Chó nuôi cắn người: xử chủ thế nào?

RFA
2019.04.23
000_Hkg9073463.jpg Ảnh minh họa.
AFP

Truyền thông trong nước vào ngày 23/4 loan tin một cháu bé 4 tuổi ở Hà Nam bị chó nhà nuôi tấn công và đây là trường hợp thứ hai trong vòng một tuần lễ bị chó nhà cắn đến thương tích nặng nề.

Trước đó, một số vụ việc tương tự cũng diễn ra như vụ bé trai 7 tuổi tại Thái Nguyên bị chó lai cắn phải cấp cứu khâu 200 mũi nhưng bé đã tử vong sau đó. Cũng một bé trai khác tại Hưng Yên bị cả đàn chó tấn công tử vong và một số trường hợp khác bị chó nuôi tấn công dẫn đến chết người tại Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Bác sĩ Thà, chuyên gia về thú ý tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng nguyên nhân được cho là lỗi của chủ nuôi không xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình mà lại thả rông hoặc đưa ra nơi công cộng không rọ mõm và xích giữ.

“Mình phải quản lý được nó, chó nuôi trong nhà thì gia chủ phải có trách nhiệm giữ con chó đó ví dụ như xích, rọ mõm,… Thật ra các loại giống chó dữ tính tình nó thất thường lắm nên phải cẩn thận, bình thường nó hiền lành lắm nhiều khi nó cáu lên nó dữ lắm. Trẻ con chơi với nó nhiều khi nó nghĩ nghịch nó, trêu nó là nó nổi khùng lên nó cắn liền. Tại sao dạo này nhiều chó cắn thế là vì dạo này người ta nuôi nhiều giống chó ngoại về hoặc là những giống chó dữ bảo vệ, như con Rottweiler, Dobermann Pinscher… bình thường trông nó cũng đã dữ rồi. Còn những giống chó chọi là gặp con nào là đánh nhau luôn, con người cũng thế thôi nên giờ chỉ có quản lý chặt thôi thì bọn nó chả làm gì được.”

Một người dân hiện đang sống tại Sài Gòn không muốn nếu tên nói với chúng tôi rằng, đa số các trường hợp tấn công xảy ra tại các khu vực nhà dân ở khu vực xa thành phố, do ý thức và văn hóa nuôi chó thả rông từ lâu mà truyền thông lại không đưa nhiều thông tin đến cho họ hiểu nên thành ra xảy ra nhiều trường hợp như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với chúng tôi rằng, trong quy định pháp luật có quy định rất rõ về việc tiêm phòng cho các loại vật nuôi cũng như việc quản lý vật nuôi tại tư gia.

“Luật pháp Việt Nam quy định rất là rõ tức là khi mà anh thả chó rông ngoài đường ngoài công cộng thì phải để rọ mõm và một năm bắt buộc phải tiêm ngừa phòng chó dại tại các sở ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn đều có tiêm phòng. Thì cái này luật Việt Nam có quy định nhưng mà thông thường thì người ta không có ý thức đưa chó ra ngoài tiêm phòng.”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
AFP

Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho biết pháp luật có quy định nếu anh thả chó rông ngoài đường mà anh không rọ mõm, không chích ngừa trong 6 tháng một lần thì phải xử phạt hành chính từ 600.000 – 800.000 ngàn đồng và buộc tịch thu con chó đó đi và nếu gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì phải bồi thường.

Trên thực tế, hàng năm Việt Nam có rất nhiều vụ việc chó tấn công người, tuy nhiên tính chất vụ việc không nghiêm trọng nên dư luận không mấy quan tâm, đến khi nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra thì công tác quản lý vật nuôi và sử dụng mới được xiết chặt lại.

Một luật sư tại Đà Nẵng từ chối nêu tên nói với chúng tôi rằng, việc chưa có tổ chức hay cá nhân nào chịu trách nhiệm hay bị xử lý một phần là do quy định pháp luật chưa cụ thể và chi tiết. Ngoài ra, các quy định hiện hành chưa phân định được rõ trách nhiệm của tập thể hay cá nhân trong việc quản lý chó nuôi tại nhà.

Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay pháp luật có quy định nhưng do các cơ quan thực thi pháp luật không thực hiện nghiêm túc chuyện này. Ông giải thích

“Cái này pháp luật có quy định rồi nhưng vấn đề thực thi pháp luật của các cơ quan thú y, ủy ban nhân dân phường xã họ làm không nghiêm thôi, cho nên cần thực thi nghiêm vấn đề này, tích cực hơn, kiểm tra nhắc nhỏ thường xuyên còn nếu vẫn cố tình thả rông thì sẽ có những biện pháp nghiêm khắc thì chắc chắn sẽ giảm bớt thôi. Quan trọng là do ý thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương họ làm chưa được tốt thôi.”

Người dân sống tại Sài Gòn nói với chúng tôi rằng chính bản thân cũng là người nuôi chó nhưng không hiểu hết được ảnh hưởng nếu có vấn đề xảy ra và nếu có cũng chỉ bồi thường là mọi chuyện có thể qua.

Luật sư Hậu trình bày về biện pháp xử phạt trong lĩnh vực để chó nuôi cắn người: “Cho nên pháp luật quy định anh thả mà gây thương tích cho người khác thì bị xử lý về mặt hành chính với mức phạt từ 300 – 800 ngàn đồng còn nếu gây thương tích thì tùy theo tính chất mức độ có thể quy tội gây thương tích hoặc giết người. Những thông điệp này thì người dân mình ý thức pháp luật vẫn còn kém lắm, họ không hiểu biết về cái đó nên khi cơ quan chức năng kiểm tra nhắc nhở thì họ phản ứng lại.”

Vào ngày 21 tháng tư vừa qua truyền thông trong nước loan tin dẫn phát biểu  đối với một tín nữ của sư trụ trì Chùa Trung Thành, tại phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng rằng ‘chúng mày cút ngay ra khỏi chùa không tao thả chó ra cắn nắt mặt…’

Người bị dọa cho công khai vụ việc trên tài khoản Facebook cá nhân. Nhiều người vào đọc được tỏ ra vô cùng bức xúc; lý do được đưa ra vì đe dọa như thế đối với một người bình thường đã là không được rồi, huống gì đây là một vị tu hành!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.