Bắt hiệu trưởng Đinh Bằng My: Phú Thọ sốc vì xâm hại trẻ

  • Thùy Linh
  • BBC Tiếng Việt
Xã hội chưa nhận thức được rằng trẻ em nam cũng có thể bị xâm hại tình dục?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Xã hội chưa nhận thức được rằng trẻ em nam cũng có thể bị xâm hại tình dục?

Vụ nhiều nam sinh tố một hiệu trưởng trường học ở miền Bắc Việt Nam về tình trạng xâm hại tình dục kéo dài trong nhiều năm đang gây rúng động dư luận và xã hội.

Hôm 15/12, công an huyện Thanh Sơn, Phú Thọ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đinh Bằng Mỹ, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn để điều tra hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Trước đó, VTV24 đã có một cuộc điều tra phản ánh nhiều học sinh nam tố vị hiệu trưởng đã có hành vi lạm dụng tình dục trong nhiều năm.

Ông Mỹ lúc đó hoàn toàn phủ nhận thông tin tố cáo: "Tôi không hiểu tại sao lại có thông tin này. Với môi trường nội trú chúng tôi coi các em học sinh như con em của mình thì không bao giờ có chuyện đó xảy ra".

Nhưng khi công an đến đọc lệnh bắt giữ thì ông My đã "nói lời xin lỗi tới toàn thể giáo viên và học sinh trong trường", theo báo Vietnamnet.

Vụ việc gây bức xúc trong dư luận sau khi nghe các em nam sinh mô tả những hành động bị ép làm để phục vụ nhu cầu tình dục của hiệu trưởng.

Bất ngờ hơn, trước đó vài tháng, ông Đinh Bằng My là người trên bục rao giảng với các em học sinh về "Tuyên truyền, phòng chống xâm hại trẻ em".

Chuyên gia khuyên phụ huynh nên trò chuyện với trẻ hàng ngày để hiểu rõ cuộc sống trường lớp để sớm nhận ra các dấu hiệu bất thường

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chuyên gia khuyên phụ huynh nên trò chuyện với trẻ hàng ngày để hiểu rõ cuộc sống trường lớp để sớm nhận ra các dấu hiệu bất thường (Hình minh họa)

Nhiều vụ việc xâm hại rúng động trong 2018

Vụ việc tại trường PT dân tộc nội trú Thanh Sơn không phải là một vụ việc hi hữu mà là một trong nhiều vụ việc xâm hại tình dục học đường gây rúng động xã hội trong năm 2018.

Hồi tháng 6, Nguyễn Đình Lê, một giáo viên 44 tuổi công tác tại trường Tiểu học xã An Thượng A, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội bị tuyên án 6 năm tù giam, cấm hành nghề 5 năm sau khi có hành vi dâm ô, không nhằm mục đích giao cấu với bảy học sinh nữ lớp ba của trường.

Vào tháng 11, một thầy giáo khác ở Quảng Nam bị tuyên án 24 năm tù giam vì tội Dâm ô trẻ em và Hiếp dâm trẻ em. Nguyễn Quang Chung, 49 tuổi đã nhiều lần gọi ba học sinh tiểu học trường Zơ Nông, thị trấn Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam để xâm hại.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lần đầu tiên lên tiếng về vụ việc xâm hại nam sinh vào hôm 17/12. Ông cho rằng "cần phải lên án và có thái độ rõ ràng, pháp luật xử lý nghiêm, nhưng quan trọng hơn là phải đi từ gốc, chứ xử lý chỉ là phần ngọn," theo báo Thanh Niên.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA)

Nguồn hình ảnh, Facebook/Nguyễn Vân Anh

Chụp lại hình ảnh, Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA)

Ông Nhạ được dẫn lời nói, vụ việc ở Phú Thọ là một "bài học rất sâu sắc để đẩy mạnh việc phòng ngừa từ gốc cho chính học sinh. Nếu không phòng ngừa từ gốc thì đến một lúc nào đó, sẽ có những vụ việc tương tự 'bục' ra."

