VN vẫn rất cần Nga trong việc duy trì thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh

Nguồn hình ảnh, NOEL CELIS

Chụp lại hình ảnh, Hợp tác Nga - Việt đã giúp cho công tác bảo quản thi hài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh nửa thế kỷ qua

Sau một tuần làm việc, Hội đồng Khoa học Y tế Nga - Việt báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Buổi làm việc đã diễn ra chiều 18/07/2019 tại Trụ sở Chính phủ Việt Nam giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bảy thành viên người Việt Nam và bốn nhà khoa học Nga.

Các nguồn tin của Việt Nam cho hay ông Phúc đã "cảm ơn các nhà khoa học Liên bang Nga và đề nghị các nhà khoa học tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Lăng trong hợp tác, nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Trước đó, vào khoảng một tháng trước, các báo quốc đế đồng loạt đưa tin về hoạt động của Hội đồng Khoa học Nga - Việt, với chuyến thăm của các nhà khoa học Nga sang Hà Nội để "đánh giá trạng thái thi hài" của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nay, sau gần một tháng làm việc, lãnh đạo Việt Nam khẳng định vai trò của phía Nga vẫn là không thể thiếu được.

Theo Reuters (20/06/2019), sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, phía Nga bắt đầu thu tiền từ Việt Nam để cung cấp hóa chất đặc biệt nhằm bảo quản thi hài của ông Hồ Chí Minh.

Phía Việt Nam có ý định học cách chế tạo hóa chất này từ cơ quan được gọi là 'Phòng thí nghiệm Lenin' (Lenin Lab) nổi tiếng về công nghệ ướp xác của Nga.

Nhưng nay, theo báo Việt Nam hôm 19/07 thì sự hợp tác của phía Nga vẫn tiếp tục:

"Các nhà khoa học Liên bang Nga khẳng định sẽ tích cực cùng các chuyên gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh."

Vẫn theo bài của James Pearson trên Reuters thì "các chuyên gia Việt Nam nay đã nắm được nghệ thuật ướp xác, nhưng họ vẫn thường xuyên cần người Nga trợ giúp hàng năm để duy trì thi hài".

Phòng thí nghiệm nổi tiếng

Theo các báo Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Khoa học Y tế Nga-Việt là GS Đặng Vũ Minh đã nói từ ngày 12 đến ngày 18/07/2019, Hội đồng đã "tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng, trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh qua 50 năm bảo quản, giữ gìn và phục vụ thăm viếng".

Truyền thông Việt Nam trích lời Giáo sư, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga Banin Victor Vasilievich nói "cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tiến hành kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng phương pháp khoa học hiện đại".

Ông cũng nói về nhu cầu "nâng cao chất lượng đào tạo các cán bộ y tế, kỹ thuật tham gia công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Lenin và Stalin

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lenin (trái) muốn được chôn cạnh mẹ nhưng bị Stalin quyết định đưa vào lăng

Truyền thông quốc tế nhân chuyến thăm sang Việt Nam của đoàn khoa học gia người Nga đã nhắc lại các công tác của 'Lenin Lab' trên thế giới.

Tên tuổi của hai nhà hóa học, Vladimir Vorobyov và Boris Zbarsky được nhắc đến như những người đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Chính họ đã đề xuất giải pháp dùng hóa chất để duy trì thi hài Lenin (qua đời năm 1924) thay cho cách mà Stalin và ban lãnh đạo Kremlin hồi đó bàn thảo mất hai tháng trời là dùng cách đông lạnh thành đá.

Kể từ sau Lenin, các chuyên gia ướp xác của Liên Xô và Nga đã thực hiện công việc tương tự với lãnh tụ cộng sản Bulgaria, ông Giorgi Dimitrov (1949); Joseph Stalin (1953); Hồ Chí Minh (1969), hai cha con ông Kim Nhật Thành (1994) và Kim Chính Nhất (2011).

Ông Dimitrov được tôn thờ trong lăng tại Sofia cho đến ngày thay đổi chế độ.

Sau đó, vào năm 1999, chính quyền Bulgaria thời hậu cộng sản đem xác ông đi hỏa thiêu và chôn ở nghĩa trang.

Nhưng có hai lãnh tụ cộng sản khác được ướp xác không nhờ công nghệ Liên Xô.

Một người là lãnh tụ cộng sản Tiệp Khắc, Klement Gottwald (1953) và người kia là Mao Trạch Đông của Trung Quốc (1976).

Năm ngày sau khi dự đám tang Stalin năm 1953, ông Klement Gottwald của Tiệp Khắc bị đột quỵ và chết khi mới 56 tuổi.

Dù quan hệ Moscow và Prague vẫn tốt đẹp, phía Liên Xô vì bận lo ướp xác Stalin đã không cử chuyên gia sang giúp "các đồng chí Czech", và người Czech quyết định tự làm việc này.

Tuy thế, công nghệ của Tiệp Khắc không đủ tốt và vài năm sau, thi hài ông Gottwald bị hư hại nặng, chuyển màu đen.

Sang năm 1962, Tiệp Khắc quyết định đem thi hài Gottwald đi hỏa thiêu và chôn tại nghĩa trang Olsany, Prague.

Còn Mao Trạch Đông qua đời khi quan hệ Bắc Kinh - Moscow rất lạnh nhạt và phía Trung Quốc đã không tiếp cận được công nghệ bảo quản thi hài của Liên Xô.

Có tin nói họ đã hỏi nhờ Việt Nam giúp nhưng không đạt kết quả gì và người Trung Quốc đã tự lo việc ướp xác ông Mao, để vào lăng tại Thiên An Môn.