Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động Hong Kong tính chuyện lập ‘quốc hội lưu vong’


Nhà hoạt động vì dân chủ Simon Cheng một công dân Hong Kong, trước làm việc cho tòa lãnh sự Anh, hiện định cư tại Anh.
Nhà hoạt động vì dân chủ Simon Cheng một công dân Hong Kong, trước làm việc cho tòa lãnh sự Anh, hiện định cư tại Anh.

Các nhà hoạt động vì dân chủ Hong Kong đang bàn kế hoạch thành lập một quốc hội lưu vong không chính thức để giữ cho ngọn lửa dân chủ vẫn tiếp tục cháy và gởi một thông điệp cho Trung Quốc rằng tự do không thể bị bóp nghẹt, nhà vận động Simon Cheng cho Reuters biết.

Hong Kong, cựu thuộc địa Anh được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, bị chìm đắm trong nhiều tháng biểu tình bài Trung, đòi dân chủ hồi năm ngoái để phản đối sự can thiệp của Trung Quốc vào những quyền tự do mà Hong Kong đã được cam kết bảo đảm. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất đối với Bắc Kinh kể từ những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Cảnh sát Hong Kong dùng vòi rồng và hơi cay và bắt hơn 300 người hôm 1/7 khi người biểu tình đổ ra đường bất chấp luật an ninh mới mà Trung Quốc ban hành hòng dẹp tan bất đồng chính kiến.

Luật này đẩy thành phố tự do nhất của Trung Quốc và cũng là một trong những trung tâm tài chính sáng chói nhất thế giới vào con đường chuyên chế hơn. Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp vào Hong Kong, cảnh báo các cường quốc nước ngoài chớ can thiệp vào những vấn đề của nước này.

Ông Chen, một công dân Hong Kong, làm việc cho tòa lãnh sự Anh tại lãnh thổ này trong gần hai năm trước khi phải rời Hong Kong vì điều mà ông mô tả là bị mật vụ Trung Quốc đánh đập và tra tấn. Ông Cheng kể từ đó đã được cho tị nạn tại Anh. Ông coi mình là một người vận động cho dân chủ Hong Kong.

“Một quốc hội lưu vong có thể gởi một dấu hiệu rất rõ ràng cho Bắc Kinh và nhà cầm quyền Hong Kong là dân chủ không cần phải dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh,” ông nói với Reuters tại London. “Chúng tôi muốn thành lập một tổ chức dân sự không chính thức chắc chắn phản ánh quan điểm của người dân Hong Kong.”

Ông nói trong khi ý kiến này vẫn còn trong giai đoạn sớm, nhưng một quốc hội lưu vong như thế sẽ hỗ trợ cho người dân Hong Kong và phong trào tranh đấu cho dân chủ tại đây. Ông từ chối cho biết thời điểm hình thành chính thức.

“Chúng tôi đang phát triển một con đường khác để tranh đấu cho dân chủ,” ông Cheng nói. “Chúng tôi cần phải khôn ngoan để đối phó với một chế độ toàn trị đang bành trướng: họ đang chứng tỏ sức mạnh để đàn áp nên chúng tôi cần uyển chuyển và khôn khéo.”

Ông nói ngày càng có nhiều người “mất hy vọng rằng xuống đường hay tranh cử sẽ có tác dụng gì” đối với Hội đồng Lập pháp Hong Kong.

‘Dấu hiệu tốt’

Về việc ngân hàng HSBC ủng hộ luật an ninh quốc gia, ông Cheng cho rằng chính phủ Anh nên nói chuyện với các nhà tư bản lớn của Anh để họ hiểu được tầm quan trọng của dân chủ.

Tiếp sau đề nghị của Thủ tướng Anh Boris Johnson giúp cho hàng triệu cư dân Hong Kong con đường tiến đến nhập tịch Anh sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia, hàng trăm ngàn người sẽ đến Anh, ông Chen nói.

“Anh quốc đã đưa ra một dấu hiệu rất tốt,” ông Cheng nói. “Ít nhất hàng trăm ngàn người sẽ đến.”

Khoảng 3 triệu cư dân Hong Kong đủ điều kiện được cấp hộ chiếu Công dân Anh ở Nước ngoài. Tính đến tháng 2 năm nay có 349.881 người Hong Kong có hộ chiếu này, Anh cho hay.

Hong Kong được trả lại cho Trung Quốc cách đây 23 năm với một bảo đảm về các quyền tự do không được hưởng tại Hoa lục, trong đó có hệ thống tư pháp độc lập và quyền tụ tập và biểu tình, theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.

Những cuộc biểu tình kêu gọi dân chủ, đặc biệt nhân tưởng niệm ngày đàn áp Thiên An Môn 4/6/1989, là chuyện thường xảy ra và làm tê liệt đường phố Hong Kong suốt 79 ngày trong phong trào Dù Vàng năm 2014.

Luật an ninh quốc gia trừng phạt tới mức tù chung thân các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài. Với luật này, lần đầu tiên sẽ xuất hiện các cơ quan an ninh Trung Quốc tại Hong Kong và cho phép dẫn độ về Hoa lục để xét xử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG