Virus corona: Trump ký thành luật gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ

Donald Trump

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tổng thống Trump đã ký gói kích thích tài chính lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, trị giá 2 ngàn tỷ đô la, khi đất nước này vật lộn với đại dịch coronavirus.

Hạ viện đã thông qua dự luật liên đảng hai ngày sau khi Thượng viện tranh luận về các điều khoản.

Hôm thứ Tư, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,3 triệu người.

Hoa Kỳ đã xác nhận có nhiều ca nhiễm virus corona nhất trên thế giới, hơn 100.000.

Không có nhà lập pháp dân chủ nào được mời tham dự lễ ký kết lịch sử, được tổ chức tại Nhà Trắng, mặc dù tổng thống cảm ơn cả hai bên "đã nhóm lại, bỏ qua một bên sự khác biệt và đặt nước Mỹ trên hết".

Các đại biểu Dân chủ thực hiện 'cách ly xã hội" khi thảo luận về dự luật

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các đại biểu Dân chủ thực hiện 'cách ly xã hội" khi thảo luận về dự luật

Ông Trump cho biết gói này "lớn gấp đôi" so với bất kỳ gói cứu trợ nào trước đó.

"Nó sẽ cung cấp cứu trợ khẩn cấp cho gia đình, người lao động và các doanh nghiệp trên đất nước chúng ta," ông nói.

Ngay trước khi ký thành luật, ông Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), cho phép tổng thống có quyền buộc các ngành công nghiệp tư nhân tạo ra các vật phẩm cần thiết cho quốc phòng.

Ông Trump cho biết lệnh này sẽ buộc General Motors (GM) sản xuất máy thở hiện đang rất cần thiết cho chính phủ liên bang.

Trước đó một ngày, ông Trump đã tweet rằng GM đã hứa sẽ "cung cấp cho chúng ta 40.000 máy thở," rất nhanh ".

"Bây giờ họ nói rằng nó sẽ chỉ còn 6.000, vào cuối tháng Tư, và họ muốn đô la", ông nói, đe dọa sử dụng Đạo luật DPA.

Trong lễ ký kết dự luật, tổng thống nói rằng "nguồn cung cấp [y tế] khổng lồ" sẽ đến sớm, và và rằng: "Chúng ta đã có kết quả tuyệt vời về mọi thứ chúng ta đang nói đến."

Trước đó vào thứ Sáu, Thống đốc New York Andrew Cuomo đã công bố tám bệnh viện dã chiến để đáp ứng sự gia tăng số ca nhiễm.

Ông cho hay 519 người ở New York đã chết - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ - và có 44.635 ca nhiễm.

Điều gì đã xảy ra trong Quốc hội?

Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế thông qua bỏ phiếu bằng miệng vào thứ Sáu sau cuộc tranh luận kéo dài ba giờ.

Các thành viên của Hạ viện đã sẵn sàng tiến hành bỏ phiếu tại nhà nhưng bị buộc phải quay lại Washington vào phút cuối sau khi một đại diện của đảng Cộng hòa từ Kentucky yêu cầu tối thiểu một nửa số đại biểu của Hạ viện phải có mặt.

Thomas Massie - người phản đối gói kích cầu, cho rằng nó bao gồm quá nhiều chi tiêu - cũng tìm cách trì hoãn việc thông qua bằng cách yêu cầu một cuộc bỏ phiếu chính thức, chứ không phải bằng miệng, nhưng đã bị phủ quyết.

Ông Trump đã trút cơn thịnh nộ lên ông Massie trên Twitter, gọi ông là "ông lớn hạng ba" và yêu cầu ông phải bị loại khỏi đảng Cộng hòa.

Có gì trong gói cứu trợ?

Luật mới cho phép chi trả trực tiếp cho các cá nhân và công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Gói này cũng cung cấp 1.200 đô la cho mỗi người Mỹ kiếm được ít hơn 75.000 đô la mỗi năm và 500 đô la mỗi trẻ em.

Nó cũng cung cấp tiền trực tiếp cho các tiểu bang và củng cố chương trình trợ cấp thất nghiệp.

Theo luật, trợ cấp thất nghiệp sẽ được mở rộng cho những người thường thì không được hưởng,chẳng hạn như người làm việc tự do và người lao động thời vụ.

Dự luật cũng cung cấp các khoản vay và giảm thuế cho các công ty phải đối mặt với việc kinh doanh lụn bại, vì cứ bốn người Mỹ thì có một người được lệnh ở nhà và chỉ đi ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu.

Các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, khách sạn và phòng tập thể dục trên khắp Hoa Kỳ đã bị đóng cửa trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus.

Các hãng xe đã tạm dừng sản xuất và hàng không đã giảm đáng kể.

Điều gì đang xảy ra ở Mỹ?

Với gần 1.500 cả tử vong, số người chết ở Mỹ vẫn thấp hơn so với ở Ý và Trung Quốc. Nhưng có những điểm nóng virus ở New York, New Orleans và Detroit.

Ông Cuomo cho biết trong bất kỳ trường hợp "kịch bản thực tế" nào về những người bị bệnh nặng do virus này, hệ thống chăm sóc sức khỏe của New York sẽ bị quá tải.

Ông nói rằng nhà nước đã thiếu hụt "nghiêm trọng" về số lượng máy thở.

Nhu cầu về máy thở cũng tăng gấp đôi ở bang miền nam Louisiana. Thống đốc John Bel Edwards cho biết New Orleans sẽ hết máy thở vào ngày 2/4 và có thể hết giường bệnh vào ngày 7/4 nếu số ca nhiễm mới không giảm.

Nhân viên y tế trên cả nước cũng đang báo cáo tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân.