Siết chặt chính trị, thả lỏng xã hội?

Tất nhiên, có những giới hạn đối với những gì Triều Tiên có thể đạt được trong thời gian ngắn.

Trừ khi Washington và Bình Nhưỡng đồng ý về việc phi hạt nhân hóa và bắt đầu thực hiện nó, thì sẽ không có lệnh dỡ bỏ lệnh trừng phạt nên sẽ rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí xét đến Triều Tiên.

Và ông Kim cũng cần phải thuyết phục giới thượng lưu của Bắc Triều Tiên rằng việc mở cửa là một chiến thắng của các chính sách dài hạn của ông ta, chứ không phải là sự đầu hàng đối với các áp lực thị trường.

Về vấn đề này, Việt Nam có thể dẫn dắt.

Việc mở cửa nền kinh tế đã đi cùng với sự tái khẳng định tính ưu việt của Đảng Cộng sản và quá khứ hào hùng của nó.

Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ và Việt Nam phải tự điều chỉnh theo một thực tế mới, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hồ Chí Minh vẫn là một biểu tượng được tôn sùng ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Hồ Chí Minh vẫn là một biểu tượng được tôn sùng ở Việt Nam

Và trong khi các cuộc tranh luận về một hệ thống chính quyền đa đảng bị nghiêm cấm, người Việt Nam đã được hưởng sự tự do hơn trong đời sống kinh tế, tôn giáo và xã hội.

Việc du lịch ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước láng giềng, đã trở nên phổ biến.

Có một sự tồn tại mâu thuẫn giữa một nền truyền thông báo chí chính thức bị kiểm duyệt và một diễn đàn sống động không chính thức vẫn tồn tại trên Facebook.

Không rõ liệu sự kết hợp tinh tế giữa kiểm soát chính trị chặt chẽ và thả lỏng về xã hội có thể được áp dụng ở Triều Tiên hay không.

Tuy nhiên, nếu Kim Jong-un muốn theo mô hình cải cách kinh tế với với sự tự do chính trị hạn chế, thì Việt Nam, với quy mô của mình, có thể là một ví dụ phù hợp hơn so với Trung Quốc.

Người Việt có thể có được tự do kinh tế nhưng vẫn thông tin truyền thông vẫn bị kiểm soát chặt chẽ

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Người Việt có thể có được tự do kinh tế nhưng vẫn thông tin truyền thông vẫn bị kiểm soát chặt chẽ

"Đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế, tránh không bị quá phụ thuộc vào một nền kinh tế nào, kinh nghiệm cải cách thể chế, xây dựng các thể chế kinh tế thị trường như hệ thống ngân hàng, điều chỉnh tỷ giá, giá cả, tín dụng,kiểm soát lạm phát v.v. sẽ có ích đối với Bắc Triều Tiên," ông Lê Đăng Doanh nói.

Ông nói thêm rằng nếu Triều Tiên nghiêm túc về sự thay đổi, thì cũng có những bài học ít tích cực hơn để học hỏi.

"Những việc Việt Nam làm chưa tốt như quản lý đất đai, tài nguyên,kiểm soát tham nhũng cũng có thể có ích để Bắc Triều Tiên có thể rút kinh nghiệm.," ông nói.

Ông cũng chỉ ra rằng trong các cuộc gặp với các quan chức Bắc Triều Tiên, họ rất muốn hỏi liệu có mâu thuẫn nội bộ giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam về cải cách hay không, và cách Việt Nam giải quyết điều này, có thể đưa ra một gợi ý cho một trong những thách thức lớn nhất để thay đổi Bắc Triều Tiên.

"Họ hỏi cải cách như vậy có ý kiến khác nhau không, có mâu thuẫn nội bộ không, giải quyết thế nào? Cải cách như vậy thì quan hệ sản xuất có phù hợp với lực lượng sản xuất không?"

"Việt Nam chiến tranh với Mỹ như vậy tại sao lại bình thường hóa quan hệ được sớm thế..." ông Lê Đăng Doanh nhớ lại hai lần trình bày cho phái đoàn Bắc Triều Tiên sang nghiên cứu Việt Nam trước đây.