Đường dẫn truy cập

Liệu Tòa án Tối cao Mỹ có thể đảo ngược kết quả bầu cử?


Trụ sở của Tòa án Tối cao Mỹ
Trụ sở của Tòa án Tối cao Mỹ

Cơ hội để lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump phụ thuộc vào tòa án cấp dưới chứ không phải Tòa án Tối cao, một luật sư gốc Việt nhận định với VOA, một khi được đưa lên thì Tòa án Tối cao phải xem xét vụ kiện đó có chính đáng hay không thì mới tiếp nhận và họ chỉ xem xét tòa cấp dưới có xử đúng hay không chứ không phán xử về vụ kiện.

Hiện tại, đội ngũ tranh cử của ông Trump đang tận dụng mọi con đường pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử mà theo đó ông Joe Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, vượt quá 270

phiếu cần thiết để đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các vụ kiện về gian lận bầu cử của ông Trump đều thất bại ở các tòa cấp cơ sở và ban vận động của ông Trump vẫn chưa có hành động gì để thưa lên Tòa án Tối cao.

VOA tìm lời giải thích từ góc độ pháp lý từ luật sư Nguyễn Quốc Lân, người có trên 30 năm kinh nghiệm về luật tổng quát thường vận động cho các ửng cử viên gốc Việt trong các vị trí dân cử ở quận Cam, bang California.

‘Có bằng chứng phải trưng ra’

Trước hết, luật sư Lân cho rằng việc chứng minh là có gian lận bầu cử hay không ‘phụ thuộc vào bằng chứng có xác thực hay không, có chính đáng hay không, có tin tưởng được hay không’.

Và những bằng chứng này ‘phải được xem xét ở tòa khu vực chứ không thể ở tòa kháng cáo (Court of Appeals) chứ đừng nói đến Tối cao Pháp viện (Supreme Court)’, ông Lân cho biết.

Một lập luận của những người ủng hộ ông Trump đưa ra là bằng chứng về gian lận ‘chờ đến khi nào lên Tòa án Tối cao mới đưa ra’. Tuy nhiên, theo ông Lân giải thích thì nếu bằng chứng không trưng ra ở tòa cấp thấp thì ‘sẽ không bao giờ được phép trưng ra ở tòa cấp cao hơn’.

“Nếu có bằng chứng mà họ không đưa ra ở tòa án cấp thấp thì sẽ không được đưa ra ở Tòa kháng cáo cho dù là bằng chứng xác thực, đúng đắn,” ông nói.

Tương tự, Tối cao Pháp viện sẽ không xem xét những bằng chứng không được đưa ra ở tòa cấp dưới vì ‘nếu nguyên đơn không trưng ra bằng chứng thì coi như từ bỏ việc cứu xét những bằng chứng đó’.

Tuy nhiên, nếu bằng chứng đã được đưa ra ở tòa cấp dưới mà bên nguyên đơn không hài lòng với phán quyết thì tòa án cấp cao hơn mới vào cuộc để xem là tòa cấp dưới có xem xét thỏa đáng các bằng chứng đó hay không, cũng theo lời giải thích của luật sư Nguyễn Quốc Lân.

“Tòa cấp trên chỉ xem xét tòa cấp dưới có xét xử công bằng không, có đúng luật không, có bỏ qua những bằng chứng chính đáng mà không xem xét hay không,” ông nói.

Nói cách khác, tòa cấp trên không xem xét về vụ kiện mà chỉ xác định xem tòa cấp dưới có làm gì sai trái hay không và sai phạm này có làm tổn thương đến hệ thống luật pháp hay không.

Nếu tòa cấp trên kết luận rằng tòa cấp dưới xét xử sai thì họ có quyền lật ngược lại phán quyết và xét xử lại hay trả về tòa cấp dưới yêu cầu xử lại, ông Lân nói. Còn nếu họ đồng ý với cách xét xử của tòa cấp dưới thì phán quyết sẽ được giữ nguyên.

“Cơ hội của ông Trump nếu mà có gian lận có bằng chứng, có nhân chứng có thể lật ngược lại kết quả bầu cử phụ thuộc và việc xét xử ở tòa án cấp dưới,” ông Lân khẳng định.

Khó lòng lên được Tối cao Pháp viện?

Mặt khác, không phải các luật sư của ông Trump muốn đưa vụ kiện lên Tối cao Pháp viện là sẽ được tiếp nhận, cũng theo lời ông Lân.

“Tối cao Pháp viện sẽ quyết định có nhận hay không đơn kháng cao đó. Họ sẽ xem xét kháng cáo có chính đáng không, có hợp lý không, có ảnh hưởng sâu rộng đến luật pháp hay không, có cấp bách không, có ảnh hưởng trọng đại đến quốc gia không, có gì sai trái ở tòa cấp dưới hay không,” ông nói.

Ngoài ra, vụ kiện không được vượt cấp mà đi thẳng lên Tòa án Tối cao. Để làm được điều này, họ phải thuyết phục được thẩm phán ở tòa kháng cáo là ‘vấn đề này rất cấp bách có tầm ảnh hưởng lớn’ để được thẩm phán ở tòa kháng cáo cho phép đưa lên Tối cao Pháp viện. Nếu không có được sự cho phép này thì Tối cao Pháp viện sẽ không xem xét, ông Lân nói thêm.

Do đó, lý do tại sao các vụ kiện của ông Trump đến nay cũng chưa được đưa lên Tối cao Pháp viện, ông Lân nói, vì các luật sư còn đang tính toán khả năng Tòa án Tối cao tiếp nhận vụ kiện này đến đâu, khả năng thắng đến đâu…

“Cho đến giờ bằng chứng của họ có được công nhận là xác thực, chính đáng vì vẫn chưa thấy nhiều ở tòa án cấp dưới,” ông Lân nói và nhận định rằng ‘cơ hội đi qua còn đường tòa án của ông Trump là rất thấp’.

Theo phân tích của luật sư này, để có thể thắng kiện, phía ông Trump phải đưa ra bằng chứng xác thực để chứng minh không chỉ là có gian lận mà còn phải là ‘gian lận có hệ thống, phổ quát’.

Họ phải chứng minh là các gian lận đó đủ để thay đổi kết quả ở một tiểu bang nào đó. Và ông Trump phải làm điều tương tự ở ba, bốn tiểu bang khác nữa mới đảo ngược được kết quả bầu cử.

“Nên nhớ rằng trong bất cứ cuộc bầu cử nào đó giờ cũng có thể có thiếu sót hay sai trái,” ông phân tích. “Trong bất cứ quận hạt nào cũng có thể xảy ra trường hợp trong nhà có người đã qua đời, con cái mạo danh người đó để bỏ thêm một, hai phiếu nữa. Cũng có trường hợp người ghi danh ở địa chỉ này nhưng đi bầu ở chỗ khác.”

“Vấn đề là có nhiều trường hợp như vậy hay không, có sự phối hợp hay không, và số lượng có đủ để thay đổi kết quả bầu cử hay không,” ông nói thêm. “Không thể nào chỉ dựa vào vài trường hợp mà lật ngược kết quả bầu cử ở địa phương đó.”

Ông cũng chỉ ra về bản chất, việc Tòa án Tối cao can thiệp trong cuộc bầu cử hồi năm 2000 giữa ứng viên George W. Bush của Đảng Cộng hòa và ứng viên Al Gore ‘hoàn toàn khác hiện nay’.

Khi đó, Tối cao Pháp viện can thiệp không phải là cáo buộc gian lận mà là để phân định cách đếm phiếu như thế nào là đúng: đếm phiếu theo luật lệ của tiểu bang Florida mà theo đó những phiếu có bấm lỗ hay viết vẽ không hợp lệ sẽ không được tính hay đếm phiếu dựa trên ý nguyện của cử tri tức là lá phiếu đã cho thấy rõ ràng cử tri đã bầu cho ai thì dù có không hợp lệ cũng được tính, Luật sư Lân nói.

Cuối cùng tòa phân xử phải đếm phiếu theo ý nguyện của cử tri. Theo cách đếm phiếu đó thì ứng viên George W. Bush được nhiều phiếu bầu hơn ông Al Gore, giành được chiến thắng ở bang Florida và giành chiến thắng chung cuộc.

“Họ chỉ phân xử cách đếm phiếu và luật của tiểu bang Florida có hợp lý hay không chứ không xử là có hay không số phiếu đó và có hay không việc gian lận,” ông Lân nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG