19/12/2018 11:38 GMT+7

'Ghế nệm, giường tủ, salon... cũ tôi biết vất đâu?!'

THIÊN ÂN - NGUYỄN SINH
THIÊN ÂN - NGUYỄN SINH

TTO - Không chỉ có rác, còn những chất thải độc hại khác chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa thể tính phí xử lý. Bên cạnh đó, nhiều loại rác bị vứt bừa vì người dân không biết bỏ đâu cho đúng.

Ghế nệm, giường tủ, salon... cũ tôi biết vất đâu?! - Ảnh 1.

Rác ven đường tàu đoạn đường Chiến Thắng, Q,Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: THIÊN ÂN

Tiếp nối câu chuyện xả rác, phân loại rác, Tuổi Trẻ đăng hai ý kiến về câu chuyện thu gom và xử lý rác.

Nhiều thứ rác không biết bỏ đâu!

Xóm tôi ven đường ray xe lửa. Lâu lâu tôi lại thấy có cái nệm cũ hay cái bàn, cái ghế gãy chân bị người ta "tranh thủ" đêm khuya thanh vắng mang ra vứt. Lâu dần thành bãi rác tự phát với chỉ toàn là đồ sinh hoạt cũ. 

Chủ nhà gần con đường này đã nhiều lần treo biển "xin đừng vứt rác nơi này", và phải cho tiền các nhân viên thu gom rác để họ dẹp đi nhưng chỉ dăm hôm lại có rác mới.

Tôi sống ở TP.HCM hơn 25 năm nhưng thú thật, với những món đồ cũ như giường, tủ, bàn ghế, salon, nệm gối, chăn mền cũ, kiếng, miểng chai vỡ... muốn vứt đi thì không biết vứt đâu cho đúng chỗ. 

Để lẫn trong rác bình thường sẽ nguy hiểm cho người thu gom. Để bọc riêng bên cạnh thùng rác để họ cẩn thận khi xử lý thì thường bị bỏ lại, nhiều ngày sau vẫn còn nguyên đó. 

Nhiều người chờ người gom rác đến, năn nỉ, gửi chút "tiền cà phê", họ mới chịu mang đi. Nhưng không phải ai cũng chịu chi thêm số tiền 50.000 hay 100.000 đồng để nhờ bỏ những món rác ấy. 

Họ chọn cách đêm tối len lén vứt ra đường, hoặc bỏ ở bãi đất trống gần nhà. Không ít người ném xuống sông, kênh, mương, cố bỏ vô miệng cống thoát nước...

Thật đáng giận khi mỗi lần đi qua các nhánh nhỏ đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại thấy lềnh bềnh rác "khủng": thùng xốp cỡ lớn, manơcanh mất tay mất đầu, nệm... Khắp nơi, rất nhiều nền nhà chưa xây hoặc đất trống biến thành bãi chứa những thứ rác "bị từ chối" kiểu này.

Theo quy trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo QĐ44/2018 của UBND TP.HCM, rác vô cơ bao gồm rác tái chế và các loại rác còn lại sẽ được thu gom vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy. 

Thành phố đã có tính đến mức phí rác thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất. Nhưng các loại rác thải công nghiệp kiểu này ở từng nhà dân thì xử lý sao, thu gom thế nào? 

Khi không có quy định cụ thể, người dân sẽ tự xử lý theo cách trên và sẽ còn tiếp diễn những bãi rác không ai dọn (kể cả trên sông rạch).

Nên có quy định mức phí thu gom các loại rác to, cồng kềnh...nêu trên. Mức phí thu gom các loại rác này được thống nhất và niêm yết ngay bên hông xe lấy rác để mọi người biết mà tuân theo. 

Cũng có thể công bố điểm tập kết các món rác này để người dân có thể chủ động thuê xe mang tới bỏ, không làm phiền các nhân viên thu gom rác. 

Tương tự, các loại rác độc hại như pin, bình ăcquy, bóng đèn hư cũ... cũng cần hướng dẫn phân loại và thu gom đúng cách, không vứt bừa gây hại môi trường.

THIÊN ÂN (quận Thủ Đức, TP.HCM)

Còn nhiều chất thải nguy hại

TP.HCM bắt đầu phân loại rác tại nguồn ở khu dân cư. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhiều ý kiến đề nghị các giải pháp xử phạt những cá nhân, đơn vị cố tình không chịu chấp hành quy định và áp dụng các phương pháp tiên tiến trong việc phân loại rác. 

Đây là việc khởi đầu với các loại rác thải sinh hoạt hằng ngày. Câu chuyện rác thải sẽ còn là câu chuyện dài. Các nước đã phải sử dụng một hệ thống tổng thể các chính sách, biện pháp và các công cụ đa dạng để thực hiện xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường.

Tôi kiến nghị cần có quy định về xử lý các loại chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí. Không khó xác định ra các đối tượng phát thải rắn và lỏng, địa điểm phát thải và thu gom. 

Cần có những quy định ràng buộc việc xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Cần thu phí đối với các đối tượng xả nguồn rác này ra môi trường nhằm bù đắp trực tiếp chi phí xử lý.

Với chất thải khí: nguồn phát thải di động, khó xác định được lượng khí thải, nồng độ các chất độc hại, vì thế việc xác định cụ thể các đối tượng và căn cứ thu phí cũng tương đối hơi khó. Nhưng tác hại của chất thải này rất lớn. 

Nếu chưa thể quy định mức thu phí để bù đắp chi phí xử lý đối với khí thải, có thể áp dụng thu thuế, phí từ đối tượng phát thải (cơ quan, xí nghiệp, cơ sở, tổ hợp, tổ chức sản xuất).

Chúng ta đã có các dây chuyền xử lý rác giá trị hàng chục triệu USD nhưng xem ra hiệu quả chưa cao, lượng rác buộc phải chôn lấp vẫn còn không ít. Chôn lấp rác tươi giống như chúng ta đang cố che giấu một cái xấu chưa được sửa chữa, lãng phí nguồn rác có thể tái chế. 

Và quan trọng là làm sao có quỹ đất để chôn lấp rác! Việc chôn lấp sẽ tạo ra sản phẩm có mùi hôi và thứ nước bẩn gây độc hại cho cư dân xung quanh, gây bức xúc dư luận thời gian qua.

NGUYỄN SINH (quận Thủ Đức, TP.HCM)

Xử lý rác: lợi ích cộng đồng trên hết

Về giải pháp công nghệ xử lý rác thải, chôn lấp là phương pháp cổ điển, tự nhiên nhất nhưng tác hại rất lớn. Phương pháp đốt rác và phương pháp công nghệ sinh học chi phí đầu tư lớn hơn.

Điều cần quan tâm là làm sao chúng ta giải quyết được đống rác thải hằng ngày với vốn đầu tư thấp, ít tốn quỹ đất đai, vừa được đa số dân chúng chấp nhận.

Theo tôi, một nhà máy xử lý rác ứng dụng công nghệ vi sinh cần vốn đầu tư gấp nhiều hơn chi phí xây dựng một bãi chôn lấp, song nếu tính tổng thời gian sử dụng thì rẻ hơn các bãi chôn lấp nhiều lần.

Chưa kể còn sản xuất được phân bón hữu cơ cho nông nghiệp. Và lợi ích vượt trội cho cộng đồng: giảm thiểu phát tán mùi hôi, quá trình ủ vi sinh, vi trùng gây bệnh cũng bị tiêu diệt, giảm thiểu được mầm bệnh.

NGUYỄN SINH

Rác đã Rác đã 'bức tử' dòng chảy của nước

TTO - Đô thị ngập nước có nguyên do con người xả rác gây tắc nghẽn kênh rạch, cống rãnh, “bức tử” dòng chảy của nước. Góc nhìn từ những người nước ngoài đang sống tại TP.HCM và giải pháp từ các nước.

THIÊN ÂN - NGUYỄN SINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên