Bộ GTVT: không thu phí BOT tại trạm T2 trên Quốc lộ 91

RFA
2019.11.12
thu phí Trạm T2 đã dừng thu phí từ ngày 25-5.
Courtesy of Người lao động

Thông tin kết luận không thu phí BOT tại trạm T2 trên quốc lộ 91 của thứ trưởng Nguyễn Nhật được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông báo với truyền thông trong nước vào ngày 12/11.

Theo Infonet.vn, trước đó Bộ GTVT đã làm việc với đại diện UBND TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang cùng Tổng cục Đường bộ, Bộ tài chính, chủ đầu tư, ngân hàng để ghi nhận các ý kiến xử lý vấn đề liên quan trạm T2.

Tại cuộc họp, các bên thống nhất phương án không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư Quốc lộ 91B (từ nguồn ngân sách của TP Cần Thơ hoặc Trung ương). Do quốc lộ 91B nằm ở nội đô cửa ngõ phía Tây TP Cần Thơ để phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, UBND TP Cần Thơ có thể tiếp nhận lại Quốc lộ 91B để quản lý vận hành khai thác và bảo trì để thành phố quản lý, vận hành cho đường đô thị.

Theo Bộ GTVT, phương án xả trạm T2 chờ tuyến tránh TP Long Xuyên (dự kiến hoàn thành vào năm 2020) là không khả thi, vì thời gian thu phí hoàn vốn cho toàn dự án BOT quốc lộ 91 sẽ kéo dài trên 30 năm, kế hoạch trả nợ sẽ bị phá vỡ, phía ngân hàng không đồng thuận.

Do đó, Đại diện UBND tỉnh An Giang, Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư đã thống nhất phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2 (đặt tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) và sẽ dùng vốn ngân sách của TP Cần Thơ hoặc Trung ương, hoặc cả 2 nguồn để mua lại dự án BOT quốc lộ 91B.

Đối với phương án không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2, Bộ GTVT giao tổng cục Đường bộ phối hợp với chủ đầu tư rà soát giá trị quyết toán đầu tư tuyến Quốc lộ 91B, lên phương án hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho tuyến Quốc lộ 91B.

Được biết, dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty CP Phát triển khu công nghiệp là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang.

Dự án có hai trạm thu phí T1 và T2 trên QL91. Trong đó, trạm T1 (quận Ô Môn, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ 0 giờ ngày 2/4/2016 và trạm T2 (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ đầu năm 2017.

Tuy nhiên, khi trạm T2 đi vào hoạt động đã gặp phải nhiều bất cập và bị các tài xế phản ứng mạnh do trạm đặt cách ngã ba Lộ Tẻ chừng 300m nhưng thu luôn phương tiện đi theo QL80 về phà Vàm Cống, Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT. Các tài xế phản ứng dữ dội hơn sau khi cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng (ngày 19/5/2019), do đó chủ đầu tư phải dừng thu phí từ ngày 25/5/2019 đến nay.

Ở một diễn biến khác, Ngân hàng nhà nước cho biết tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông. Lý do siết tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho biết vì việc cấp tín dụng đối với loại dự án này rất rủi ro trong dài hạn. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo chủ yếu trong các dự án này là quyền thu phí, trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.