Ông cho biết Bộ GD-ĐT đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại.

Trường học là nơi 'nguy hiểm cho trẻ'

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), nói rằng vụ việc xâm hại tình dục xảy ra tại trường học nội trú ở Phú Thọ là nghiêm trọng nhưng "không quá ngạc nhiên" với bà, người đã làm công việc tư vấn cho các nạn nhân xâm hại tình dục suốt 20 năm qua.

"Mọi người ở đây có vẻ sốc vì mọi người thấy các cháu bị xâm hại là trẻ em nam. Nó nói lên rằng hầu hết mọi người cho rằng trẻ em nam không bị xâm hại."

(Hình minh họa)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhiều nam sinh ở trường TP Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn là các em xuất thân từ gia đình nghèo, đi học xa nhà. (Hình minh họa)

"Mọi người cần phải hiểu rằng cả trẻ em nam lẫn trẻ em nữ đều có khả năng bị xâm hại."

Trong nghiên cứu trước đây của CSAGA, bà Vân Anh cho biết, trên ba tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, TP HCM thì có ra tỷ lệ là mười mấy phần trăm các em đã bị xâm hại tình dục, có em bị tới 14 lần ở cấp hai.

"Tôi nhận ra khu vực trường học là một khu vực đầy nguy hiểm cho trẻ em".

"Mọi người cứ ào lên về một vụ việc nào đó nhuưng lại không có yêu cầu một cách quyết liệt đối với người đứng đầu của ngành giáo dục, là anh cần phải có một chính sách, một sự quan tâm đúng mức."

"Chứ không phải đến lúc này thì anh mới kêu rằng đây là một bài học. Vấn đề bây giờ là sau bài học này thì anh phải làm gì đó để thay đổi."

"Vì những vụ như thế này đã xảy ra quá nhiều rồi. Có những bảo vệ trường nội trú xâm hại đến 30 cháu mới bị phát hiện, có thầy giáo thể dục xâm hại đến 20 cháu rồi mới bị phát hiện. Có nghĩa là chúng ta để tình trạng nó xảy ra rất trầm trọng rồi mới phát hiện."

Bà Vân Anh khuyên rằng phụ huynh cần hướng dẫn kỹ lưỡng cho con khi bắt đầu dạy trẻ mặc đồ lót, như ai là người có quyền được đụng vào vùng kín của trẻ. Thêm vào đó, phụ huynh nên trò chuyện hàng ngày để hiểu tình hình ở trường lớp.

Giáo viên cũng cần có trách nhiệm hơn, thay vì coi chuyện tình dục là chuyện cá nhân, và chỉ quan tâm đến thành tích của nhà trường mà không quan tâm đến sự an toàn, đời sống tình cảm của học sinh.

Một câu chuyện được trưng bày tại triển lãm "Phơi những Vết thương hở miệng" của CSAGA kéo tài từ 17/12-30/12

Nguồn hình ảnh, FACEBOOK/CSAGA

Chụp lại hình ảnh, Một câu chuyện được trưng bày tại triển lãm "Phơi những Vết thương hở miệng" của CSAGA kéo dài từ 17/12-30/12

Về giải pháp mang tính hệ thống, bà cho rằng nhà nước và nhà trường cần phải phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ cập kiến thức về tình dục và bạo lực tình dục.

Đồng thời các cơ quan hành pháp, tư pháp và các tổ chức liên quan cần được đào tạo kỹ năng tiếp xúc nạn nhân bị xâm hại, vì hầu hết các cán bộ đều có kiến thức hạn hẹp, đôi khi có những cách điều tra thiếu nhạy cảm, xúc phạm tổn thương nạn nhân.

Theo bà, tổng đài 111, Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em đang tiếp nhận và xử lý khá tốt các vụ việc. Còn lại các tổ chức độc lập như CSAGA hỗ trợ được phần nào nhưng nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế.