Cả hai ứng viên lãnh đạo Anh đều muốn mạnh tay với hoạt động di dân

Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các nghị sĩ nghi ngờ về tính hiệu quả của kế hoạch đưa người xin tị nạn tới Rwanda, nói rằng "không có bằng chứng rõ ràng" rằng nó sẽ ngăn chặn di dân tiếp tục thực hiện các chuyến đi đầy rủi ro, vượt eo biển từ Pháp sang Anh bằng thuyền nhỏ

Bà Liz Truss và ông Rishi Sunak đều tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát vấn đề di cư vào Anh, coi đó như một phần trong nỗ lực chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng tiếp theo của nước Anh.

Ông Sunak cho biết ông sẽ thắt chặt định nghĩa về người đủ điều kiện xin tị nạn và đưa ra hạn mức về số lượng người tị nạn.

Bà Truss nói sẽ mở rộng kế hoạch đưa người xin tị nạn từ Anh tới Rwanda và tăng số lượng nhân viên của Lực lượng Biên phòng.

Từ đầu năm cho đến nay, đã có hơn 14.000 người di cư đã vượt qua eo biển Manche đến Vương quốc Anh trên những chiếc thuyền nhỏ.

Trong một nỗ lực ngăn chặn làn sóng này, hồi tháng 4, chính phủ Anh tuyên bố sẽ gửi một số người được cho là đã nhập cảnh trái phép vào Vương quốc Anh đến Rwanda để xin tị nạn ở đó.

Tuy nhiên, vẫn chưa có người xin tị nạn nào được đưa đến quốc gia Đông Phi này sau một loạt thách thức pháp lý.

Anh có thể sẽ mất đi khoản 120 triệu bảng Anh đã trả cho Rwanda nếu kế hoạch bị tòa án phán quyết là bất hợp pháp tại phiên điều trần sắp tới.

Cả hai ứng viên cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ nói họ sẽ muốn có các thỏa thuận tương tự với những nước khác.

Ngoại Trưởng Liz Truss nói với tờ Mail hôm Chủ Nhật rằng chính sách đưa người đi Rwanda là cách tiếp cận đúng đắn, và bà quyết tâm "thấy chính sách này được thực hiện đầy đủ".

Bà Truss cũng cho biết nếu trở thành thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà sẽ tăng biên chế Lực lượng Biên phòng từ 9.000 lên 10.800 người.

Bà cũng hứa hẹn về một dự luật mạnh hơn về nhân quyền, và nói thêm: "Tôi quyết tâm chấm dứt nạn buôn người kinh hoàng mà chúng ta đang thấy."

Cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak cũng cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để kế hoạch Rwanda hoạt động, và mô tả chính sách di cư của Anh là "đổ vỡ" và "hỗn loạn".

Ông dự kiến đưa ra kế hoạch theo đó Anh sẽ đánh giá lại các khoản viện trợ, các điều khoản thương mại và các lựa chọn thị thực dựa trên cơ sở mức độ sẵn sàng hợp tác của một quốc gia trong việc nhận lại những người xin tị nạn bị bác đơn và những người phạm tội.

Ông cũng đã hứa sẽ trao cho Quốc hội Anh quyền kiểm soát số lượng người đến Anh bằng cách định ra hạn mức số lượng người tị nạn được chấp nhận mỗi năm, mặc dù điều này có thể được thay đổi trong trường hợp khẩn cấp.

Và ông nói sẽ đưa ra "quyền hạn tăng cường" để giam giữ, gắn thẻ và giám sát những người nhập cảnh vào Vương quốc Anh bất hợp pháp.

Ông nói: "Hiện tại, hệ thống đang hỗn loạn; các công dân tuân thủ pháp luật thì phải chứng kiến cảnh những con thuyền chở đầy người nhập cư bất hợp pháp đến từ nước Pháp an toàn, trong lúc các thủy thủ và lực lượng tuần duyên của chúng ta dường như bất lực trong việc ngăn chặn họ."

Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Di cư và thuế là những vấn đề mới nhất nổi lên trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ

Nhưng quan chức phụ trách vấn đề nội vụ của đảng Lao động đối lập, Yvette Cooper thì chỉ trích những đề xuất của cả hai người, nói rằng họ đang lãng phí thuế dân vào chương trình Rwanda.

Bà nói: "Đảng Bảo thủ đã nắm quyền được 12 năm. Họ van nài mọi người tin rằng họ sẽ sắp xếp ổn thỏa mọi thứ, trong lúc cả hai đều đã thất bại quá lâu rồi."

Tháng trước, có 47 người được thông báo rằng họ bị đưa tới Rwanda, trong chuyến bay được đặt trước, vào ngày 14/6. Nhưng sau một loạt các thách thức pháp lý, chuyến bay đã bị hủy bỏ.

Một chuyến bay khác vẫn chưa được lên lịch.

Đầu tuần này, một ủy ban hỗn hợp của Hạ viện Anh nghi ngờ về tính hiệu quả của kế hoạch này, nói rằng "không có bằng chứng rõ ràng" rằng nó sẽ ngăn chặn di dân tiếp tục thực hiện các chuyến đi vượt eo biển đầy rủi ro.

Các thành viên đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu nhận phiếu bầu trong tuần này, và người thắng cuộc đua vào vị trí thủ lĩnh đảng sẽ được công bố vào ngày 5/9.

Ông Sunak, người đã từ chức trong cuộc nổi loạn chống Boris Johnson, giành được nhiều nhất phiếu bầu của các nghị sĩ để đủ điều kiện tham gia cuộc tranh cử vòng cuối với bà Truss. Nhưng các cuộc thăm dò hiện cho thấy Ngoại Trưởng là ứng viên ưa thích của các đảng viên, những người sẽ quyết định bầu chọn lãnh đạo của mình.

Người ta cho rằng một phần đáng kể trong số 160.000 thành viên đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu trong những tuần tới.

Các cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong suốt tháng 7 và tháng 8, và hai ứng viên sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình BBC vào thứ Hai, vào sau đó sẽ có một cuộc tranh luận khác do báo The Sun và kênh TalkTV tổ chức vào thứ Ba.