Cuộc chiến 1979: Mạc Ngôn nhìn người Trung Quốc như nạn nhân

  • Nguyễn An Nam
  • Viết từ Sài Gòn
Nhà văn Mạc Ngôn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhà văn Mạc Ngôn

Lịch sử cuộc chiến chống Trung Quốc xâm phạm biên giới phía Bắc năm 1979 được báo chí, sách vở chính thống nhắc lại khá đậm và tổng lực, sau 40 năm. Nhưng lịch sử chính trị, tư tưởng hay nói khác đi, bản chất, nguyên nhân thúc đẩy sâu xa của cuộc chiến ấy vẫn là một "làn ranh đỏ" mà hệ thống thông tin chính thống Việt Nam chưa thể vượt qua.

Hạn mức và ý nghĩa của sự "được nói" vẫn là thứ mà chúng ta cần suy nghĩ.

Bài viết này không tô đậm thêm chiến dịch truyền thông về cuộc chiến đang rất ồ ạt, cũng không có tham vọng bóc tách về những nguyên nhân phía sau cuộc chiến, mà đưa ra một góc nhìn khác. Góc nhìn từ phía bên kia, qua hai tác phẩm văn học của Mạc Ngôn (Nobel Văn học 2012).

Tranh cãi

Năm 2008, Công ty sách Phương Nam & NXB Văn học ấn hành cuốn Ma chiến hữu (tựa gốc: Chiến hữu trùng phùng) của Mạc Ngôn. Cuốn tiểu thuyết này ban đầu không gây chú ý bằng những cuốn đồ sộ khác của Mạc Ngôn đã từng được dịch sang tiếng Việt như: Đàn hương hình, Báu vật của đời hay Cao lương đỏ... Thế nhưng, sau khi phát hành phiên bản tiếng Việt chừng một năm, Ma chiến hữu trở thành cuốn sách nóng bỏng, được độc giả lùng mua khi có những "quy kết" rằng đây là sách viết về chiến tranh biên giới "được nhìn từ bên kia"; ca ngợi lý tưởng anh hùng của đội quân đã từng đi xâm lược Việt Nam sao lại xuất bản tại Việt Nam (trong khi đó, những gì cần biết về chiến tranh biên giới còn chưa được phép nói rõ ngay cả trong các sách lịch sử giáo khoa chính thống).

Ma chiến hữu là lời kể của những hồn ma binh lính Trung Quốc chết trận trong cuộc chiến xâm lược vùng biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979. Một cuộc chiến ngắn nhưng nhiều tổn thất cho phía Trung Quốc; để lại nhiều tổn thương cho những thường dân bị bần cùng hóa, bước vào cuộc chiến với mong muốn đổi thay số phận, vị thế chính trị trong xã hội. Mạc Ngôn đưa ra bức tranh đời sống và chọn lựa của những người thuộc tầng lớp trung, tiểu nông đi vào chiến trận, điển hình là nhân vật Tiền Anh Hào.

Pháo TQ

Nguồn hình ảnh, Sovfoto

Chụp lại hình ảnh,

Pháo binh Trung Quốc xạ kích sang Việt Nam - ảnh chụp năm 1984

Tiền Anh Hào là một trong nhiều hồn ma thất thểu trở về làng cũ, gặp đồng đội xưa để kể về những mối oan khuất, sự tức tưởi vì bị phản bội.

Trong cuốn tiểu thuyết bán tự truyện này, Mạc Ngôn vẽ ra con đường những người dân bị bần cùng hóa ở Trung Quốc bước vào cuộc chiến như con đường duy nhất thay đổi số phận bản thân và gia đình. Trong tiểu thuyết có đoạn mô tả một đêm văn nghệ trung tâm quân dự bị được ông mô tả với giọng quyến rũ của Ngưu Lệ Phương, người dẫn chương trình: "Các chiến sĩ mới! Các đồng chí vứt cày vứt cuốc để tham gia vào giải phóng quân, mặc quân phục xanh, đến với đội ngũ cách mạng, cầm lấy cây súng cách mạng, hai bên vai các đồng chí là quân hàm màu đỏ, mũ các đồng chí đội sao vàng rực rỡ…"

Những lời kêu gọi ấy, huyễn tưởng anh hùng cùng khát vọng thay đổi đẳng cấp xã hội khiến những nông dân cục mịch có thể ra trận. Nghi thức ra trận của họ thật giản đơn: chạy ù đi mua hai cân thịt chó, mua hai chai rượu trắng ra bờ sông uống mừng cùng nhau sau khi có giấy gọi nhập ngũ. Và những gì họ trải qua ở chiến trường là cái chết, thịt nát xương tan và hận thù nối hận thù: "Trong chớp mắt khi Tiền Anh Hào bị đạn pháo bắn trúng, máu thịt bay lên trời, một cảm giác cực kỳ đáng sợ thoáng hiện trong đầu óc tôi: Máu thịt mà quần áo Tiền Anh Hào văng tứ tung trong núi rừng hoang vắng ở phương nam xa xôi chính là lông vũ và máu thịt của con nhạn tại bờ sông quê nhà. Đương nhiên cảm giác này chỉ thoáng qua rất nhanh, ngay lập tức biến mất. Cậu ta chết, tôi như bị môn ngàn mũi tên xuyên thấu vào tim mình. Cái chết của thằng bạn chí cốt đã khiến tôi phẫn nộ, tôi căm thù cái kẻ đã bắn chết bạn tôi".

Chiến tranh 1979

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một cuộc tưởng niệm cuộc chiến Biên giới 1979 của người dân Việt Nam

Và cuốn sách khép lại bằng những "bài vở" tuyên truyền hòa bình hữu nghị của hai quốc gia "anh em láng giềng núi liền núi sông liền sông" mở cửa biên giới; với một thông điệp có màu sắc AQ (phép thắng lợi tinh thần, theo ẩn dụ của Lỗ Tấn), khiến những hồn ma chết trận trong cuộc chiến hôm qua không khỏi day dứt: "Chúng ta là quân nhân, thiên chức của chúng ta là phục tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng thay đổi, quan hệ giữa các nước với nhau cũng không ngừng thay đổi. Ngày ấy, chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mới có được hòa bình hôm nay.

Nhân dân không có oán thù gì với nhau, chiến tranh và hòa bình đều là biểu hiện của tình hình chính trị. Chúng ta hy sinh là vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng là vinh quang, tương lai vẫn cứ vinh quang. Bất kỳ một sự hoài nghi nào về sự vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng!".

Công cụ

Những hồn ma vất vưởng trên miền đất quê hương, bởi khi sống, họ là công cụ trong tay kẻ khác, khi chết đi một cách vô nghĩa, linh hồn họ vẫn tiếp tục bị chính cỗ máy chính trị ấy diễn dịch và lợi dụng. Điều này cũng được Mạc Ngôn trần tình trong cuốn tự truyện có tựa là Biến (Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành, 2014).

Trong Biến, Mạc Ngôn viết ở điểm nhìn trong cuộc, làm rõ hơn tâm lý của những dân tiểu nông, trung nông tìm kiếm sự thay đổi địa vị chính trị trong xã hội qua cuộc chiến: "Năm 1979, đối với đất nước hay cá nhân tôi, cũng đều là một năm hết sức quan trọng. Trước tiên là ngày 17 tháng Hai, cuộc chiến với Việt Nam bùng nổ. Hai trăm nghìn quân từ hai tuyến Quảng Tây và Vân Nam tràn vào biên giới Việt Nam. Các đồng đội nhập ngũ cùng đợt với chúng tôi rất nhiều người đã ra tiền tuyến. Ở sâu thẳm trong lòng, tôi rất ngưỡng mộ họ. Tôi hy vọng vọng mình cũng có cơ hội như thế, ra chiến trường làm anh hùng, có thể lập công, khi trở về được đề bạt làm cán bộ, dẫu hy sinh cũng kiếm được cho bố mẹ ở quê cái danh gia đình liệt sĩ, thay đổi địa vị chính trị của gia đình, coi như không uổng công họ sinh ra và nuôi dưỡng tôi. Kỳ thực, không chỉ mình tôi có suy nghĩ này. Suy nghĩ này rất đơn giản, rất ấu trĩ nhưng đích thực là một thứ tâm lý biến dạng của đám con cháu nhà trung nông bị áp bức chính trị như chúng tôi."

Và ông Mạc Ngôn cũng nhận ra chính trong cuộc chiến khát máu do lủng củng giữa những thế lực cùng đảng phái chính trị gây ra, nhiều binh sĩ Trung Quốc bị cuốn vào với tâm lý "sống trong uất ức, thà rằng chết oanh liệt còn hơn". Nhưng cũng chính ở đây, cũng nói lên sự hạn chế về tầm vóc tư tưởng của một nhà văn từng nhận giải Nobel: thay vì đủ khí chất nhìn thẳng vào bản chất phi nghĩa của chiến tranh, của thứ triết lý đã khởi sinh, điều khiển, diễn dịch cuộc chiến đặt trên xương máu dân lành, sự rẻ mạt sinh mệnh con người, thì ông chỉ dừng lại ở mức độ giải thích động cơ tham chiến, vết thương của sự bội tín với một niềm cảm thông và sẻ chia với binh lính Trung Quốc trong vai đồng đội của họ, như một kiểu văn học vết thương không hơn không kém.

Vì những tình tự riêng có màu sắc dân tộc tính, với phương pháp văn chương minh họa đặc thù hiện thực xã hội chủ nghĩa, Mạc Ngôn không đủ sức đứng cao hơn cuộc chiến. Và đáng tiếc, với khuôn khổ của một nhà văn từng trưởng thành, thích ứng tốt dưới thời Mao, ông đã cho thấy sự hạn chế tư tưởng khi đề cập đến cuộc chiến mà dân tộc ông cũng là nạn nhân của thứ chủ nghĩa lưu đày và công cụ hóa con người.