Việt-Trung có giao lưu thanh niên và văn hóa Nho gia

Viện Khổng Tử

Nguồn hình ảnh, Xinhua

Chụp lại hình ảnh, Cuộc thi China Bridge do Viện Khổng Tử ở ĐH Hà Nội đồng tổ chức vào tháng 5/2018 - ảnh minh họa

Người Việt Nam "đánh giá cao Khổng tử" trong bối cảnh xã hội hiện nay, theo Tân Hoa Xã trong bài về sự kiện giao lưu văn hóa Trung - Việt mới đây ở Hà Nội.

Hôm 24/3, tại trường Đại học Hà Nội đã diễn ra chương trình Giao lưu thanh niên Việt - Trung và văn hoá Nho gia.

Mang tên 'Lễ - nhạc dệt ước mơ', được biết đây là chương trình do ĐH Hà Nội và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây của Trung Quốc cùng tổ chức.

Theo kênh VTV của Việt Nam, đây là sự kiện trong khuôn khổ hoạt động của Tuần hợp tác Lan Thương - Mekong lần hai, từ ngày 18 - 24/3.

Đánh giá cao Khổng Tử

Theo Tân Hoa Xã (bản tiếng Anh), các quan chức, học giả và sinh viên Việt Nam đến dự sự kiện hôm 25/03 đều đánh giá cao nhà giáo dục, triết gia Khổng Tử.

"Dù ra đời cả nghìn năm trước, các ý tưởng của ngài đã được duy trì, đưa vào cuộc sống, với các ứng dụng ở Việt Nam đương đại."

"Tư duy và hành vi của người Việt Nam đã bị, ít nhiều, ảnh hưởng của Nho giáo, với các giá trị được gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ ở Trung Quốc, mà ở cả Phương Đông,", ông Đỗ Nam Trung, phó vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong bài diễn văn ở sự kiện văn hóa nêu trên.

Còn bà Đỗ Thanh Vân, Viện trưởng Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội thì được Tân Hoa Xã (bản tiếng Anh), trích lời:

"Khổng Tử đã khuyến khích người ta không chỉ hiếu học, mà còn sống hài hòa với người khác, và đây là điều rất hữu ích trong xã hội hiện đại vốn buộc người ta phải có kiến thức sâu rộng trong sinh hoạt cường độ cao."

Viện Khổng Tử ở Việt Nam

Hồi tháng 12/2014, Đại học Hà Nội chính thức làm lễ gắn biển Viện Khổng Tử tại trường với sự tham gia của các đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc.

Đây là một trong số trên 150 viện mang tên Khổng Tử mà Trung Quốc cho mở ra trên thế giới những năm qua.

Mục tiêu hoạt động của Viện là để "thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung", theo các văn bản chính thức.

Ngay khi đó, đã có một số ý kiến từ Việt Nam không đồng ý với việc này, coi nó là vấn đề bị chính trị hóa.

Ông Trần Quang Đức, tác giả cuốn khảo cứu 'Ngàn năm áo mũ' về trang phục các triều đại vua chúa Việt, Hán, Hàn, đã viết cùng thời gian:

"Chính quyền Trung Quốc tiến hành cách mạng văn hóa vào những năm 1966. Trong thời kỳ này, tư tưởng Khổng bị lên án gay gắt....Và giờ đây, khi nền chính trị, tư tưởng của Trung Cộng không đủ sức hút đối với thế giới, càng không phải giá trị phổ quát. Họ bám víu và giương chiêu bài quảng bá văn hóa; họ dùng Khổng Tử làm công cụ chính trị. Bởi vậy đừng nghĩ đơn giản rằng, Học viện Khổng Tử là nơi truyền bá đạo Khổng."

Viện Khổng Tử

Nguồn hình ảnh, Portland Press Herald

Chụp lại hình ảnh, Một Viện Khổng Tử ở Maine, Hoa Kỳ - ảnh chụp hồi 2013
Chinese girl at Sunday school

Nguồn hình ảnh, University of Wales Trinity Saint David

Chụp lại hình ảnh, Lớp học Trung văn cho trẻ em ở University of Wales Trinity Saint David, Anh Quốc

Sang năm 2018, một loạt Viện Khổng Tử bị các đại học tẩy chay, thậm chí cho đóng cửa tại Mỹ và Canada vì lý do định hướng dư luận sở tại khi giới học thuật đề cập đến các chủ đề 'cấm kỵ' với chính quyền Trung Quốc.

Chẳng hạn ĐH Massachussetts, Hoa Kỳ cho rằng Viện Khổng Tử định hướng dư luận về Tây Tạng, Đài Loan, thảm sát Thiên An Môn.

Càng gần đây, với cuộc thương chiến Mỹ - Trung và vấn đề an ninh công nghệ khiến một số nước Phương Tây thay đổi cách nhìn về làn sóng văn hóa Trung Quốc mà chính họ hoan nghênh từ giữa thập niên 2000.

Sự bành trướng kinh tế qua dự án Vành đai và Con đường của chính phủ Trung Quốc đã khiến không chỉ Hoa Kỳ, Canada, Úc mà cả EU cũng đã lên tiếng quan ngại.

Tuy thế, điều này có vẻ không ảnh hưởng gì đến cách nhìn nhận của chính quyền ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, nơi truyền thống Nho giáo đã có từ lâu.

Riêng ở Việt Nam, cố chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói đến Khổng Tử, và theo một số nhà nghiên cứu, ông nhấn mạnh đến giá trị của Nho giáo trong việc đề cao vai trò đạo đức của người cầm quyền.

Những vấn đề này tuy vậy, không có liên quan nhiều nữa đến quan hệ vừa giao lưu, vừa có căng thẳng lãnh thổ, biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam hôm nay.