Trường Hành chính Quốc gia ENA sẽ bị đóng để thỏa lòng dân Pháp

A picture shows the building of the Ecole Nationale d'Administration (National School of Administration) (ENA) at night on January 14, 2013 in Strasbourg, eastern France.

Nguồn hình ảnh, PATRICK HERTZOG/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Trường Hành chính Quốc gia Ecole Nationale d'Administration (ENA) ở Strasbourg, Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ cho đóng trường Hành chính ENA danh tiếng để không mang tiếng là phục vụ tầng lớp trên.

Trong bài diễn văn hôm 25/04/2019 đề ra chương trình cải cách sâu rộng ở Pháp, nhằm đối phó với làn sóng bình dân biểu tình Áo Vàng, ông Marcon nói:

"Để cải cách, chúng ta cần chấm dứt hoạt động trường ENA."

Bản thân tốt nghiệp ENA và làm trong ngành ngân hàng trước khi ra tranh cử, ông Macron nói "Không phải vấn đề là ENA không tốt, mà để cải cách, chúng ta cần xây dựng ra cái gì đó còn tốt hơn."

Bà Nathalie Loiseau, cựu giám đốc ENA và làm việc cho ông Macron, đồng ý hoàn toàn với ý tưởng của tổng thống:

"Nước Pháp cần thay đổi cách tuyển chọn, đào tạo công chức cao cấp."

Chỉ phục vụ con ông cháu cha?

Ngôi trường được thành lập năm 1945 bởi tướng Charles de Gaulle với tinh thần dân chủ, nhằm đào tạo công chức cho nhà nước Pháp từ mọi thành phần xã hội.

French President Emmanuel Macron speaks during a meeting gathering some 600 mayors who will relay the concerns aired by residents in their towns and villages in the Normandy city of Grand Bourgtheroulde on January 15, 2019

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Macron, trong cuộc đối thoại tại Grand Bourgtheroulde với người dân Pháp trong loạt sự kiện 'Thảo luận Lớn' tổ chức khắp cả nước

Bà Irene Bellier, nhà xã hội học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia nói, "trường ENA được lập ra trong tinh thần tái thiết nước Pháp, và phục hưng bộ máy nhà nước" sau chiến tranh.

"Ý thức hệ của nó là đào tạo ra nhóm người có năng lực phụng sự việc công."

Nhưng theo thời gian, ENA trở thành trường cho giới quyền quý, con ông cháu cha, đào tạo ra nhiều thủ tướng, tổng thống Pháp từ sau Thế Chiến 2.

Trường có tiếng là cho ra lò tầng lớp ưu tú, công chức chuyên nghiệp cao cấp, và có kỳ thi rất khó khăn, theo tường thuật của Alice Cuddy, BBC News từ Pháp.

Thường người ta phải "luyện thi" nhiều năm mới đỗ vào ENA.

Bà Bellier thừa nhận việc này:

"Quá trình đó rất căng thẳng, và họ phải thu thập rất nhiều, rất là nhiều kiến thức,"

Baccalaureat, Strasbourg, 18 Jun 18

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Điểm rất cao từ kỳ thi tú tài mới cho thanh niên Pháp cơ hội vào ENA, còn một số đông khác là vào ENA sau khi đã có thời gian làm công chức

"Bạn phải chứng tỏ năng lực của mình, phải như là trình diễn, tuy đây không phải là chuyện làm diễn viên, và các thí sinh phải chịu áp lực rất cao."

Mặt khác, ENA bị cho là có chương trình bảo thủ, phục vụ con em giới thượng lưu.

Một thống kê nói bốn tổng thống, bảy thủ tướng, gồm các ông như Valery Giscard d'Estaing, Jacques Chirac và Francois Hollande, cùng nhiều bộ trưởng, tổng giám đốc đại công ty đã là cựu sinh viên ENA, có trụ sở ở Strassbourg.

Người tốt nghiệp ENA được gọi là 'Enarques' trong tiếng Pháp, và chỉ có 19% sinh viên ENA có cha mẹ thuộc giới bình dân.

Theo Reuters, các lãnh đạo của tập đoàn viễn thông Orange, ngân hàng Societe Generale cũng là đồng môn ENA.

Yêu hay ghét ngôi trường 'ưu tú'?

Một phần dư luận Pháp tin rằng giới thượng lưu, dù ngồi trong hội đồng quản trị đại công ty hay làm chính trị, cũng là dạng người 'cùng khuôn mẫu', và xa dân.

Còn theo bà Christine Nguyễn, người Pháp gốc Việt sống tại Paris thì chúng ta không nên quên ENA còn là trường quốc tế.

"ENA là lò đào tạo viên chức cao cấp cho không ít quốc gia khác. Nói chung đây là ngôi trường dành cho những người có tham vọng chính trị hoặc muốn tham gia vào bộ máy quản trị hành chính của nước Pháp."

Nói với BBC News Tiếng Việt về dư luận tại Pháp trước quyết định này, bà Christine Nguyễn cho hay:

"Người Pháp nhìn chung không yêu cũng không ghét ngôi trường này, thậm chí không ít người còn xác định sự cần thiết của một trường quốc gia hành chánh. Có chăng chính là sự cải tổ, thay đổi lại cấu trúc chương trình đào tạo cho phù hợp với thời buổi của 'công nghệ 4.0', chú trọng hơn nữa vào mục tiêu thực sự phục vụ công chúng."

Ý kiến từ bên ngoài, như của cựu sinh viên ENA niên khóa 2010-2011, bà Jocelyn Caron, người Québec, Canada cho rằng việc cho đóng cửa trường ENA, "là một quyết định tồi".

"Bởi lỗi nằm ở toàn bộ hệ thống giáo dục ngày càng già nua của cả nước Pháp," chứ không chỉ của một ngôi trường, bà Caron nói.

Áo Vàng vẫn đòi Marcon từ nhiệm

Có vẻ như quyết định "đóng trường cũ của chính mình" là dấu hiệu ông Marcon muốn tỏ ra ông có quyết tâm đối phó với thách thức trực diện từ phong trào Áo Vàng.

Họ liên tục biểu tình, đôi khi đốt phá, ở trung tâm Paris và một số đô thị, đòi công bằng xã hội.

Tổng thống Macron, sau khi khép lại loạt sự kiện 'Thảo luận Lớn' tổ chức khắp cả nước để nghe ý dân, đã đề ra một loại tiêu chí cải cách, như cắt giảm thuế thu nhập, tổng cộng trị giá 5 tỷ euro, đóng các lỗ hổng thuế mà nhiều công ty đang lợi dụng.

Fanny Niquet and Chantal Huger
Chụp lại hình ảnh, Hai bà Fanny Niquet và Chantal Huger tin rằng tình hình có thể dẫn tới nội chiến

Nhà nước cũng chấp nhận cho áp dụng trở lại chế độ để lương hưu dưới 2000 euro một tháng được bù giá theo lạm phát.

Có vẻ như tuyên bố đóng trường ENA không làm cho phe Áo Vàng thỏa mãn.

Trước sau như một, họ yêu cầu ông Macron từ chức.

Tình hình Pháp tiếp tục căng thẳng, thậm chí "rất dễ nổ ra nội chiến", như ý kiến của hai phụ nữ Fanny Niquet và Chantal Huger nói khi tham gia 'Thảo luận Lớn' mà chính phủ tổ chức, theo bài của Jean Mackenzie, BBC News từ miền Bắc Pháp.

Xem thêm: