Tranh cãi vụ qua cầu Vàm Cống phải trả phí BOT T2

bot

Nguồn hình ảnh, BaoAnGiang.com.vn

Chụp lại hình ảnh, Xe cảnh sát giao thông túc trực trước văn phòng trạm BOT T2

Một nữ tài xế nói với BBC rằng trong vụ phản đối trạm BOT T2 chặn lối lên cầu Vàm Cống, người dân chỉ "theo nguyên tắc không sử dụng dịch vụ thì không lý do gì phải mất tiền".

Trong khi đó, một luật sư bình luận rằng báo An Giang đưa tin vụ này vì sau khi thông xe cầu Vàm Cống, những người bị thiệt hại chịu ảnh hưởng nhiều nhất "là người dân An Giang".

Vài ngày sau khi cầu Vàm Cống thông xe, công luận xôn xao chuyện trạm BOT T2 đặt trên Quốc lộ 91, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, án ngữ ngay lối lên cầu Vàm Cống.

Giới tài xế đi tuyến Long Xuyên-Kiên Giang hoặc đi TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự bức xúc vì họ phải trả tiền phí qua trạm BOT T2, trong khi họ chỉ sử dụng vài trăm mét đường của dự án.

Những ngày qua, mạng xã hội có ghi nhận nhiều tài xế liên tục cho xe dừng tại trạm, chặn lối đi lên cây cầu dây văng thứ hai vượt sông Hậu.

Hôm 23/5, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức họp khẩn với Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp "tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc tại trạm thu phí BOT T2" nhưng các phóng viên không được tham dự vì "đây là cuộc họp nội bộ".

'Sự đồng lòng'

Hôm 23/5, cô Phương Ngô, tài xế, trả lời BBC:

"BOT T2 có lẽ là trạm duy nhất mà chính quyền địa phương thừa nhận sai phạm về vị trí và rất mong muốn di dời về chỗ đúng."

"Có nghĩa là đang có sự đồng lòng của cả chính quyền và người dân trong vụ này."

"Điều oái ăm là BOT T2 đặt tại địa bàn Cần Thơ nhưng dân An Giang không sử dụng mà phải trả phí dịch vụ."

"Vụ trạm BOT này giống vụ trạm thu phí Cai Lậy ở chỗ chính quyền cho thấy họ tôn trọng giao dịch dân sự, họ nhìn nhận sai phạm của doanh nghiệp."

"Nếu các tài xế đồng lòng và quyết tâm thì việc BOT T2 sẽ phải trả về đúng vị trí của nó là điều chắc chắn."

"Tôi nghĩ chính quyền An Giang và Cần Thơ sẽ rất tuyệt vời trong câu chuyện của T2. Bởi họ vẫn muốn các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng pháp luật, công bằng cho người dân."

"Theo như tôi hiểu, trong việc phản đối, các tài xế phản đối trạm T2 không có chiến thuật gì cả. Người dân vẫn cứ theo nguyên tắc không sử dụng dịch vụ thì không lý do gì phải mất tiền."

"Để thay đổi được bộ mặt xã hội và hướng tới sự công bằng và pháp luật được thượng tôn mạnh mẽ nhất thì đó phải là ý thức của toàn tập thể, của cả cộng đồng. Đừng mong chờ vào một nhóm nhỏ hoặc một vài cá nhân nào đó. Vì họ đơn giản chỉ là những con người bình thường như mọi người hoặc như tất cả chúng ta."

vàm cống

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh, Việc lưu thông qua cầu Vàm Cống là miễn phí nhưng doanh nghiệp và người dân An Giang phải mua vé qua trạm BOT T2

'Không hợp lý'

Hôm 23/5, Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Thái Hùng, nói với BBC:

"Theo tôi, các trạm BOT không thể giải quyết dứt điểm là do các chủ đầu tư thường lách luật. Sau khi lập dự án, thường các chủ đầu tư đã thay đổi so với thiết kế ban đầu khi lập dự án và sau khi thay đổi thiết kế thay đổi và đặt trạm đúng ngay vị trí độc đạo làm cho các xe đi qua một phần dự án hoặc không đi qua phần chính vẫn chịu phí cho cả con đường."

"Về chuyện báo An Giang đưa tin vụ này, có thể hiểu là vì sau khi thông xe cầu Vàm Cống, những người bị thiệt hại chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người dân An Giang khi đi theo hướng qua cầu Vàm Cống về hướng Đồng Tháp hoặc ngược lại các xe đi từ hướng Đồng Tháp qua cầu Vàm Cống về An Giang."

"Họ phải chịu phí qua trạm BOT T2, dù dự án BOT T2 là dự án cho tuyến đường từ An Giang về Cần Thơ với hơn 35km từ km 14 đến km 50+889, nhưng trạm đặt tại vị trí km 50+500."

"Tức khoảng cách từ trạm BOT T2 đi đến ngã 3 lộ tẻ chỉ sử dụng đúng 389m, nhưng phải chịu phí cho cả tuyến đường hơn 35km là hoàn toàn không hợp lý."

"Hiện tại theo tôi được biết, tỉnh An Giang và Cần Thơ cũng như chủ đầu tư đã họp bàn phương án di dời hoặc điều chỉnh, nhưng có vẻ chủ đầu tư đang cố chấp."

"Theo tôi cách tốt nhất là nên đặt thêm một trạm BOT T3 phía trong ngã 3 Lộ Tẻ chỉ để hoàn phí hoặc thu phí cho đoạn đường chưa tới 400m (chính xác là 389m)."

"Hoặc di dời trạm BOT T2 về đúng vị trí dự kiến ban đầu tại km 50 là chính xác."

'Toan tính từ trước'

Cùng ngày, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC:

"Theo như tôi biết, cầu Vàm Cống khởi công xây dựng từ năm 2013. Trong khi đó, các báo Việt Nam cho hay, trạm BOT T2 được Bộ Giao thông-Vận tải thành lập cuối năm 2016, sau thời điểm khởi công cầu Vàm Cống."

"Bộ Giao thông-Vận tải là đơn vị chủ quản nên không thể nói là không biết được vị trí cầu Vàm Cống nằm ở đâu. Do đó, theo tôi, vị trí đặt trạm BOT T2 hiện nay khó có thể nói là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà phải có sự toan tính từ trước."

"Việc đặt trạm BOT T2 có thể là kiểu "đầu tư" để đón đầu khi thông xe Cầu Vàm Cống. Đặt trạm T2 ở vị trí này ngoài việc "bắt chẹt" người dân nhiều hơn còn được cái lợi tạo ra sự lầm tưởng cho những người đi qua cầu Vàm Cống rằng trạm T2 là thu phí cho cầu Vàm Cống và dễ dàng được chấp nhận."

"Tuy nhiên, trên thực tế cầu Vàm Cống sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc nên người dân không phải trả phí khi qua đây. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến việc "lén" thu phí dự án cầu Mỹ Thuận, hầm Thủ Thiêm…"

"Dù vậy, trường hợp của trạm T2 thì có hơi khác một chút so với việc thu phí cầu Mỹ Thuận hay hầm Thủ Thiêm trước đây."

"Trạm T2 còn núp dưới danh nghĩa thu phí cho dự án tăng cường mặt đường quốc lộ 91B nên phía nhà tài trợ vốn ODA cũng khó bắt bẻ. Nhưng với vị trí đặt trạm T2 hiện nay, về bản chất nó không khác gì là thu phí cho cầu Vàm Cống."

"Nếu kế hoạch thu phí cầu Mỹ Thuận, hầm Thủ Thiêm trước đây được thực hiện trót lọt thì tiền phí sẽ vào ngân sách nhà nước còn trường hợp trạm T2 thì không."

"Nguyên nhân sâu xa là các dự án BOT đang gây bất công cho người dân. BOT hiện nay đang là điểm nóng không phải vì nó mới sai phạm gần đây mà những sai phạm này vốn dĩ tồn tại từ rất lâu."

"Bức xúc của người dân trước đây bị dồn nén và nay đã tới hạn nên buộc phải phản ứng bằng hành động chứ không thể cam chịu như trước đây."

"Người dân đóng thuế, phí cho nhà nước thì nhà nước có trách nhiệm xây dựng đường xá cho dân đi. Nhà nước không thể thu thuế, phí của dân mà không làm gì rồi lại kêu gọi doanh nghiệp khác vào đầu tư và bắt dân phải tiếp tục trả tiền đầu tư đó thông qua phí BOT."

