EU gọi TQ là 'đối thủ hệ thống' trước khi ông Tập thăm Ý và Pháp

EU - TQ

Nguồn hình ảnh, MARK RALSTON

Chụp lại hình ảnh,

EU và Trung Quốc từng có 'cuộc chiến thuế nhập khẩu giày dép' từ hơn 10 năm trước

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sang Ý và Pháp, Liên hiệp châu Âu công bố văn bản gọi Trung Quốc là 'đối thủ mang tính hệ thống'.

Khái niệm 'systemic rival' mà văn bản 10 điểm của EU nêu ra tuần trước để đối phó với Trung Quốc đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bác bỏ.

Hôm 18/03, ông Vương Nghị nói có sự cạnh tranh (competition) giữa Trung Quốc và EU nhưng hai bên đều muốn tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược.

Ủy hội châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên hiệp châu Âu kêu gọi châu lục này phải cứng rắn hơn với đầu tư Trung Quốc.

EU gọi Trung Quốc là "đối thủ kinh tế tìm cách giành vị trí lãnh đạo về công nghệ, và đối thủ mang tính hệ thống, đang thúc đẩy cho một mô hình khác về quản trị nhà nước và xã hội."

Giới bình luận tin rằng đây là lần đầu tiên, EU dùng ngôn từ rõ ràng chỉ ra khác biệt ý thức hệ và mô hình chính trị của Trung Quốc, coi đó là 'đối thủ'.

Không thích Vành đai và Con đường?

Văn bản của EU cũng phê phán một số quốc gia đang muốn tham gia dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Uighur

Nguồn hình ảnh, EMMANUEL DUNAND

Chụp lại hình ảnh,

Biểu tình của một nhóm người Uighur tại Brussels hồi tháng 4/2018 phản đối các trại giam tập thể ở Tân Cương, TQ

Bồ Đào Nha

Nguồn hình ảnh, NurPhoto

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Tập và phu nhân Bành có chuyến thăm Bồ Đào Nha hồi cuối năm 2018

Dự án này chính là mục tiêu của chuyến thăm sang Ý tuần này mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện.

Chính phủ thiên hữu ở Ý ngỏ ý muốn tham gia Vành đai và Con đường, điều EU không đồng ý.

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm cả Ý, Monaco và Pháp từ 21 đến 26/03 này.

Sau đó, tới ngày 09/04, EU và Trung Quốc sẽ mở hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng TQ, Lý Khắc Cường.

Hiện hai bên đang chuẩn bị về thông cáo chung nhưng chưa đồng ý được về nội dung.

EU muốn tiếp cận rộng hơn thị trường Trung Quốc nhưng chính sách của Bắc Kinh chưa mở cho các đại công ty châu Âu đầu tư bình đẳng với công ty Trung Quốc.

Tiếp cận thị trường một cách bình đẳng cũng là điều Hoa Kỳ yêu cầu với Trung Quốc.

EU còn lo ngại về các vụ mua đứt khổng lồ của đối tác Trung Quốc tại châu Âu.

Sự bành trướng của Huawei mà Hoa Kỳ cho là 'ăn cắp công nghệ' cũng đang khiến một số chính phủ EU xem lại hợp đồng phát triển mạng 5G của tập đoàn này.

Ngoài ra, thâm hụt thương mại của EU với TQ vẫn đang tăng, lên tới 21,4 tỷ euro năm qua, từ 20,8 tỷ năm trước nữa.

Pháp và Đức muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh châu Âu sau Brexit, và Trung Quốc bị Paris và Berlin nay coi là đối thủ, theo trang Politico.

Có ý kiến tại Đức cho rằng EU đã sai lầm về an ninh, quốc phòng những năm qua vì "đề cao quá mức mối đe dọa từ Nga, và coi nhẹ quá mức đe dọa từ TQ".