Năm điều cần biết về bệnh sán dây lợn

BS Phan Đình Hiệp (trái) và TS Lê Minh Hà (phải)
Chụp lại hình ảnh, BS Phan Đình Hiệp (trái) và TS Lê Minh Hà (phải) trong chương trình Thảo luận Bàn tròn của BBC nêu lên những điểm cần chú ý về bệnh sán dây lợn

Bệnh sán dây lợn thực sự nguy hiểm tới mức nào? Con đường lây lan, cách phòng ngừa và điều trị bệnh sán dây lợn ra sao?

BBC Tiếng Việt tổng hợp ý kiến của Tiến sỹ Lê Minh Hà, chuyên gia về ký sinh trùng học thú y, từ Hà Nội, và Bác sỹ Phan Đình Hiệp, từ Melburne, Úc, nêu trong chương trình thảo luận Bàn tròn Thứ Năm ngày 21/3 quanh vụ học sinh mầm non ở Bắc Ninh có kết quả thử dương tính với sán lợn.

Sán dây lây lan từ động vật sang người bằng cách nào?

Theo bà Lê Minh Hà, bệnh sán dây lợn (Taenia Solium) có thể lây sang người qua hai đường.

Thứ nhất là do bệnh nhân ăn phải thịt lợn gạo, là thịt có nang sán dây trông như hạt gạo nằm giữa các thớ cơ đùi, cơ lưỡi, cơ tim, cơ hàm, mà chưa nấu chín kỹ.

Thứ hai là ăn phải rau xanh có nhiễm các đốt sán già (ở Việt Nam còn được gọi là sán xơ mít) thải ra cùng phân của người bị bệnh.

Ngoài khả năng lây nhiễm từ bên ngoài vào cơ thể, bác sỹ Phan Đình Hiệp nhắc đến một giả thuyết mà theo ông là 'có lý', đó là con người có thể tự nhiễm lại bệnh sán dây.

"Khi con sán trong ruột non nó đẻ ra đốt sán. Ra ngoài thì con heo nó ăn vào. Nhưng có những tạp chí khoa học đều nói là ngay cả những đốt sán và trứng sán đó chẳng hạn, nếu chúng ta ói mửa hay đi xe mà nhu động ruột đẩy ngược trứng sán từ ruột non lên dạ dày mà nó bể ra thì tại dạ dày nó cũng tiêu hóa ra và cũng đi trực tiếp từ đó lên các cơ phận của chúng ta, có thể rất là nguy hiểm."

Taenia

Nguồn hình ảnh, Google

Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh con sán dây trưởng thành trong ruột người. Ảnh do CDC cung cấp

Bệnh sán dây nguy hiểm như thế nào?

Nhiễm sán dây lợn là một trong những bệnh nguy hiểm lan truyền từ động vật sang người, Tiến sỹ Lê Minh Hà cho biết.

Bệnh có hai thể loại là nhiễm ấu trùng sán lợn và sán dây lợn trưởng thành.

"Nếu bị nhiễm ấu trùng sán lợn, tùy từng vị trí cơ thể người mà các nang sán k‎ý sinh có thể gây các biểu hiện khác nhau."

"Ví dụ, nang sán ký sinh ở mắt có thể làm giảm thị lực hoặc mù. Nang sán ký sinh nhiều ở não có thể gây động kinh. Hay ký sinh ở da thì tạo thành những nốt hồng di động, không hay về mặt thẩm mỹ."

"Nếu bị nhiễm sán lá trưởng thành ở trong ruột, con sán sẽ chiếm dụng dinh dưỡng ở người, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, phù nề."

Cũng theo bà Lê Minh Hà, bệnh sán dây là một trong những bệnh thường gặp ở vùng nhiệt đới, không chỉ ở nước ta mà ở một số nước trên thế giới. Tác hại của nó thì hiện tại vẫn được đánh giá là vào mức cao.

BS Hiệp nhấn mạnh bệnh nang sán còn nguy hiểm hơn nhiễm sán trưởng thành. Giải thích về cách trứng sán có thể đi trực tiếp vào cơ thể người, ông nói:

"Nếu trường hợp trứng sán đi trực tiếp qua người mà không thông qua lợn, tức là trứng và đốt sán ra ngoài thiên nhiên và nếu bằng con đường nào đó vào cơ thể chúng ta lại, ví dụ như uống nước và ăn rau không rửa kỹ, thì từ đốt sán hoặc là trứng sán mà vào thẳng cơ thể người, vào dạ dày nó tạo thành ấu trùng."

"Và ấu trùng sán đi thẳng vào trong cơ thể người chúng ta và nó đi các nơi mà tập trung chủ yếu ở não hoặc hệ thống thần kinh. Sau đó có thể ở mắt hoặc ở ngoài da."

Lòng lợn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lòng lợn được bán ở chợ

Có nên sử dụng thực phẩm (thịt lợn, thịt bò, cá, ốc...) đã bị nhiễm sán?

"Không nên dùng các sản phẩm nhiễm ấu trùng sán," TS Lê Minh Hà cho biết.

"Nếu đun chín kỹ thực phẩm thì tuy nó không gây bệnh nhưng trong thực phẩm vẫn có độc tố do ấu trùng tiết ra, không tốt cho hệ tiêu hóa, cũng như cơ thể con người."

"Ngoài ra, nếu loại bỏ thực phẩm cũng nên đun chín kỹ trước khi loại bỏ để diệt ấu trùng sán. Ấu trùng sán sẽ chết sau khi thực phẩm được đun sôi kỹ trong vòng vài phút. Và như vậy, khi thải loại bằng một hình thức nào đó thì cũng không gây ô nhiễm môi trường."

Các biện pháp phòng ngừa bệnh sán dây lợn

Bà Lê Minh Hà nói rằng để phòng ngừa bệnh sán dây lợn, điều quan trọng nhất là phải ăn chín uống sôi và phải rửa tay xà phòng sạch sẽ trước khi ăn.

Bà Hà lưu ý rằng việc rửa tay xà phòng trước khi ăn không phải là biện pháp nơi nào cũng thực hiện được toàn diện, ngay cả như là thành phố Hà Nội.

Cạnh đó, Tiến sỹ Lê Minh Hà nói, chúng ta cần:

  • Tẩy giun sán 6 tháng một lần đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên;
  • Không nuôi lợn thả rông và cần tiến hành tẩy giun sán cho lợn;
  • Không dùng phân người và gia súc chưa ủ đúng kỹ thuật để bón cho rau xanh và cây trồng; và
  • Cần vệ sinh môi trường sống cho người và vật nuôi

Điều trị bệnh sán dây lợn ra sao?

Sán dây lợn là bệnh có thể điều trị được.

"Với những người có kết quả dương tính với sán lợn, chúng ta nên mua thuốc tẩy sán lợn và sau vài ba tháng có thể làm xét nghiệm lại," BS Phan Đình Hiệp khuyên, "bởi vì đây là biện pháp rẻ và đơn giản."

"Ở Việt Nam thuốc có sẵn, nhưng mà không phải loại thuốc nào diệt sán cũng có thể diệt sán dây lợn."

"Với bệnh sán dây lợn (có con sán trưởng thành), có hai loại thuốc có thể dùng là Praziquantel và Niclosamide."

"Còn nếu mắc bệnh ấu trùng sán lợn thì điều trị dài ngày hơn và phức tạp hơn. Có thể dùng thuốc Praziquantel hoặc Albenzadole."

Với thể bệnh này, chỉ nên điều trị nếu có triệu chứng và nếu bắt buộc phải điều trị thì nên dùng thêm thuốc steroid, BS Phan Đình Hiệp lưu ý thêm.

Ăn chín, uống sôi và rửa tay trước khi ăn

Nguồn hình ảnh, Natthawat Jamnapa

Chụp lại hình ảnh, "Ăn chín, uống sôi và rửa tay xà phòng trước khi ăn" là biện pháp phòng ngừa đầu tiên

Xét nghiệm ELISA là gì?

Xét nghiệm ELISA là xét nghiệm tìm kháng thể của cơ thể con người kháng lại với những yếu tố kháng nguyên của con sán.

"Một số chuyên gia về ngành y tế có nói rằng, những xét nghiệm ELISA này chỉ dùng khi mà sàng lọc một số nghiên cứu khoa học hay là trong một số trường hợp mà đã có triệu chứng bệnh rõ ràng nhưng tìm chưa ra nguyên nhân," tiến sỹ Lê Minh Hà nói.

"Và sau đó sẽ kết hợp với nhiều xét nghiệm khác để khẳng định rằng người có bị nhiễm sán dây ở trong ruột hay là có nhiễm nang sán ở trong các cơ hay không."

"Tôi thấy rằng theo những thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam thì tỷ lệ nhiễm trong thời gian vừa qua ở các em ở Thuận Thành thì cũng không có gì khác so với tỉ lệ nhiễm chung của Bắc Ninh cũng như là một số tỉnh thành khác."

"Tôi cho rằng đây là một kết luận không phải là không có căn cứ khoa học. Và tôi cho rằng để có kết quả xét nghiệm đó rồi, chúng ta còn phải xem những yếu tố lâm sàng cũng như những yếu tố dịch tễ khác để kết luận xem bệnh tiến triển đến đâu. Sau đó mới có cách để phòng trị triệt để."

Việc làm xét nghiệm máu có cần thiết không?

Bác sỹ Phan Đình Hiệp nói việc xét nghiệm máu không cho biết chắc chắn có phải một người đang nhiễm sán dây lợn hay không mà chỉ mang tính bổ trợ cho các xét nghiệm khác.

Kết quả thử máu là chỉ dấu cho thấy một người "từng nhiễm hoặc đang nhiễm", nhưng thậm chí những người "đang nhiễm" khi thử máu kết quả có thể cũng không cho thấy điều đó, bác sỹ Hiệp cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông nói, người dân cần phải được giải thích rõ ràng về vấn đề này.

"Hệ thống y tế phải giải thích rõ cho bệnh nhân biết lợi ích, thiệt hại, tốn kém kinh tế, tác dụng giải đáp từ kết quả thử máu, v.v..."

"Nếu sau khi được tư vấn đầy đủ như vậy mà người dân vẫn quyết định thử máu thì cần tôn trọng quyết định đó của họ. Việc cấm họ làm xét nghiệm là chưa hợp lý."