"Tôi nghĩ để giải quyết triệt để các bức xúc của người dân thì các dự án BOT phải cho người dân thấy được tính hợp lý và công bằng của từng dự án."

"Người dân đòi hỏi tính hợp lý và công bằng ngay từ khâu lựa chọn hình thức đầu tư của nhà nước chứ không chỉ ở khâu lựa chọn nhà thầu, định mức đầu tư, thời gian hoàn vốn, vị trí đặt trạm BOT..."

"Muốn vậy, ngoài việc quy định chặt chẽ những trường hợp nào được phép kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, luật cần quy định:

1. Các nguyên tắc xác định vị trí đặt trạm BOT sao cho hợp lý chứ không để Bộ Bộ Giao thông-Vận tải quyết định một cách tùy tiện như hiện nay.

2. Bộ Giao thông-Vận tải và chủ đầu tư phải công khai toàn văn các hợp đồng BOT trên website cũng như tại trạm BOT trong suốt thời gian hiệu lực hợp đồng.

3. Buộc các trạm thu phí BOT có bảng điện tử thể hiện sự thay đổi của tổng số phí đã thu mỗi khi có phương tiện đi qua."

"Tôi nghĩ dự án BOT nào cũng sử dụng đòn bẩy tài chính cả. Và khi cho vay, các ngân hàng đương nhiên đã phải và luôn tuân phải thủ các tỷ lệ an toàn cho hệ thống tín dụng mà ngân hàng nhà nước quy định như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi..."

"Cho nên nếu nhà nước có chấn chỉnh các dự án BOT có sai phạm thì nó cũng không nghiêm trọng đến mức có thể làm sụp đổ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lãi suất huy động hiện nay không nóng sốt như giai đoạn 2008-2014 trước đây. Theo tôi, đây chỉ là cái cớ để không xử lý triệt để các dự án BOT có sai phạm, trạm BOT đặt bất hợp lý mà thôi."

Báo địa phương nói gì?

Báo An Giang tường thuật: "Rõ ràng có sự chưa nghiêm túc trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trạm BOT T2 vẫn nghiễm nhiên tồn tại sau khi thông xe cầu Vàm Cống. Nếu vẫn cứ cố tình để trạm tại đây và không di dời sang vị trí hợp lý, điểm "nóng" T2 sẽ càng nguy hiểm."

Tờ báo dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân: "Ngay từ khi trạm BOT T2 chuẩn bị xây dựng cho đến đưa vào hoạt động, hiệp hội đã có gần 20 lần kiến nghị di dời. Tuy nhiên, Bộ Giao thông-Vận tải chỉ yêu cầu miễn, giảm, chứ không di dời. Nay cầu Vàm Cống đã thông xe, doanh nghiệp và người dân An Giang phải chịu thiệt thòi rất lớn khi phải mua vé qua trạm BOT T2, trong khi cầu Vàm Cống là miễn phí."

Báo An Giang cũng dẫn lời tài xế Nguyễn Ngọc Hùng ở Long Xuyên:

"Tôi chạy về Long Xuyên, thấy phà Vàm Cống vẫn còn hoạt động. Thử làm phép tính như sau: đi cầu Vàm Cống mất 18 phút, đi phà Vàm Cống mất 30 phút. Tuy nhiên, đi vòng qua cầu xa hơn đi phà 11km, sẽ thiệt hại như sau: 11km tốn thêm 0,9 lít xăng (xe tôi đi 100km khoảng 8 lít xăng), với giá xăng hơn 21.000 đồng thì tốn thêm 19.000 đồng. Với xe 7 chỗ, vé qua phà Vàm Cống là 25.000 đồng, trong khi qua trạm BOT T2 là 35.000 đồng, cao hơn 10.000 đồng. Như vậy, đi cầu dù nhanh hơn 10 phút nhưng thiệt thêm gần 30.000 đồng, cộng chiều trở lại là 60.000 đồng. Mỗi tháng, tôi đi công tác sáu lượt, vậy mất hết 360.000 đồng, một năm tốn thêm khoảng 4,3 triệu đồng nếu chọn đi cầu thay cho đi phà. Số tiền chênh lệch này là không nhỏ, chưa kể thà bỏ tiền qua phà Vàm Cống thấy xứng đáng, còn trả tiền qua trạm BOT T2 quá tào lao."