Tài liệu rò rỉ cho thấy 'liên hệ trực tiếp giữa lãnh đạo TQ và đàn áp Tân Cương'

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có trong số các lãnh đạo Trung Quốc được nhắc đến trong bộ tài liệu rò rỉ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có trong số các lãnh đạo Trung Quốc được nhắc đến trong bộ tài liệu rò rỉ

Một loạt tài liệu mới công bố gần đây cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, và việc đàn áp người Hồi giáo Uyghur (Duy Ngô Nhĩ).

Bộ tài liệu gồm các bài phát biểu mà theo các nhà phân tích chứng tỏ rằng các lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các biện pháp dẫn tới việc giam giữ và cưỡng bức lao động hàng loạt.

Trung Quốc liên tiếp phủ nhận họ đang gây tội diệt chủng đối với người Uyghur.

Một số tài liệu đã được đề cập tới trong các báo cáo trước đây, nhưng các tài liệu mới rò rỉ có chứa một số thông tin chưa từng thấy.

Bộ tài liệu đã được chuyển cho Tòa án Người Uyghur - một tòa án độc lập của công chúng ở UK - hồi tháng Chín, nhưng chưa được đăng đầy đủ cho tới giờ.

Bộ tài liệu, được gọi là 'Hồ sơ Tân Cương', tiết lộ các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), trong đó có ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường, có các phát biểu trực tiếp dẫn tới các chính sách ảnh hưởng đến người Uyghur và các nhóm theo đạo Hồi khác.

Các chính sách này gồm giam giữ, triệt sản hàng loạt, cưỡng ép đồng hóa, "cải tạo", và cưỡng bức người Uyghur bị giam giữ phải làm việc trong nhà máy.

Tờ the New York Times đưa tin một bộ tài liệu y hệt đã được tiết lộ cho họ từ 2019, nhưng không phải toàn bộ tài liệu đã được công bố cho công chúng.

Trong báo cáo của mình, TS Adrian Zens nói các phân tích của ông cho thấy mối liên hệ giữa phát biểu của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và các chính sách được thực hiện đối với người Uyghur là "rất rộng, chi tiết và quan trọng hơn những gì chúng ta biết trước đây rất nhiều."

Chụp lại video, Gìn giữ bản sắc văn hóa Duy Ngô Nhĩ tại London

Trung Quốc đối mặt với áp lực quốc tế lớn về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Một dịch chuyển lớn trong chính sách của chính phủ Trung Quốc với khu vực này được ghi nhận qua hai vụ tấn công bạo lực vào người đi bộ và người dùng giao thông công cộng ở Bắc Kinh hồi 2013 và ở thành phố Côn Minh hồi 2014. Trung Quốc đổ lỗi cho những người Hồi giáo Uyghur và các nhóm ly khai.

Từ 2016 đến nay, phản ứng của Trung Quốc là xây cái gọi là trại "cải tạo" cho người Uyghur và các nhóm Hồi giáo khác.

Trung Quốc cũng theo đuổi chiến lược lao động cưỡng bức bằng cách ép người Uyghur thu hoạch bông ở Tân Cương.

Thêm vào đó, còn có các bằng chứng cho thấy Trung Quốc ép phụ nữ Uyghur triệt sản để giảm dân số, chia cắt trẻ em khỏi bố mẹ và phá hủy các truyền thống văn hóa của nhóm người này.

Một số quốc gia trong đó có Mỹ, Canada và Hà Lan, đã cáo buộc Trung Quốc gây nạn diệt chủng và tội ác chống loài người.

Trung Quốc phản đối kịch liệt những cáo buộc này, và nói rằng việc của chính phủ ở Tân Cương là cần thiết để ngăn ngừa khủng bố và loại bỏ các phần tử Hồi giáo cực đoan, và các trại là một công cụ hữu hiệu để "giáo dục lại" những người bị giam giữ trong cuộc chiến chống khủng bố.