Chiến dịch Giờ Trái Đất có giúp tiết kiệm điện tại Việt Nam năm 2019?

RFA
2019.03.22
000_1352PW.jpg Ảnh minh họa.
AFP

Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2019 tại Việt Nam sẽ được diễn vào ngày 30/3, dự kiến thu hút rất đông số lượng người tham gia tại các thành phố lớn trên cả nước. Nhiều hoạt động hành lang trước chiến dịch đã được tổ chức rầm rộ nhằm truyền bá thông điệp bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng đến cho mọi người.

Một số các hoạt động như đạp xe trên đường phố kêu gọi cư dân tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết hay các tình nguyện viên đứng tại các ngã tư các quận huyện để kêu gọi những người đi xe máy dừng đèn dỏ tắt động cơ để giảm tiêu thụ nhiên liệu và chất thải. Tất cả mọi hoạt động đều nhằm hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất toàn cầu.

Sự kiện này thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên, nhiều doanh nghiệp và tổ chức cùng tham gia và hưởng ứng phong trào kêu gọi hãy cùng nhau tắt điện trong 1 giờ đồng hồ.

Một bạn trẻ tại Hà Nội cho chúng tôi biết chương trình này nó thật sự có ý nghĩa đến cộng đồng.

Giờ Trái Đất nó cũng là một giải pháp để tiết kiệm được một phần nào đấy trong cái khung giờ nhất định nhưng thật sự ý nghĩa của nó là nâng cao nhận thức của mọi người về việc sử dụng điện một cách tiết kiệm hơn chứ không chỉ trong giờ Trái Đất.
- Bạn sinh viên

“Theo tôi nghĩ thì giờ trái đất rất là ý nghĩa và thiết thực nó giúp chúng ta nhận thức được việc sử dụng tiết kiệm điện, năng lượng nguồn nước…. Tôi nghĩ là nó cũng giảm tải được một phần bởi vì trong thời gian một giờ trái đất mọi người sẽ tắt hết các thiết bị điện không cần thiết đi nó sẽ giảm tải được phần nào cho nguồn điện quốc gia. Theo tôi nghĩ một giờ là chưa đủ chúng ta cần nâng cao chương trình này hơn nữa.”

Một bạn nam khác hiện đang là sinh viên kiến trúc tại Hà Nội nói với chúng tôi rằng chương trình này tại Việt Nam chỉ là giải pháp để tiết kiệm phần nào thôi, nhưng quan trọng là nâng cao nhận thức của mọi người về việc sử dụng năng lượng như thế nào, chứ trong 1 giờ thì không thể nói lên điều gì.

“Chương trình giờ Trái Đất tôi thấy nó cũng là một giải pháp để tiết kiệm được một phần nào đấy trong cái khung giờ nhất định nhưng thật sự ý nghĩa của nó là nâng cao nhận thức của mọi người về việc sử dụng điện một cách tiết kiệm hơn chứ không chỉ trong giờ Trái Đất mà là quanh năm suốt tháng về lâu về dài và tôi cũng có tham gia chương trình giờ Trái Đất này rồi.”

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương hiện Việt Nam có tỉ lệ điện dùng cho ánh sáng trong sinh hoạt chiếm tỉ lệ 41,7%, cao hơn nhiều so với các nước khác, như Hàn Quốc 14.4%, Đài Loan 21.7%, Thái Lan 22%...

Một con số thống kê của tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, chương trình Giờ Trái Đất 2018 sau 1 giờ tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện, hệ thống điện quốc gia ghi nhận cả nước đã tiết kiệm được 485.000 kWh, tương đương 834 triệu đồng.

Chúng tôi liên lạc với Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một nhà hoạt động xã hội và cũng là một trong năm đại sứ đại diện cho chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay tại Việt Nam cho biết, hiện nay đa số mọi người nghĩ đến giờ Trái Đất thì chỉ nghĩ đến chuyện tắt đèn tiết kiệm điện thì theo tôi đấy chỉ là một phần rất nhỏ của những việc phải làm, ông đưa ra một ví dụ:

“Ví dụ minh nghĩ đến chuyện là làm sao dịch chuyển được cái nguồn năng lượng điện như nhiệt điện, thủy điện sang nguồn năng lượng tái tạo đó là việc rất là quan trọng. Rồi mình không tiêu dùng nhiều rồi hạn chế đi lại hạn chế mua sắm và tăng hiệu quả sử dụng điện qua những cái loại dụng cụ điện mới hơn và những nhà máy sản xuất phải sử dụng công nghệ mới hơn để sử dụng hiệu quả điện hơn thì tất cả những cái đó nó cần thiết hơn, quan trọng hơn là việc tắt đèn trong 1 tiếng đồng hồ của một ngày nào đấy.”

Một số dư luận đặt vấn đề cho rằng, vậy hiệu quả kinh tế mang lại như thế nào trong 1 giờ tắt điện.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng tính hiệu quả như thế nào thì đó là điều không cần thiết vì giảm thiểu được bao nhiêu thì nó cũng chỉ là con số nhỏ so với toàn bộ nền kinh tế.

Chương trình Giờ Trái Đất 2014 tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Chương trình Giờ Trái Đất 2014 tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
AFP

“Cái quan trọng là người ta lưu ý đến hành vi sinh hoạt của mình hay những câu chuyện mang tính chính sách vận động và giảm thiểu nhiệt điện và phải gây sức ép lên nhà nước là phải làm sao phải có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nó hiện đại hơn và hợp lý hơn, còn không sử dụng năng lượng tái tạo mà vẫn tiếp tục sử dụng xu hướng sử dụng nhiệt điện như hiện nay thì tôi thật sự rất là lo ngại cho tương lai của Việt Nam.”

Ông Huỳnh Kim Tước, từng là giám đốc Trung Tâm Tiết kiệm Năng lượng thành phố Hồ Chí Minh trước đây có nói với RFA rằng, 90% người dân Việt Nam có hiểu biết cơ bản về cần tiết kiệm điện năng nhưng các vấn đề chỉ tập trung vào những giải pháp đơn giản liên quan đến mọi sinh hoạt đời sống hằng ngày mà thôi chứ chưa đi tới những kỹ năng cao hơn cho đời sống xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, nhà hoạt động môi trường và là chủ nhiệm câu lạc bộ Rừng Gọi tại Nam Cát Tiên, chia sẻ

“Cái này nó nằm sâu ở trong tiềm thức và ý thức của người dân Việt chúng ta, đó là tình trạng cha chung không ai khóc, điều này rất là đáng buồn. Nó có liên quan đến vấn đề sâu thẩm là ý thức hệ thông qua vấn đề giáo dục của chúng ta. Hiện nay chúng ta đang thiếu mảng giáo dục thực hành và chúng ta cần thay đổi nền tảng gốc là nền tảng giáo dục.”

Đồng ý với điều này Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho hay,

“Một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam hiện nay là trong trường học không có một sự giáo dục thật sự đúng mức cho cái việc tiết kiệm điện, việc tương lai của Việt Nam, việc biến đổi khí hậu cho nên ý thức của các gia đình, của trẻ em và phu huynh trong chuyện tiết kiệm như thế nào thì nó còn rất là thấp và đấy là một điểm mà chúng ta càng không lưu ý đến bây giờ thì cái hậu quả của nó, tác hại của nó trong tương lai rất là lớn. Chúng ta nên gấp rút và quyết liệt đưa chương trình này vào trường học càng sớm càng tốt.”

Đồng thời tiến sĩ cho chia sẻ thêm rằng đối với hoạt động chiến dịch Giờ Trái Đất tại Việt Nam các hoạt động mang tính truyền thông là điều cần thiết nhưng ông cho rằng Việt nam cần chú ý hơn đến các hoạt động  chất lượng hơn như những buổi làm việc, trao đổi với các trường học hay gặp gỡ người dân để mọi người có thể hiểu được tầm quan trọng của chiến dịch năng lượng của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.