20/01/2019 17:30 GMT+7

Giúp Lào làm thủy điện 'bền vững và thân thiện môi trường'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Là điểm nóng phát triển thủy điện ở lưu vực sông Mekong, các nhà nghiên cứu cảnh báo Lào đang đối mặt với một thảm họa thực sự, và tầm ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở mỗi quốc gia này. Giải pháp là củng chung tay.

Giúp Lào làm thủy điện bền vững và thân thiện môi trường - Ảnh 1.

Công trình thủy điện Nam Tha 1 ở tỉnh Bokeo thuộc Lào - Ảnh: CNN

Ngày 17-1, hơn 120 đại biểu thuộc các chính phủ, cơ quan và tổ chức đã tham dự kỳ họp khu vực lần thứ 2 về dự án thủy điện Pak Lay do Ủy hội Sông Mekong (MRC) tổ chức tại tỉnh Luang Prabang thuộc Lào. 

Tại đây, các bên đã đưa ra ý kiến và đề xuất giúp xây dựng dự án Pak Lay "bền vững và thân thiện môi trường hơn".

Với công suất thiết kế 770 MW, Pak Lay là đập thủy điện thứ 4 được đề xuất xây trên dòng chính thuộc hạ lưu sông Mekong, 3 đập còn lại là Xayaburi (1285 MW), Don Sahong (240 MW) và Pak Beng (912 MW).

Tổng hợp lại, kiến nghị của các chuyên gia tập trung vào 7 lĩnh vực dựa trên Báo cáo Đánh giá kỹ thuật lần 2 (TRR) của Ban thư ký MRC, bao gồm: Phù sa, thủy văn, chất lượng nước, ngư nghiệp, tác động kinh tế - xã hội, giao thông và tính an toàn.

Đáng chú ý là hầu hết các tiêu chí trên đều chưa hoàn thiện và cần phải điều chỉnh, ví dụ cổng xả phù sa cần phải lớn hơn, trong khi thiết kế hiện tại không hiệu quả trong việc tạo điều kiện cho luồng cá di cư.

"Chính phủ Lào sẵn sàng cải tiến dự án trong các khâu tái thiết kế và quản lý thích ứng khi cần thiết" - bà Phakhavanh Phissamy, đại diện cho Bộ Tài nguyên và môi trường Lào, phát biểu tại kỳ họp.

Quy trình tham vấn về dự án Pak Lay chính thức bắt đầu ngày 8-8-2018, thời điểm sau khi Chính phủ Lào thông báo cho MRC, và dự kiến kéo dài đến cuối tháng 3-2019.

Giúp Lào làm thủy điện bền vững và thân thiện môi trường - Ảnh 2.

Vị trí các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong - Đồ họa: CNN/International Rivers

Trong khi đó, theo Đài CNN (Mỹ), sau thảm họa vỡ đập công trình thủy điện trị giá tỉ đô hồi tháng 7-2018 ở tỉnh Attapeu thuộc Lào khiến ít nhất 35 người chết và hơn 7.000 người mất nhà cửa, chính phủ Lào đã hứa sẽ thẩm định lại tính an toàn của hệ thống đập đang có và tạm ngưng thông qua dự án mới. 

Một nhóm chuyên gia quốc tế được triệu tập để điều tra nguyên nhân. Nhưng cho đến nay, trong lúc quá trình điều tra đang diễn ra, hơn 50 công trình thủy điện khác vẫn tiếp tục thi công ở Lào.

Cùng với hàng trăm con đập khác nằm trong quy hoạch, các nhà môi trường đang hết sức lo lắng hệ thống sông Mekong ở Lào có thể bị hủy diệt trước tiên, cùng với sinh kế của tất cả những người sống dựa vào nó.

Dòng Mekong bị bóp nghẹt

Theo Ủy hội Sông Mekong, từ Trung Quốc kéo dài đến Việt Nam, đập thủy điện bắt đầu ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của sông Mekong và các phụ lưu của nó do cơ chế giữ nước để vận hành turbin phát điện.

Tình hình tại Lào là nghiêm trọng nhất. Nước này có 46 đập với tổng công suất tương đương 6.500 megawatt đang hoạt động trên các phụ lưu của sông Mekong. 54 đập khác đang được xây và hàng trăm dự án khác nằm chờ trong quy hoạch.

Giúp Lào làm thủy điện bền vững và thân thiện môi trường - Ảnh 3.

Sông Mekong bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng thuộc Trung Quốc với tên gọi Lan Thương - Ảnh: CNN

Đáng chú ý nhất là 11 siêu dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong với tổng công suất 10.000 megawatts đã được đề xuất, trong đó có đến 9 nằm ở Lào (2 đang trong quá trình xây dựng).

Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng năng lực sản xuất điện lên 30.000 MW trong 12 năm tới. Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, sẽ có 429 đập thủy điện xẻ ngang sông Mekong đến năm 2030.

"Nhiều dự án thủy điện, nếu được xây, sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống sông Mekong. Chúng ta sẽ chứng kiến một dòng chảy tự do bị biến thành hồ chứa nước, và nó sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với hệ sinh thái rộng hơn" - chuyên gia Maureen Harris, thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế, cảnh báo.

Mỹ, châu Âu phá đập nước

Trong khi thủy điện thi nhau mọc lên trên lưu vực sông Mekong, Amazon và sông Congo, hàng trăm đập lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ đang bị tháo dỡ, theo một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) vừa công bố.

Các nhà khoa học phát hiện hàng loạt tác hại của đập nước, bao gồm: Phá vỡ hệ sinh thái sông ngòi; gây mất rừng; làm suy giảm đa dạng sinh học; giải phóng một lượng lớn khí nhà kính; ảnh hưởng hệ thống lương thực, chất lượng nước và nông nghiệp; khiến hàng ngàn người mất nơi cư trú…

Các dự án thủy điện trên sông Mekong có thể gây ra những hậu quả đã liệt kê ở trên, theo Nghiên cứu Hội đồng 2018 của Ủy hội Sông Mekong.

Chính phủ Lào không có năng lực tài chính và kỹ thuật, do đó phần lớn đập thủy điện ở Lào được chống lưng bởi các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp, theo nhà nghiên cứu Courtney Weatherby thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ).

"Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất: Ít nhất 50 dự án, và khoảng 1/3 tổng tiềm năng sản xuất điện của Lào dựa vào dòng tiền hoặc kỹ thuật Trung Quốc" - ông Weatherby cho biết.

Lợi nhuận từ phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Mekong có thể đạt đến 160 tỉ USD đến năm 2040, nhưng thực tế Lào chỉ được hưởng 23% số này dù phần lớn dự án nằm trên lãnh thổ của họ.

Tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN hồi tháng 9-2018, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hứa hẹn sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án năng lượng tái tạo, nhưng phát triển thủy điện vẫn sẽ là "nguồn thu nhập chính" của quốc gia này.

Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong

TTO - Viện Lowy của Úc tiếp tục đánh động thế giới về mưu đồ của Trung Quốc đối với sông Mekong, đặc biệt sau khi nước này quân sự hóa xong Biển Đông. Đông Nam Á cần phải hành động trước khi quá muộn.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên