Pháp: Emmanuel Macron gặp mặt giới công đoàn giữa bất ổn

Những người biểu tình vẽ graffiti dòng chữ 'Đốt cháy Elysée' hôm thứ Bảy (8/12) vừa qua

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Những người biểu tình vẽ graffiti dòng chữ 'Đốt cháy Elysée' hôm thứ Bảy (8/12) vừa qua

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị gặp gỡ các cơ quan công đoàn và các tổ chức bảo vệ người lao động, trong một động thái nhằm 'xoa dịu' tình hình đang ngày càng bất ổn diễn ra tại Paris và một số thành phố khác những tuần gần đây.

Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra trước khi ông Macron có bài diễn văn phát biểu trên truyền hình để công bố các biện phát giải quyết bất ổn.

Các ngày nghỉ lễ cuối tuần gần đây, Pháp liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình liên quan đến việc tăng giá xăng dầu, chi phí sinh hoạt và các vấn đề khác.

Khoảng 136.000 người biểu tình "áo vàng" đã xuống đường hôm chủ Nhật (09/12).

Hơn 1.200 người đã bị bắt giam.

Thủ đô Paris bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiều xe hơi bị đốt cháy, cửa sổ bị đập vỡ và nhiều cửa hàng bị cướp phá.

Hơn 50 chiếc xe hơi bị đốt cháy

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Hơn 50 chiếc xe hơi bị đốt cháy trong cuộc biểu tình diễn ra hôm thứ Bảy (8/12)

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire mô tả tình hình tại Pháp thời điểm hiện tại như là 'một thảm họa với các doanh nghiệp' và toàn bộ nền kinh tế.

Những người phản đối liên tục tổ chức các cuộc biểu tình và chặn đường trên khắp cả nước trong các ngày thứ bảy, chủ nhật bốn tuần vừa qua.

Kế hoạch của ông Macron là gì?

Ông Macron sẽ gặp gỡ các đại diện của năm cơ quan công đoàn và ba tổ chức bảo vệ người lao động, cũng như các cơ quan địa phương khác.

Tờ "Le Figaro" cho hay Thủ tướng Édouard Philippe và chín bộ trưởng trong nội các dự kiến sẽ có mặt trong cuộc gặp của ông Macron.

Tổng thống Macron sau đó sẽ có bài phát biểu quốc gia cùng ngày vào lúc 20h, giờ địa phương.

Ông Macron

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Ông Macron đang phải đối diện với những thách thức khó khăn nhất trong 19 tháng cầm quyền

Bộ trường Lao động Muriel Penicaud nói ông sẽ công bố các biện pháp "cụ thể và tức thời" để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Cho tới giờ, vẫn có rất nhiều người biểu tình kêu gọi ông Macron từ chức.

Ông Macron bị chỉ trích vì 'luôn mất tích' và không chịu lắng nghe khó khăn của người dân trong nước.

Cuối tuần trước, sau cuộc hội đàm với đại diện nhóm biểu tình áo vàng, chính phủ Pháp đã tuyên bố ngưng việc tăng thuế xăng dầu - l‎ý do chính khiến nhóm này tổ chức các cuộc biểu tình.

Nhưng động thái này cũng không xoa dịu được tình hình và vào hôm thứ Bảy (8/12) Pháp lại chứng kiến nhiều cuộc biểu tình bảo loạn khác.

Biểu tình tại Pháp qua những con số

17/11/2018: 282.000 người biểu tình - 1 người thiệt mạng, 409 người bị thương - 73 người bị bắt giữ

24/11/2018: 166.000 người biểu tình - 84 người bị thương - 307 người bị bắt giữ

1/12/2018: 136.000 người biểu tình - 1 người thiệt mạng, 263 người bị thương - 630 người bị bắt giữ

8/12/2018: 136.000 người biểu tình - 118 người bị thương - 1.220 người bị bắt giữ

Những người biểu tình áo vàng

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Những người biểu tình áo vàng

Những người biểu tình là ai?

Những người biểu tình "áo vàng", được đặt tên như vậy vì họ xuống đường phố mặc quần áo màu vàng có thể nhìn thấy rõ từ xa, ban đầu phàn nàn về thuế dầu diesel tăng mạnh.

Tổng thống Macron cho biết động lực của ông trong việc tăng giá là vì môi trường, nhưng những người biểu tình cáo buộc ông không nắm rõ được sinh hoạt của dân.

Chính phủ sau đó đã loại bỏ kế hoạch tăng giá xăng, nhưng những người biểu tình áo vàng vẫn không được xoa dịu. Tuần trước, phong trào này - mặc dù thiếu lãnh đạo trung ương - đã đưa ra hơn 40 yêu sách cho chính phủ.

Trong số đó có lương hưu tối thiểu, cải tổ rộng rãi hệ thống thu thuế và giảm tuổi nghỉ hưu.

Phong trào biểu tình lan tỏa mạnh qua các phương tiện truyền thông xã hội, thu hút được người từ mọi thành phần tham gia từ phía đối lập chính phủ cực tả đến phía theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, và những người ở giữa.

Xem thêm tin về Pháp: