Người dân đưa Bản Yêu Sách 8 điểm đòi quyền căn bản

RFA
2018.12.19
bieutinh11111.jpeg Hình minh họa. Người dân biểu tình ở TP Hồ Chí Minh phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu hôm 10/6/2018
AFP

100 tổ chức, cá nhân Việt Nam khởi xướng Bản Yêu sách tám điểm 2019 đòi các quyền tự do căn bản cho người dân trong nước.

Sáng ngày 19/12/2018, Bản Yêu Sách được công bố trên mạng xã hội Facebook. Bản Yêu sách tám điểm 2019 tương tự như Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam gửi tới chính quyền Pháp tại hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919.

Bản Yêu sách được Giáo sư Hoàng Dũng đăng tải, nhận định rằng hiện nay dưới sự cai trị của đảng Cộng sản các quyền căn bản đã được thể hiện trong Hiếp pháp và các hiệp tước Việt Nam tham gia, tuy nhiên "thực tế đã không được thực thi hoặc bị bóp méo, bị hạn chế tối đa khi thi hành, thậm chí thi hành trái ngược."

Tám điểm trong Bản Yêu sách được nêu ra cụ thể như sau: Thứ nhất là trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm; Cải cách căn bản nền pháp lý; Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận; Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp.

Ngoài ra, nhà nước còn phải đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về; Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hoá trường học; Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với hiến pháp. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế "đảng cử dân bầu”.

Bản yêu sách 8 điểm 2019 của người dân Việt Nam
Bản yêu sách 8 điểm 2019 của người dân Việt Nam
Courtesy FB

Những người ký tên khởi xướng Bản Yêu sách bày tỏ tin tưởng rằng, việc Nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu Sách Tám Điểm về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa nước Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, và nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang.

Các tổ chức khởi xướng Bản Yêu sách bao gồm: Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, Bauxite Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Diễn đàn Xã hội Dân sự v.v... Đây là những tổ chức dân sự độc lập không được chính quyền Việt Nam công nhận.

Bản Yêu sách 2019 cũng được những người khởi xướng kêu gọi người dân ký tên và "gây sức ép để buộc chính quyền ban hành và thực thi các luật đảm bảo những quyền hiến định, nghiêm trị bất kỳ ai hay tổ chức nào cản trở việc công dân Việt Nam thực hiện những quyền thiêng liêng đó của mình."

Những người khởi xướng Bản Yêu Sách còn đề nghị Liên Hiệp Quốc và các nước đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.