Hong Kong biểu tình, ông Tập ăn bánh sinh nhật Putin tặng

Putin

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bánh kem, đào và rượu vang mừng sinh nhật 66 của Chủ tịch TQ ở Dushanbe, Tajikistan hôm 15/06. Vị khách đặc biệt tự mang bánh đến chính là Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Dù biểu tình ở Hong Kong sôi sục, đài báo Trung Quốc vẫn tỏ ra bình thường và tập trung vào tin Chủ tịch Tập thăm Tajikistan và nhận quà từ Tổng thống Putin.

Cùng thời gian, có bình luận trên báo Hong Kong rằng người dân ở đây đang đấu tranh chống một triết lý chính trị cấm đoán của Bắc Kinh, và nếu Hong Kong thất bại, Trung Quốc sẽ làm như vậy ở Đài Loan và Biển Đông.

Hôm 16/06, Chủ tịch Tập Cận Bình đã về lại Bắc Kinh sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Kyrgyzstan và Taijikistan.

Ông dự Thượng đỉnh lần thứ 5 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cơ chế ra đời từ sáng kiến của Trung Quốc nhằm tăng liên kết với Trung Á, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nhân dân Nhật báo chạy tin trang nhất về chuyến thăm và nhắc đến sự hiện diện của ông Tập tại Hội nghị CICA - Giao lưu và Xây dựng Niềm tin châu Á ở Tajikistan.

Tân Hoa Xã nhấn mạnh đến tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân mang bánh sinh nhật tới khách sạn ở Dushanbe,Tajikistan hôm 15/06 để tặng Chủ tịch Tập nhân ngày sinh 66 của ông.

Trong chuyến thăm đến Moscow gần đây, ông Tập Cận Bình gọi ông Putin là "người bạn tốt nhất".

Phát biểu của ông Tập Cận Bình, rằng "Trung Quốc sẽ không bao giờ gây hại cho ai, và không bao giờ phản bội bạn bè" tại hội nghị CICA được báo Trung Quốc đăng tải đồng loạt.

Hong Kong, China

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Phong trào biểu tình lúc lên đỉnh cao cuối tuần qua đã thu hút gần 2 triệu người

Trường kỳ chống Mỹ?

Truyền thông Trung Quốc không đề cập nhiều đến các cuộc biểu tình từ một tuần qua ở Hong Kong mà nhắc đến "cuộc chiến trường kỳ" trong thương mại với Mỹ.

Sang ngày 17/06, tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc, trong ấn bản cho Hong Kong trích lại lời một phát ngôn viên của đặc khu hành chính nhấn mạnh rằng: Chính phủ Hong Kong tôn trọng, trân quý các giá trị cơ bản đã làm nơi đây thành một xã hội văn minh, tự do, cởi mở và đa nguyên."

Hiện chưa rõ đây có phải là thông điệp được Bắc Kinh chuẩn thuận, đánh dấu một thay đổi trong cách ứng xử trước làn sóng biểu tình ồ ạt, nhưng theo chính phủ Hong Kong thì họ "có mục tiêu phục hồi ổn định càng nhanh càng tốt, tránh xảy ra thương tích cho bất cứ ai".

Cũng có bình luận rằng Trung Quốc bận tâm hơn với cuộc thương chiến Mỹ - Trung trước G20 tại Nhật Bản tháng này, khi chủ tịch Tập có cơ hội gặp TT Trump.

Một loạt báo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh và Thượng Hải đăng các bài nêu cao quyết tâm "không lùi bước", "chiến đấu đến cùng" với Mỹ.

Nhưng Trung Quốc cũng phản đối thái độ của Hoa Kỳ về Hong Kong.

Tuần qua, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập phó đại sứ Mỹ Robert Forden tới để phản đối việc Washington lên án dự luật dẫn độ Hong Kong.

Cho tới tuần trước báo chí Trung Quốc gợi ý rằng người Hong Kong "bị các thế lực nước ngoài" khuấy động.

Không chỉ chính phủ Mỹ, mà lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Quốc hội, bà Nancy Pelosi cũng đã lên tiếng nói Trung Quốc "đang làm suy yếu dân chủ ở Hong Kong".

hong kong
Chụp lại hình ảnh, Một cô gái thành kính thắp nhang tưởng nhớ người đã khuất. Một người ngã chết trong đợt biểu tình ở Hong Kong tuần qua

Tháng 5 vừa qua, bà Pelosi cũng đón bà Anson Chan, cựu thư ký Hội đồng Điều hành Hong Kong (thời Chủ tịch Đặc khu Đổng Kiến Hoa) tới thăm Mỹ.

Bà Anson Chan tuần trước lên tiếng phê phán chính quyền của bà Carrie Lam về cách đối xử với người biểu tình.

Cũng có ý kiến từ Hong Kong, của nhà báo kỳ cựu Philip Bowring nêu hướng giải thích khác, vì sao người Hong Kong biểu tình.

Theo ông Bowring, đổ cho người nước ngoài là vô lý vì "ngoại kiều luôn có thể rời đi, còn người dân Hong Kong thì không", nên họ đấu tranh là vì tương lại của mình.

Ông cũng nêu sự liên quan đến Đài Loan và Biển Đông trên tờ South China Morning Post.

"Nếu cuộc thảo luận ở Hong Kong bị cấm chỉ vì ai đó dám đặt câu hỏi về chủ quyền Trung Quốc, thì người ta mất bao lâu nữa, trước khi lệnh cấm như vậy sẽ áp dụng cho các vấn đề lớn hơn: Đài Loan, Tây Tạng, Biển Đông, và chỉ thảo luận không thôi cũng có bị cho là phản quốc và phê phán Đảng Cộng sản TQ bị coi là lật đổ?"

Còn về bà Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, tờ Sunday Times 16/06 ở Anh cho rằng bà đã "trượt tay, làm rớt trái bóng" mà Bắc Kinh ném cho.

Báo Anh cũng nói bà Lam theo Công giáo, từng học ở Cambridge, và cả chồng bà (người Hoa) và hai con đều có quốc tịch Anh.

Đi lên từ vai trò quan chức hành chính, bà đã không tỏ ra là một lãnh đạo chính trị cho Hong Kong, theo Sunday Times.

Tờ báo này tin rằng bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) "sẽ bị Bắc Kinh loại sau một thời đoạn khả dĩ để không khó coi", nhưng ai lên thay bà thì cũng chỉ "diễn thuê" cho Trung Quốc ở vai trò đó mà thôi.

Nhà hoạt động sinh viên nổi tiếng ở Hong Kong, Joshua Wong, sau khi ra tù hôm 17/6 đã kêu gọi bà Carrie Lam từ chức ngay.

Trả lời BBC News, Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) nói chính cách biện pháp cứng rắn của chính quyền "đang biến cả một thế hệ người bình thường ở Hong Kong thành bất đồng chính kiến".

Xem thêm về Biểu tình Hong Kong:

Chụp lại video, Nhà hoạt động Joshua Wong được Hong Kong trả tự do