USD chiếm 88% giao dịch tiền tệ còn yuan mới đạt 4,3%

A 100 dollar bill and a 100 yuan note

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

USD và yuan

Vào năm 2018, giới phân tích tài chính tin rằng đồng yuan chuyển đổi của Trung Quốc sẽ trở thành ngoại tệ quan trọng trên thế giới, theo trang CNBC.

Thậm chí có dự báo đồng tiền Trung Quốc sẽ "thoán ngôi" của đồng đô la Mỹ.

Nhưng đến nay, đồng tiền của Trung Quốc chỉ nhích lên một chút, đạt 4,3% kinh doanh tiền tệ toàn cầu, theo cuộc điều tra Bank for International Settlements.

Bài trên South China Morning Post (17/09/2019), trích đăng lại nguồn trên nói dù tăng lên từ 4% năm 2016, đến nay tiền Trung Quốc còn thua xa cả đồng bảng Anh (12,8%), yen của Nhật Bản (17̀%), và euro (32̀%) trong giao dịch quốc tế.

Hiện mới đứng thứ tám trong số đồng tiền được dùng trong giao dịch quốc tế, dưới cả đô la Úc, đô la Canada và franc Thụy Sĩ, đồng yuan "khó có khả năng mau chóng vượt qua đồng đô la Mỹ", theo bài báo.

Đồng USD hiện vẫn là ngoại tệ được giao dụch nhiều nhất thế giới, dùng trong 88% của mọi giao dịch tiền tệ.

Hiện nay, giao dịch bằng yuan hàng ngày đạt 284 tỷ USD, so với tiền USD là 5,82 nghìn tỷ USD.

Tuy thế, có ý kiến cho rằng nhiều vùng ở châu Á đang giao dịch bằng tiềng Trung Quốc ngoài luồng tài chính toàn cầu, nên tỷ lệ giao dịch thực tế có thể đặt yuan vào vị trí thứ năm thế giới.

Ba loại mã tiền của Trung Quốc

Khi nói đến đồng yuan trong giao dịch quốc tế, chúng ta cần phân biệt nó với đồng nội tệ của Trung Quốc là Nhân dân tệ, viết tắt là RMB (reminbi).

Trong giao dịch quốc tế , Trung Quốc quy định dùng ¥ - Yuan cho mã ISO, còn gọi là nhân dân tệ hải ngoại.

Ngoài ra, Hong Kong, thuộc Trung Quốc nhưng lại có chế độ thanh toán tiền Trung Quốc riêng, bên ngoài Hoa Lục, với CNH (China Offshore Spot, Hong Kong).

Tính đến tháng 8/2018 có chừng 60 nước chính thức dùng tiền Trung Quốc trong dự trữ ngoại hối.

Sau Hong Kong, đến lượt Singapore, Đài Loan và London đều mở thị trường tiền nhân dân tệ hải ngoại.

Theo một số nhà quan sát thị trường tài chính, chính phủ Trung Quốc dùng sáng kiến Vành đai và Con đường để "toàn cầu hóa" đồng tiền của họ.

Hàng tỷ nhân dân tệ được dùng vào đầu tư cơ sở hạ tầng trên thế giới và các điều khoản cho vay để xây cất đều được quy đổi ra yuan.

Việc TQ tìm thị trường cho hàng giá rẻ bán ồ ạt sang VN sẽ gây thêm vấn đề cho kinh tế VN, theo TS TS Phạm Đỗ Chí.

Nguồn hình ảnh, Edward Berthelot/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việc TQ tìm thị trường cho hàng giá rẻ bán có thể gây thêm vấn đề cho kinh tế VN

Điều này dẫn tới một vấn đề khá lớn của Trung Quốc là không để yuan phá giá.

Vành đai và Con đường sẽ thất bại nếu thị trường không tin tưởng vào sự ổn định của đồng tiền TQ, theo Reid Kirchenbauer viết trên InvestAsia.com.

Mặt khác, nếu cố giữ giá đồng yuan thấp và dựa vào lợi thế nhân công rẻ, Trung Quốc sẽ không thay đổi được cơ cấu kinh tế để tiến lên một tầm cao hơn.

Điều này càng nghiêm trọng trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Ngay từ bây giờ, các nước châu Á khác như Việt Nam, đã hưởng lợi nhờ thương chiến của Trung Quốc với Hoa Kỳ và vì đồng yuan rẻ không còn giúp Trung Quốc có lợi thế về lâu dài, theo ông Kirchenbauer.