Một loạt nghị sĩ bỏ đảng Bảo thủ và Lao động Anh trong hai ngày

Heidi Allen, Sarah Wollaston và Anna Soubry

Nguồn hình ảnh, PA

Chụp lại hình ảnh, Ba nữ nghị sĩ Heidi Allen, Sarah Wollaston và Anna Soubry bỏ đảng Bảo thủ Anh để ra đứng độc lập vì mâu thuẫn quan điểm với lãnh đạo đảng này

Trong tuần này, một loạt nghị sĩ ở Anh tuyên bố bỏ hai chính đảng lớn nhất trong Quốc hội vì bất đồng quan điểm.

Hôm 20/02/2019, ba nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đang cầm quyền tuyên bố họ trở thành dân biểu độc lập vì đảng Bảo thủ 'thiên về phía hữu quá mức'.

Trong 48 giờ qua, tám nghị sĩ thuộc đảng Lao động cũng lần lượt tuyên bố bỏ đảng để phản đối chính sách của lãnh đạo, ông Jeremy Corbyn.

Ba nữ dân biểu Hạ viện thuộc đảng Bảo thủ, Anna Soubry, Sarah Wollaston và Heidi Allen gửi thư cho nữ Thủ tướng Theresa May xác nhận họ chia tay với Đảng.

Ba người này gia nhập nhóm Nghị sĩ Độc lập, cùng tám nghị sĩ từng thuộc đảng Lao động.

Chiều ngày 20/02 tại London, họ xuất hiện trong cuộc họp báo đầu tiên của nhóm Nghị sĩ Độc lập, ai cũng "cười tươi như hoa", theo bình luận của BBC News.

Heidi Allen, Anna Soubry and Sarah Wollaston j

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nụ cười của ba dân biểu độc lập sau khi bỏ đảng Bảo thủ, từ trái: Heidi Allen, Anna Soubry và Sarah Wollaston thu hút sự chú ý của báo chí

Có vẻ như nỗi day dứt phải ở trong một đảng chính trị trái với lòng mình đã không còn nữa, và những nụ cười rạng rỡ hiếm có trong chính trường Anh từ nhiều tháng qua được truyền thông đăng tải rộng rãi.

Mâu thuẫn nội bộ đảng cầm quyền ở Anh nổ ra gay gắt vì vấn đề Brexit.

Trong đảng Lao động, ngoài Brexit còn có nạn bài Do Thái.

Người mới nhất bỏ đảng Lao động là nghị sĩ Joan Ryan, người từng giữ chức thứ trưởng trong chính phủ Tony Blair.

Lao động
Chụp lại hình ảnh, Tám nghị sĩ Lao động đã bỏ đảng này vì cho là lãnh đạo đảng không giải quyết rốt ráo nạn bài Do Thái

Hôm thứ Ba, bà Joan Ryan theo chân các nghị sĩ Chuka Umunna, Mike Gapes, Luciana Berger, Ann Coffey, Angela Smith, Gavin Shuker và Chris Leslie bỏ đảng Lao động.

Vấn đề bài Do Thái trong đảng cánh tả Anh

Bà Ryan, dân biểu đại diện cho hạt Enfield North nói bà kinh sợ trước hành vi của đảng Lao động không giải quyết được nạn bài Do Thái trong nội bộ.

Bà Luciana Berger, người Do Thái, là dân biểu cho hạt cử tri Liverpool và Wavertree từ 2010.

Bà từng công khai phê phán cách đảng Lao động xử lý những tố giác rằng ban lãnh đạo của đảng này không thẳng thắn với thái độ kỳ thị và bài Do Thái.

Hồi 2016, ông Corbyn phải cho mở cuộc điều tra độc lập về nạn bài Do Thái trong đảng Lao động sau khi đã khai trừ dân biểu Naz Shah và Ken Livingstone.

Giới chỉ trích nói lãnh đạo cao nhất của Lao động, ông Jeremy Corbyn, một người cựu Marxist, từng gọi các nhóm Hamas và Hezbollah ở Trung Đông là 'bạn bè'.

Sau này, ông Corbyn có bày tỏ ông "lấy làm tiếc" là đã dùng từ "bạn bè" để chỉ hai tổ chức tuyên thệ tiêu diệt nhà nước Israel và người Do Thái.

Joan Ryan
Chụp lại hình ảnh, Bà Joan Ryan từng là chủ tịch nhóm Bạn Israel trong đảng Lao động Anh

Ông Corbyn cũng không lên án đủ mạnh một số nhân vật trong đảng Lao động Anh có tiếng nói phân biệt người Do Thái.

Về phía đảng Bảo thủ, có tin một số dân biểu khác "thất vọng với chính sách Brexit của chính phủ Theresa May" sẽ có thể bỏ đảng này, theo làn sóng đang diễn ra.

Anh Quốc hiện vẫn chưa có lối ra cho khủng hoảng xung quanh Brexit trước hạn 'chia tay EU' ngày 29/03/2019.

Dân biểu có quyền gì?

Theo luật bầu cử Anh, một dân biểu có thể ra ứng cử độc lập hoặc theo danh sách của đảng chính trị nào đó.

Nhưng khi đã vào nghị viện, trách nhiệm đầu tiên của họ là lo cho việc của cử tri mà họ làm đại diện.

Họ có thể bỏ đảng chính trị của mình, đổi 'màu cờ sắc áo' sang đảng khác, hoặc ra đứng độc lập, và vẫn làm nghị sĩ.

Nhưng tới kỳ bầu cử tiếp theo, dân biểu đó nếu tái tranh cử, sẽ không còn được đại diện cho đảng mà họ đã bỏ, trừ khi họ xin gia nhập lại.

Trong hệ thống chính trị Anh, đảng viên không có đặc quyền gì so với người dân, và các quan chức của một đảng cầm quyền cũng không nhận ưu tiên nhà cửa, lương bổng gì từ chính quyền.

Nếu làm dân biểu cấp hội đồng thành phố hay Quốc hội, họ được ăn lương theo đúng nhiệm kỳ.

Nghị sĩ Hạ viện Anh nhận khoản lương năm là 77 nghìn bảng, nhỉnh hơn lương lái tàu hỏa khu vực Đông Nam nước Anh (75 nghìn), nhưng họ được quyền tuyển nhân viên vào văn phòng dân biểu mà chính quyền chi trả.