Việt Nam: Bản án 4 năm tù cho cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường 'quá nhẹ' và 'phi lý'

Ông Trương Quốc Cường thời kỳ còn là Thứ trưởng Bộ Y tế
Chụp lại hình ảnh, Ông Trương Quốc Cường thời kỳ còn là Thứ trưởng Bộ Y tế

Ý kiến của một số luật sư ở Việt Nam nói với BBC, cho rằng bản án 4 năm tù dành cho Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là "quá nhẹ" nên "khó thuyết phục được công chúng".

Ngày 19/5, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và một số đơn vị liên quan.

Ông Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đáng chú ý hơn là việc ông Cường được Viện kiểm sát đề nghị giảm gần nửa mức án so với ban đầu, với lý do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin: "Kết thúc phần xét hỏi bổ sung, diễn biến bất ngờ xảy ra khi đại diện VKS đề nghị giảm án cho một loạt bị cáo. Đặc biệt, bị cáo Trương Quốc Cường được đề nghị giảm từ mức 7-8 năm tù xuống mức 4-5 năm tù."

"Theo đại diện VKS, ban đầu ông Cường chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu với ba trong bốn nội dung cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, quá trình xét xử, ông Cường thay đổi nhận thức bằng việc 'xin nhận nốt trách nhiệm' với cáo buộc còn lại là 'không đình chỉ lưu hành thuốc giả dù đã nhận được cảnh báo'. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…"

Bản án 'quá nhẹ' và 'phi lý'?

Sau khi bản án của TAND TP Hà Nội được công bố, nhiều người Việt Nam cho rằng bản án 4 năm tù dành cho cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường là không tương xứng.

Trao đổi với BBC qua điện thoại, luật sư Hà Huy Sơn đánh giá mức án phạt 4 năm tù là "quá nhẹ đối với ông Cường".

Ông Sơn so sánh với trường hợp một vị cựu cục trưởng Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc, chức vụ tương đương với ông Trương Quốc Cường, đã bị xử tử hình hồi năm 2007.

Cụ thể, tháng 7/2007, TAND Trung Quốc tuyên án tử hình cựu Cục trưởng Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Zheng Xiaoyu do tham nhũng 6,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 850.000 USD tính theo giá trị tại thời điểm đó).

Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ để cho một số loại thuốc không đủ tiêu chuẩn được cấp phép, tuồn ra thị trường Trung Quốc. Mặc dù, theo BBC News, ông Zheng đã thành khẩn nhận tội và hợp tác với công an điều tra nhưng vẫn bị xử tử hình.

"Qua so sánh đó thì tôi cho rằng mức án này quá nhẹ đối với ông Cường," Luật sư Hà Huy Sơn lặp lại nhận định của mình.

Trả lời BBC, từ TP.HCM, luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng bản án 4 năm tù cho ông Cường "chưa tương xứng" với hành vi phạm tội của bị cáo như đã nêu trong cáo trạng.

"Theo cáo trạng, vụ án được xác định có tính chất và hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Thế nhưng, mức phạt cho ông cựu thứ trưởng đã chưa tương xứng với sự xác định đó," ông Mạnh đánh giá.

Mặc dù HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo "gây dư luận bất bình", nhưng chính bản án dành cho ông Cường cũng lại gây bất bình cho nhiều người.

"Mức hình phạt của ông cựu thứ trưởng không tương xứng với hành vi phạm tội và cũng không phù hợp với quy định hiện hành. Cho nên, đã gây nên sự bất bình của công chúng là điều dễ hiểu," luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.

"Quả thật, bản án tuyên hình phạt 4 năm tù đối với ông cựu thứ trưởng Bộ Y tế thật khó mà thuyết phục được công chúng về tính chính đáng của nó," ông Mạnh nói thêm.

Trong khi các bị cáo khác trong vụ án này như Nguyễn Minh Hùng (cựu tổng giám đốc VN Pharma) nhận mức án 18 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, việc ông Cường chỉ phải nhận 4 năm tù cũng đã là điều gây hồ nghi.

"Ông Hùng có thể với vai trò là người thực hành, còn ông Cường với vai trò người lãnh đạo thì theo tôi đáng lẽ ông Cường cũng phải chịu hình phạt ngang với ông Hùng chứ không thể là thấp hơn," luật sư Hà Huy Sơn nêu ý kiến.

Vì theo ông Sơn, "vai trò lãnh đạo có thể là nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra vụ án này".

Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng: "Chỉ cần so sánh với nhiều bị cáo khác trong vụ án có mức hình phạt trên 10 năm tù sẽ thấy ngay sự phi lý."

Ý kiến bênh vực bản án

Thông tấn xã Việt Nam, trong mục Góc nhìn ngày 21/5, đăng bài nói: "Ngay sau phiên tòa, đã có những suy diễn, so sánh mức án dành cho cựu Thứ trưởng với những người khác, trong vụ án khác nhằm đả kích chế độ."

Bài này khẳng định: "Nhưng chúng ta phải tỉnh táo bởi chắc chắn một điều rằng, Hội đồng xét xử là người có nhiều thông tin xác thực nhất về vụ án qua những bằng chứng thu thập được của cơ quan điều tra, lời khai của bị cáo và những người liên quan tại phiên tòa, lập luận đối đáp giữa đại diện viện kiểm sát và luật sư bào chữa… Do đó, những suy diễn thiếu căn cứ thì mức độ tin cậy là rất thấp."

Tuy vậy, hôm 23/5, báo Pháp luật TPHCM đăng bài cho rằng: "Nếu mức án 4 năm tù dành cho cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường phù hợp với tình tiết khách quan, quy định pháp luật thì cơ quan tố tụng nên công khai giải thích để dư luận, người dân cả nước được tường minh, tâm phục khẩu phục."

Bài này biện luận: "Nếu nhận thấy quyết định của bản án sơ thẩm (cụ thể là mức án cho cựu thứ trưởng Cường) không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, chưa đúng pháp luật…, những người có thẩm quyền có thể kháng nghị phúc thẩm để vụ án được xét xử đúng với luật định."

"Cầm bằng mức án ấy đúng pháp luật, phù hợp với yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện hành thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền cũng nên công khai giải thích để cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tường minh, để người dân cả nước tâm phục khẩu phục."