Biểu tình Hong Kong: Việt Nam cần luật biểu tình?

  • Quốc Phương
  • BBC Tiếng Việt
Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh sát Hong Kong dùng hơi cay ngăn chặn những người biểu tình hôm 12/6/2019

Cuộc biểu tình với con số lên tới cả triệu người ở Hong Kong phản đối lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi từ vùng lãnh thổ này về Trung Quốc có thể sẽ gây tác động lớn đối với chính quyền ở Trung Hoa lục địa, một nhà quan sát từ Việt Nam nói với BBC hôm thứ Tư.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 12/6/2019 từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu sỹ quan trong quân đội Việt Nam từng đảm nhiệm việc nghiên cứu Trung Quốc, nêu bình luận về biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong:

"Cuộc biểu tình ở Hong Kong này tôi theo dõi rất sát sao và tôi rất vui mừng là vì trước hết về mặt số lượng, con số rất là lớn so với tỉ lệ của người dân ở Hong Kong. Bởi vì như trên báo chí nói, Hong Kong có bảy triệu người, mà cuộc biểu tình này đã đến một triệu, tức là một trên bảy.

"Tôi nghĩ, nếu như ở Việt Nam nơi có trên 90 triệu người, mà lại có một trên bảy, thì nó là một con số hết sức lớn và tôi nghĩ là nếu như thế thì không ai có thể đối phó được đối với cuộc biểu tình lớn như thế.

"Ở Hong Kong thì mọi đều nhận xét là vì nó đã được hưởng không khí và luật lệ cởi mở khi Hong Kong là thuộc địa của Anh, nên bây giờ nó mới có thể bật lên nhanh như thế."

Tác động ngược Bắc Kinh?

Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh sát Hong Kong đương đầu với cuộc biểu tình có tới cả triệu người tham gia trên đường phố

Khi được hỏi liệu cuộc biểu tình quy mô lớn lần này của người dân Hong Kong sẽ có tác động hay không tới chính quyền Trung ương Trung Quốc, nhà văn Nguyên Bình, con gái của cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc - Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nói:

"Tôi nghĩ phải tác động rất lớn bởi vì vừa rồi theo kết quả mới đây thì chính những người cai trị của Hoa Lục được cử đến Hong Kong để cai trị Hong Kong đã phải chấp nhận hoãn dự luật về dẫn độ. Thế tức là nó đã có tác dụng rất lớn ở Hong Kong.

"Và như thế tiếng dội sẽ phải dội đến Đại lục, là vì ở Đại lục nhiều nơi cũng đã có các cuộc biểu tình lẻ tẻ mấy năm nay, thí dụ như là cựu chiến binh hay là nông dân, rất nhiều nơi cũng đã biểu tình, nhưng cũng chỉ là biểu tình mà chưa thu được kết quả tốt cho Hong Kong như bây giờ, mặc dù đã biết rằng Bắc Kinh có hệ thống thông tin riêng trên mạng...

"Nhưng tôi tin là Trung Quốc ở Đại lục, người ta sẽ tìm cách để biết được thông tin ấy, không thể nào mà không rúng động đến những nhà thống trị ở Bắc Kinh, cũng không thể nào không rúng động đến tâm lý của người dân ở bên Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc bây giờ cũng giống như lò lửa sôi sục, đang sóng gió về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung của Tổng thống Trump, thì làm sao mà lại không ảnh hưởng được?"

So sánh với tình hình Việt Nam, nơi từng diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật ba đặc khu mà sau đó Quốc hội Việt Nam đã phải hoãn thông qua, nhà quan sát từ Hà Nội nói thêm:

"Tất nhiên là so sánh rất nhiều, mấy hôm nay trên mạng Facebook đang sôi lên sùng sục và có bao nhiêu ý kiến đưa tin, theo dõi và ai cũng mơ ước là Việt Nam sẽ có một cuộc như thế và thực ra chúng ta đã có thành công. Tức là đã làm cho nhà nước Việt Nam phải hoãn lại thông qua Luật Đặc khu. Tất nhiên mọi người cũng biết là họ hoãn như vậy, nhưng họ sẽ tìm cách để lách luật.

Nhà văn Nguyên Bình

Nguồn hình ảnh, BBC News Tiếng Việt

Chụp lại hình ảnh,

Nhà văn Nguyên Bình từng làm việc ở bộ phận nghiên cứu Trung Quốc trong Quân đội miền Bắc Việt Nam

"Vừa rồi có tin nói ban lãnh đạo Việt Nam sẽ không làm luật ba đặc khu mà làm luật về các đặc khu nói chung, tức là họ cũng đang luồn lách và nhất là vụ mà người dân bây giờ đang sôi sục về vụ đường cao tốc Bắc Nam có vẻ định giao cho nhà thầu Trung Quốc làm.

"Có một tin mới nhất là có 180 nghệ sỹ, diễn viên có tên tuổi trong làng văn hóa, những người thuộc dạng chính thống của nhà nước, cũng đã có một kiến nghị để mà đề nghị không để cho Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam. Thế nhưng khả năng xảy ra biểu tình thì tôi nghĩ rằng chưa có, thế còn khi nào nó bức xúc quá, thì không ai có thể chỉ huy, không ai kêu gọi gì cả, thì nó sẽ bật lên biểu tình như là cuộc biểu tình về luật các đặc khu năm 2018."

Sẽ cần luật biểu tình?

Nhân dịp này, nhà văn Nguyên Bình cũng đề cập sự cần thiết có một đạo luật về Biểu tình ở Việt Nam, bà bình luận:

"Tôi vẫn nói biểu tình là thứ mà những nhà cầm quyền độc tài sợ nhất. Bởi vì cái ấy mới tác động đến rất nhiều người và tác động trong nước, thế giới rất là mạnh, còn bây giờ cũng có nhiều người phản kháng, viết lên trên mạng này nọ, nhưng nó cũng chỉ loanh quanh ở trong mạng thôi. Còn khi đã nổ ra cuộc biểu tình thì nó cuốn rất là nhiều người.

"Một là nó thông báo cho rất nhiều người biết, hai có lẽ là tự nhiên cuộc biểu tình đó sẽ nở ra và sẽ lôi cuốn kể cả những người không quan tâm lắm đến chính trị, người ta vẫn bị lôi cuốn. Nhưng mà vì thế cho nên nhà cầm quyền cứ khất lần năm này sang năm khác, không ra được luật biểu tình.

"Ngay chính một anh Công an ở phường ở chỗ tôi sinh sống cũng bảo là: "Bây giờ không có Luật Biểu tình thì chúng cháu khổ lắm!" Tại vì là không biết khi nào có biểu tình và biểu tình sẽ có quy mô như thế nào, cứ chạy đôn chạy đáo, sợ hãi và cứ lo lắng, căng thẳng mỗi khi đất nước có một sự kiện gì lớn.

Hong Kong

Nguồn hình ảnh, BBC/Google

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh bản đồ do Google thực hiện chỉ ra các khu vực biểu tình ở Hong Kong với màu vàng là người biểu tình và màu xanh là cảnh sát đồn trú

"Thế thì chẳng thà là có Luật Biểu tình đi để người ta báo là chúng tôi biểu tình ở quy mô này, ở địa điểm này và mục tiêu biểu tình để phản đối cái gì, để đòi cái gì. Thế thì nó rõ ra, thì giữ được trật tự an ninh.

"Thế nhưng những người cầm quyền cấp cao nhất lại rất sợ, họ cứ sợ rằng biểu tình ở việc này, ở mục tiêu này nó lại chuyển sang mục tiêu khác, họ sợ nhất là biểu tình trở thành một cơn bão táp lật đổ họ.

"Cho nên cứ trì hoãn mãi, không ra được luật biểu tình," nhà quan sát nói với BBC Tiếng Việt hôm 12/6.

Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Một người biểu tình cầm dù vàng ở Hong Kong hôm 12/6/2019

Tin cho hay, cảnh sát Hong Kong đã bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào người biểu tình ở Hong Kong, nơi sự tức giận về luật dẫn độ trong dân chúng đã chuyển thành bạo lực hôm thứ Tư.

Người biểu tình chặn những ngả đường chính xung quanh các tòa nhà chính phủ và ném gạch đá và các vật thể vào cảnh sát.

Chính phủ Hong Kong vẫn đang tiếp tục thúc đẩy đạo luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc. Dự luật này dự kiến sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 20/6.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với truyền thông rằng đã có các thế lực nước ngoài đứng đằng sau các buộc biểu tình.